Mãn kinh – những điều cần biết Thứ Tư, 13/03/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Khi mỗi phụ nữ bước sang tuổi 40 đều có chung một mối quan tâm về vấn đề tiền mãn kinh, mãn kinh, vậy những biểu hiện của tình trạng này như thế nào? Các bạn cùng tìm hiểu tại bài viết sau đây nhé.
1. Mãn kinh là gì?
- Mãn kinh là tình trạng ngừng vĩnh viễn chu kỳ kinh nguyệt ở người phụ nữ do mất chức năng nang noãn sau khi buồng trứng ngừng hoạt động hoàn toàn.
- Mãn kinh được xác định dựa trên tình trạng không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp mà không có nguyên nhân nghi ngờ nào khác.
- Mãn kinh không phải là một bệnh mà là sự chuyển tiếp thời kỳ bình thường xảy ra ở tất cả phụ nữ lớn tuổi.
(Ảnh: internet)
2. Phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi nào?
- Tuổi mãn kinh ở phụ nữ Việt Nam khoảng 47±4 tuổi, thông thường từ 45-50 tuổi. Có thể sớm lúc 40 và có thể muộn lúc 60 tuổi.
- Các yếu tố như hút thuốc, sống ở độ cao và suy dinh dưỡng có thể khiến thời kỳ mãn kinh xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. Nếu có nhiều con thì tuổi mãn kinh muộn hơn. Phụ nữ ở các nước châu Á thường có hiện tượng mãn kinh diễn ra sớm hơn.
3. Tiền mãn kinh và hậu mãn kinh là giai đoạn nào?
- Trước mãn kinh còn có giai đoạn tiền mãn kinh, giai đoạn này thường kéo dài 1-2 năm. Nhưng có khi rất dài, tới 10 năm và cũng có khi rất ngắn, chỉ một vài tháng, thậm chí còn không có biểu hiện gì mà chuyển ngay sang thời kỳ mãn kinh.
Biểu hiện tiền mãn kinh: chu kỳ kinh nguyệt có những bất thường, vòng kinh có thể kéo dài, cũng có thể ngắn. Lượng máu kinh có thể nhiều lên, cũng có thể ít đi. Nếu vòng kinh ngắn và lượng máu kinh nhiều thì có thể giai đoạn này sẽ kéo dài. Nếu vòng kinh dài (kinh thưa) và lượng kinh ít thì có thể sắp chuyển sang mãn kinh thực sự. Những vòng kinh trong giai đoạn tiền mãn kinh thường không phóng noãn và khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm hẳn.
- Giai đoạn hậu mãn kinh: thường được tính là 2 năm. Trong giai đoạn này, nếu người phụ nữ không hành kinh lần nào nữa thì có thể coi là đã mãn kinh hẳn và người phụ nữ bước vào thời kỳ cao tuổi, chấm dứt hẳn cuộc đời hoạt động sinh sản.
4. Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có những biểu hiện gì?
Trong khoảng thời gian này, trong cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi và gây nên các triệu chứng khác nhau, các dấu hiệu này có thể tồn tại vài tháng hoặc có khi vài năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Cụ thể, một số biểu hiện hay gặp là:
- Rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt kéo dài nhiều ngày hơn hoặc ít ngày hơn, lượng máu ra nhiều hơn hoặc ít hơn.
- Bốc hỏa (nóng bừng): khá thường gặp, là cảm giác nóng bừng đột ngột xảy ra khắp ở măt, cổ hay ngực. Bốc hỏa có thể kèm đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi và cảm giác lạnh run sau đó. Bốc hỏa ban đêm có thể gây đổ mồ hôi đêm và làm mất ngủ.
- Khó ngủ: có thể do bốc hỏa trong đêm, đổ mổ hôi đêm.
- Khô âm đạo: giảm nồng độ estrogen làm âm đạo bị khô, teo, thiểu dưỡng. Điều này có thể làm bạn đau khi giao hợp và các khó chịu như ngứa, rát, tiết dịch âm đạo, ra huyết âm đạo.
(Ảnh: internet)
- Rối loạn tiết niệu: són tiểu, tiểu gắt, nhiễm trùng tiểu, khó cầm được nước tiểu khi mắc tiểu.
- Giảm ham muốn tình dục: do thay đổi tính khí, mất ngủ, khô âm đạo gây giao hợp đau.
- Thay đổi tính khí: dễ cáu bẳn, bực bội, khó chịu, dễ xúc động, khóc lóc. Giảm khả năng tập trung, hay quên.
- Các biểu hiện khác: Tăng cân, tăng mỡ bụng, cơ nhão, da nhăn nheo, mất tính đàn hồi, tóc khô, dễ gãy rụng, vú teo, nhão…
- Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, loãng xương, rối loạn chuyển hóa,…
Khi đã mãn kinh hẳn: không có kinh nguyệt, bộ phận sinh dục teo nhỏ, thoái hóa dần. Kể từ khi mãn kinh người phụ nữ không có khả năng có thai nữa.
(Ảnh: internet)
5. Tôi có thể bị những khó chịu gì trước và sau khi mãn kinh?
- Mãn kinh có thể ảnh hưởng đến người phụ nữ theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều người không gặp khó chịu gì, cũng có nhiều người gặp nhiều triệu chứng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Chất lượng cuộc sống có thể giảm nếu các triệu chứng nặng lên.
- Đối với một số phụ nữ (có tiền sử bị lạc nội mạc tử cung, đau bụng kinh, rong kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt, hội chứng có kinh đau nửa đầu) thì chất lượng cuộc sống sẽ cải thiện sau mãn kinh.
Xem thêm: Làm thế nào để vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh được dễ dàng?
TSBT tổng hợp
Nguồn tham khảo: Tài liệu Sinh lý học – Đại học Y Hà Nội; msdmanuals.com; tudu.com.vn.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin khác
- SINH LÝ CHU KỲ KINH NGUYỆT Chủ Nhật, 10/03/2024, 00:00
- Sau khi phá thai bao lâu thì có kinh trở lại? Thứ Năm, 15/02/2024, 12:00
- Bài tập thể dục phù hợp trong những ngày “đèn đỏ” Chủ Nhật, 21/01/2024, 00:00
- Phụ nữ khi “đến tháng” có nên tập thể dục không? Thứ Năm, 18/01/2024, 00:00
- Màu sắc kinh nguyệt Thứ Sáu, 15/09/2023, 11:17
- Cốc nguyệt san - trợ thủ kỳ dâu cho nàng Thứ Ba, 12/09/2023, 09:53
- Hướng dẫn dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ đúng cách cho bạn gái Thứ Năm, 01/09/2022, 16:00
- Cách giảm đau bụng kinh đơn giản mà cực hiệu quả Thứ Sáu, 22/07/2022, 17:00
- Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh Chủ Nhật, 15/06/2014, 00:00
- Cường kinh và thiểu kinh Thứ Bẩy, 19/04/2014, 00:00
- Thống kinh Thứ Sáu, 18/04/2014, 00:00
- Rong kinh, rong huyết Thứ Năm, 17/04/2014, 00:00