QUAN HỆ GẦN NGÀY KINH NGUYỆT LIỆU CÓ KHẢ NĂNG MANG THAI? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
Gần tới ngày “đèn đỏ” quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ có tránh thai được không? Có thể nhiều bạn còn băn khoăn về điều này, bài viết sau đây giúp các bạn tìm hiểu về tránh thai bằng cách tính ngày quan hệ theo kỳ kinh nguyệt nhé.
1. Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường?
- Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ trong tuổi sinh sản, thường xảy ra mỗi tháng một lần.
- Bình thường chu kỳ kinh nguyệt là 28 - 30 ngày, mỗi lần hành kinh kéo dài từ 3 – 5 ngày.
- Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có 1 nang trứng chín. Hiện tượng “rụng trứng” hay phóng noãn thường xảy ra vào thời điểm 13-14 ngày trước khi có kỳ kinh sau.
2. Tế bào sinh sản ở nam (tinh trùng) và nữ (trứng) hoạt động như thế nào?
2.1. Tinh trùng:
- Tinh trùng được sản xuất ở tuyến sinh dục nam (tinh hoàn) và được lưu trữ trong tinh dịch ở túi tinh. Số lượng tinh trùng có từ 60 - 120 triệu/ml tinh dịch. Tinh trùng chỉ chiếm 1% tinh dịch, mỗi lần phóng tinh ở nam giới có khoảng 100 triệu đến 300 triệu tinh trùng.
- Tinh trùng sau khi được phóng ra theo đường niệu đạo trong dương vật có thể sống trong âm đạo khoảng 2 giờ, trong cổ tử cung và vòi trứng được 2 - 3 ngày, có trường hợp đến 5 ngày.
- Thời gian tinh trùng di chuyển từ âm đạo lên tới 1/3 ngoài vòi trứng mất từ 90 phút đến 2 giờ. Khả năng di chuyển của tinh trùng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của đường sinh dục nữ như tư thế của tử cung, độ mở cổ tử cung, chất nhầy cổ tử cung và sự chênh lệch về độ pH của âm đạo và cổ tử cung. Số lượng tinh trùng giảm dần trong quá trình di chuyển.
2.2. Trứng:
- Trứng là tế bào được sản xuất ở buồng trứng của người phụ nữ. Mỗi buồng trứng của một bé gái khi mới đẻ có từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu nang noãn. Từ khi dậy thì đến khi mãn kinh chỉ có 400 - 450 nang trưởng thành, còn phần lớn teo đi.
- Thông thường, mỗi kỳ kinh có 01 nang trứng trưởng thành phóng noãn (hiện tượng rụng trứng), trứng sau khi rụng di chuyển qua ống dẫn trứng (dài khoảng 10cm) để đến được buồng tử cung.
- Sau khi rụng, trứng thường sống được khoảng 24 giờ trong cơ thể người phụ nữ. Đây là thời điểm mang thai sẽ diễn ra nếu trứng gặp tinh trùng. Nếu không được thụ tinh, trứng sẽ chết và được đẩy ra ngoài theo kinh nguyệt ở chu kỳ tiếp theo.
3. Sinh lý sự thụ thai
Vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh (vòng kinh), noãn từ buồng trứng được phóng ra ngoài và được loa vòi trứng đón vào trong buồng tử cung. Nếu có tinh trùng ở âm đạo, tinh trùng di chuyển nhanh về phía cổ tử cung, vào buồng tử cung và vòi tử cung để gặp noãn và hiện tượng thụ tinh xảy ra. Hiện tượng thụ tinh bình thường diễn ra ở 1/3 ngoài vòi tử cung.
(Ảnh: internet)
4. Dấu hiệu khi có hiện tượng rụng trứng?
Cơ thể phụ nữ ở thời điểm này có thể có dấu hiệu:
- Thay đổi ở dịch tiết âm đạo. Dịch tiết thường trở nên trong, có khi trông giống như lòng trắng trứng. Sau khi rụng trứng, số lượng dịch tiết có thể giảm xuống, và dịch có thể trở nên đặc hơn, đục hơn.
- Căng vú, đau đầu ngực, tăng ham muốn tình dục, đau hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc 1 bên ổ bụng, có thể có đốm máu dính ra quần lót, thân nhiệt cao hơn bình thường.
5. Khả năng thụ thai khi quan hệ tình dục ở các thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt
Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường đều đặn hàng tháng, khi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ phòng tránh thai thì khả năng mang thai tùy từng thời điểm quan hệ. Có thể áp dụng phương pháp tính vòng kinh xác định ngày rụng trứng của Ogino - Knauss. Khi sử dụng phương pháp này bạn nên ghi lại các ngày trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt ít nhất là 6 tháng.