Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên (12/8) Chủ Nhật, 11/08/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên là một ngày được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 8 nhằm tôn vinh và nêu bật vai trò của thanh thiếu niên trong xã hội. Ngày này cũng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết tham gia và quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
1. Nguồn gốc
Ngày 17/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, nhấn mạnh theo khuyến nghị từ Hội nghị thế giới các Bộ trưởng thanh niên quyết định chọn ngày 12/8 hàng năm là Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên.
Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên có tên gọi bằng tiếng Anh là: International Youth Day.
2. Ý nghĩa:
Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tác động sâu sắc đến tương lai của thế hệ thanh thiếu niên. Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong các hoạt động chính trị, xã hội, ngày này còn là cơ hội để nhận thức về các vấn đề mà thanh thiếu niên đang đối mặt, như giáo dục, sức khỏe, việc làm, quyền con người và môi trường sống cũng như hướng tới sự công bằng, tôn trọng quyền lợi và đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên.
3. Điểm lại một số chủ đề Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên
Mỗi năm Ngày Quốc tế Thanh Thiếu niên sẽ có những mục tiêu khác nhau đem đến các ý nghĩa và các hoạt động phù hợp với mục tiêu đã đặt ra.
Để thúc đẩy cộng đồng quốc tế coi trọng vấn đề phát triển thanh niên, cuối năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tuyên bố từ 12/8/2010 - 12/8/2011 là Năm Thanh niên Quốc tế với chủ đề “Đối thoại và hiểu biết lẫn nhau”. Năm Thanh niên Quốc tế nhằm mục đích nâng cao nhận thức về đóng góp của thanh niên cho xã hội; giúp giải quyết các thách thức mà họ phải đối mặt và khuyến khích họ tham gia vào phát triển các sáng kiến, từ cộng đồng đến cấp độ toàn cầu.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua Chương trình thế giới hành động vì thanh niên, trong đó xác định một khuôn khổ và hướng dẫn cho các hoạt động ở cấp quốc gia và quốc tế để cải thiện cuộc sống của những người trẻ tuổi. Trong đó, 15 lĩnh vực của chương trình hành động được xác định gồm: Giáo dục, việc làm, nghèo đói, sức khỏe, môi trường, lạm dụng ma túy, vị thành niên phạm tội, các hoạt động giải trí, trẻ em gái và phụ nữ trẻ, sự tham gia hòa nhập, toàn cầu hóa, công nghệ thông tin và truyền thông, HIV/AIDS, thanh niên và xung đột, mối quan hệ giữa các thế hệ.