Bệnh trầm cảm – những điều cần biết Thứ Ba, 09/04/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Bệnh trầm cảm có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tinh thần và thể chất như gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày, sức khỏe trì trệ, suy giảm. Các bạn tìm hiểu một số thông tin về bệnh trầm cảm như thế nào trong bài viết sau đây nhé
1. Bệnh trầm cảm là gì?
- Bệnh trầm cảm (Depression) là trạng thái bệnh lý rối loạn cảm xúc, thể hiện sự ức chế ở tất cả các mặt hoạt động tâm thần (ức chế cảm xúc, ức chế tư duy, ức chế về vận động) dẫn tới làm giảm sút các mặt hoạt động tâm thần và trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, hiệu suất lao động và học tập của người bệnh.
- Rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ rất cao trong dân số, khoảng 3 – 5 % dân số thế giới. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ học một số bệnh tâm thần thường gặp của Chương trình Quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tỷ lệ trầm cảm chiếm khoảng 3,8% dân số.
- Trầm cảm là tình trạng bệnh phổ biến, người ta ước tính có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 - 25%. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, tỷ lệ cao hơn ở tuổi từ 25 – 44 tuổi và gặp ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới, tỷ lệ nữ/ nam là khoảng 2/1.
2. Một số đặc điểm của trầm cảm:
- Trạng thái rối loạn cảm xúc, biểu hiện ở sự buồn rầu, chán nản, mệt mỏi… khác với phản ứng suy giảm cảm xúc, buồn chán nhất thời khác có ở người bình thường đó là: trạng thái rối loạn cảm xúc kéo dài (không ít hơn 2 tuần) người bệnh mất hết quan tâm thích thú trước đây, khả năng tập trung chú ý, khả năng tập trung tư duy bị suy giảm, người bệnh không đủ khả năng hoàn thành công việc, quan hệ giao tiếp bị hạn chế, xuất hiện nhiều triệu chứng rối loạn về cơ thể của hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, nội tiết…
- Rối loạn trầm cảm thường có biểu hiện tái phát nhiều lần.
- Bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát rất cao.
- Trầm cảm nếu được phát hiện sớm, điều trị đầy đủ, kịp thời bệnh thuyên giảm và tiến triển tốt.
(Ảnh: internet)
3. Triệu chứng thường gặp
a) Giai đoạn khởi đầu:
Những biểu hiện ban đầu ở hầu hết các người bệnh trầm cảm thường người bệnh có cảm giác mệt mỏi mơ hồ, đau đầu, rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, hay thức giấc nửa đêm) khó tập trung chú ý, hiệu suất lao động và học tập của người bệnh suy giảm rõ rệt, dần dần các dấu hiệu trên nặng dần và xuất hiện các triệu chứng của giai đoạn toàn phát.
b) Giai đoạn toàn phát:
Trong những trường hợp trầm cảm điển hình lâm sàng được biểu hiện các triệu chứng như sau:
3 triệu chứng đặc trưng:
- Khí sắc trầm: nét mặt buồn rầu, ủ rũ, nặng nề…
- Mất hoặc giảm sự quan tâm, thích thú, không quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh, không còn các ham thích, kể cả vui chơi giải trí và sinh hoạt xã hội.
- Mất hoặc giảm năng lượng, giảm hoạt động, mệt mỏi, người bệnh có cảm giác không còn sức lực, thường ngồi hoặc nằm một chỗ.
7 triệu chứng phổ biến khác:
- Giảm sút sự tập trung và sự chú ý.
- Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin.
- Tự cho mình có tội, bị khuyết điểm, không xứng đáng.
- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, đen tối.
- Có ý tưởng, hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát.
- Rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, nhiều ác mộng).
- Ăn ít ngon miệng, hay chán ăn.
Khi rối loạn trầm cảm nặng, người bệnh có biểu hiện sút cân (giảm 5% trọng lượng cơ thể trong 4 tuần), giảm hoặc mất dục năng, mất ngủ hoàn toàn, nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật và các rối loạn về cơ thể. Có nhiều trường hợp có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, loạn cảm giác….
Các triệu chứng trên của trầm cảm kéo dài và ít nhất là 02 tuần.
4. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trầm cảm
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển hoặc gây ra chứng trầm cảm:
- Có tiền sử rối loạn lưỡng cực, trong gia đình có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc nghiện rượu
- Những người trải qua những sự kiện khiến họ suy sụp, "sốc" như sự ra đi của người thân yêu nhất, gia đình có người tự sát, bị lạm dụng tình dục, những tổn thương thời thơ ấu, trầm cảm sau khi sinh nở
- Môi trường sống căng thẳng, rất ít bạn bè hoặc các mối quan hệ cá nhân khác, lạm dụng rượu hoặc chất kích thích
- Một số đặc điểm tính cách, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp hoặc sống phụ thuộc
- Bệnh nặng, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim
- Một số loại thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc ngủ
(Ảnh: internet)
5. Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm
Hiện nay y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm được chỉ ra rằng, có thể do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Trầm cảm thường phổ biến ở những gia đình có người bị mắc bệnh trầm cảm.
- Sự mất cân bằng của nồng độ serotonin trong não: Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những thay đổi về chức năng và hiệu quả của các chất dẫn truyền thần kinh cùng với cách chúng tương tác với các mạch thần kinh tham gia duy trì ổn định tâm trạng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra bệnh trầm cảm.
- Hormone: Sự mất cân bằng của hormone trong cơ thể có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra trầm cảm. Những thay đổi hormone gây ra một số vấn đề trong những tuần hoặc vài tháng sau khi sinh (sau sinh) đối với phụ nữ sinh nở và các vấn đề về tuyến giáp, mãn kinh hoặc một số bệnh lý khác.
- Stress - căng thẳng: là một trong những yếu tố lớn gây ra trầm cảm.
- Những chấn thương lớn ảnh hưởng tới người bệnh: bị mù, bị cụt tay, chân, mất khả năng sinh sản...
6. Hậu quả của bệnh trầm cảm
Trầm cảm gây ra rất nhiều những nguy hại cho người mắc phải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người bệnh, đồng thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng rất khó lường trước:
- Người bị bệnh thường xuyên mất ngủ khiến cho sức khỏe giảm sút, tinh thần trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và đời sống hằng ngày.
- Trầm cảm khiến cho người bị bệnh có vấn đề với ăn uống, rối loạn về thèm ăn, lâu dài khiến cho suy nhược cơ thể nghiêm trọng
- Trầm cảm khiến cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, quan hệ xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới công danh, sự nghiệp, thậm chí gây ra rạn nứt tình cảm gia đình.
- Trầm cảm khiến bệnh nhân luôn bị cảm giác bi quan, suy nghĩ thiếu tích cực, mất cảm hứng với các hoạt động cơ bản bao gồm cả công việc tại cơ quan hay công việc gia đình.
- Trầm cảm trong diễn biến xấu nhất có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc tự sát, hoặc giết người.
- Ngoài ra: Trầm cảm là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như: tim mạch, dạ dày, tuyến giáp...
7. Mức độ của rối loạn trầm cảm, nguy cơ tái phát và bạn cần đi khám bác sĩ khi nào?
Trầm cảm là bệnh, cần được quan tâm và điều trị.
Rối loạn trầm cảm có 4 mức độ khác nhau: nhẹ, vừa, nặng không có triệu chứng loạn thần, nặng có triệu chứng loạn thần.
Trầm cảm có tái phát không?
Có! Bệnh trầm cảm sau khi được chữa khỏi vẫn có nguy cơ tái phát 1 hoặc nhiều lần. Theo đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại sau khoảng 4 tháng điều trị thành công. Tỷ lệ tái phát phụ thuộc vào số lần người bệnh bị trầm cảm, cụ thể:
Người trầm cảm lần đầu: có 50% nguy cơ tái phát.
Người trầm cảm lần thứ 2: có 70% nguy cơ tái phát.
Người mắc bệnh lần thứ 3: tỷ lệ tái phát cao rõ rệt, lên đến 90%.
Bạn cần đi khám bác sĩ khi nào?
Nếu bạn cảm thấy chán nản vài ngày với các biểu hiện triệu chứng như ở trên, hãy hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có thể. Trầm cảm có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu nó không được điều trị. Vì bản thân và người thân của bạn, đừng chủ quan.
Chú ý rằng: khi có các triệu chứng hãy liên hệ khám ngay với bác sĩ. Bệnh được điều trị càng sớm, các tác hại của bệnh càng được giảm thiểu. Ở bệnh nhân trầm cảm nhẹ, bệnh nhân có thể chưa cần phải dùng đến thuốc và tình trạng không quá nguy hiểm. Nhưng trên hết, người bệnh cần nhận được sự quan tâm của gia đình và người thân và cả bác sĩ để hỗ trợ khắc phục tình trạng này, bởi lẽ, trầm cảm có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu không được điều trị.
8. Chuẩn bị cho cuộc gặp với bác sĩ
Trước buổi hẹn khám với bác sĩ, hãy:
- Thống kê tất cả các triệu chứng, dấu hiệu bất thường mà bạn gặp phải và cho rằng nó liên quan đến bệnh.
- Thông tin cá nhân của bạn, đặc biệt là bao gồm các biến cố bất thường mà bạn gặp phải gần nhất.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin và các chất bổ sung khác mà bạn đang dùng và liều lượng
- Đặt ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ
Có nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm không muốn tới khám bác sĩ vì:
- Bệnh nhân ngại giao tiếp, không muốn gặp trực tiếp bác sĩ
- Người thân hoặc bạn bè không thể khuyên nhủ bệnh nhân tới khám
- Bệnh nhân ở quá xa nơi có dịch vụ y tế điều trị trầm cảm chuyên sâu
- Không sắp xếp được thời gian hoặc thời gian hẹn khám bác sĩ không phù hợp
9. Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán và điều trị bệnh cho bạn?
- Khám sức khoẻ: Bác sĩ của bạn có thể khám sức khoẻ và hỏi những câu hỏi chuyên sâu về sức khoẻ của bạn để giúp xác định những gì có thể gây ra trầm cảm. Trong một số trường hợp, chứng trầm cảm có thể liên quan đến vấn đề sức khoẻ thể chất cơ bản.
- Tiến hành một số xét nghiệm cơ bản và chuyên khoa cần thiết tùy từng trường hợp.
- Làm trắc nghiệm tâm lý để loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn.
Sau khi có kết quả khám, chẩn đoán. Tùy mức độ bệnh, yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của bệnh mà bạn được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp (dùng thuốc, tâm lý trị liệu hoặc phối hợp cả hai phương pháp cùng lúc). Phần lớn, bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
(Ảnh: Vimed)
10. Cải thiện tình trạng trầm cảm, chăm sóc sau điều trị
Người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau để giúp tình trạng sớm cải thiện:
- Tuân thủ phác đồ và không bỏ dở việc điều trị. Tái khám định kỳ và duy trì điều trị theo hướng dẫn để ngừa các triệu chứng tái phát.
- Tìm hiểu về bệnh trầm cảm; không bỏ qua các triệu chứng gây bệnh: đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Không uống rượu và sử dụng chất kích thích: rượu và chất kích thích làm trầm trọng thêm các triệu chứng, khiến trầm cảm khó điều trị hơn.
- Chăm sóc bản thân, kiểm soát căng thẳng: ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc. Cân nhắc đi bộ, luyện tập thể thao, bơi lội, làm vườn hoặc các hoạt động khác mà bản thân yêu thích.
- Nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng để sớm vượt qua những giai đoạn khó khăn.
TSBT tổng hợp
Nguồn: Suckhoedoisong.vn; bvtttw1.gov.vn; bookingcare.vn; Tamanhhospital.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 1 Thứ Ba, 02/07/2024, 00:00
Các tin khác
- 5 lợi ích sức khỏe của việc sống độc thân Thứ Hai, 08/04/2024, 10:00
- Lợi ích bất ngờ của cuộc sống độc thân Thứ Hai, 08/04/2024, 00:00
- Dấu hiệu của tình yêu thương đích thực: giấc ngủ ngon, ngọt ngào Chủ Nhật, 07/04/2024, 00:00
- 5 BƯỚC ĐÁNH MẤT TÌNH YÊU Thứ Bẩy, 06/04/2024, 18:00
- Tôi nên kết thúc một mối quan hệ như thế nào? Thứ Bẩy, 06/04/2024, 00:00
- Những điều nên làm ở tuổi 30 để cuộc sống bớt tẻ nhạt Thứ Sáu, 05/04/2024, 12:00
- Điều gì làm cho một mối quan hệ không lành mạnh? Thứ Sáu, 05/04/2024, 00:00
- 7 sự thật bất ngờ về cảm xúc con người Thứ Năm, 04/04/2024, 15:00
- Đừng chỉ yêu con bằng lời nói Thứ Năm, 04/04/2024, 12:00
- BẠO HÀNH VỚI VỊ THÀNH NIÊN/THANH NIÊN Thứ Năm, 04/04/2024, 00:00
- Để hôn nhân hạnh phúc, hãy nhớ đừng bao giờ nói 4 điều này một cách tùy tiện trước mặt đối phương! Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Hướng dẫn trẻ tự kỷ bước vào tuổi dậy thì về vấn đề tình dục Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00