Các loại thuốc tiêm kích trứng phổ biến hiện nay Thứ Sáu, 15/09/2023, 00:00
Các loại thuốc kích trứng là những hoạt chất được sử dụng khá phổ biến hiện nay trong các liệu trình hỗ trợ sinh sản cho những cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn. Thuốc kích trứng thường được bào chế dưới 2 dạng chính là thuốc kích trứng dạng tiêm và dạng uống.
1. Thông tin về thuốc kích trứng
Thuốc kích trứng hay thuốc kích thích buồng trứng là thuốc có chứa thành phần nội tiết giúp kích thích trứng có thể phát triển một cách khỏe mạnh cho đến trưởng thành và phóng ra khỏi buồng trứng. Điều này sẽ làm hạn chế trường hợp chỉ có một nang trứng trội được trưởng thành và các nang còn lại bị thoái hóa. Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, việc thu thập được nhiều nang noãn có chất lượng tốt có thể làm tăng tỷ lệ thụ thai thành công.
Các loại thuốc kích trứng hiện nay được chia ra làm 2 dạng chính là thuốc kích trứng dạng tiêm và thuốc kích trứng dạng uống. Tùy theo nguyên nhân gây vô sinh và tùy vào từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định sử dụng dạng thuốc nào và quy trình thực hiện ra sao.
2. Các loại thuốc tiêm kích trứng
Dưới đây là một số thuốc tiêm kích trứng phổ biến hiện nay.
Human menopausal gonadotropin (hMG)
- Thành phần: Chứa Luteinizing Hormone (LH) và Follicle Stimulating Hormone (FSH) được chiết xuất từ nước tiểu phụ nữ mãn kinh. Thuốc hMG có thể chứa 75 UI FSH và 75 UI LH hoặc 150 UI FSH và 150 UI LH tùy vào từng biệt dược khác nhau.
- Biệt dược: IVF-M hoặc Menogon, Menopur...
- Bào chế dưới dạng: Bột pha tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.
- Cơ chế tác dụng: cung cấp lượng FSH ngoại sinh, gây tác động trực tiếp lên buồng trứng để kích thích các nang noãn phát triển. Ngoài ra, hMG còn chứa hormone LH, giúp bổ sung nồng độ LH ngoại sinh. Hormone LH sẽ kích thích tế bào vỏ tiết Androgen, là tiền chất cho quá trình tổng hợp Estrogen.
- Tác dụng phụ: Hội chứng quá kích buồng trứng, phản ứng tại chỗ tiêm như đỏ, sưng đau, ngứa. Sốt, mẫn cảm.
- Chống chỉ định: hMG không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú, người có các khối u tử cung, buồng trứng hoặc vú chưa rõ bản chất, Ra máu từ tử cung bất thường không rõ nguyên nhân.
Recombinant FSH (FSH tái tổ hợp)
- Thành phần: Chứa Follicle Stimulating Hormone (FSH) được sản xuất thông qua công nghệ DNA tái tổ hợp, chứa Follitropin alpha hay Follitropin beta. Đây là một dạng hormone FSH có độ tinh khiết cao, không lẫn tạp chất và các protein lạ, chúng có hoạt tính sinh học ổn định..
- Tên biệt dược: Gonal-F, Puregon, Follitrope...
- Thường bào chế dưới dạng bút tiêm hoặc bơm tiêm đã được pha sẵn.
- Cơ chế tác dụng: FSH tái tổ hợp có thể cung cấp nồng độ hormone FSH ngoại sinh, hoạt chất gây tác động trực tiếp lên buồng trứng để kích thích các nang noãn phát triển.
- Tác dụng phụ: Quá kích buồng trứng, phản ứng tại chỗ tiêm như đau, tím, đỏ, sưng, ngứa, phản ứng quá mẫn ít gặp.
- Chống chỉ định: hMG không được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú, người có các khối u tử cung, buồng trứng hoặc vú chưa rõ bản chất, ra máu từ tử cung bất thường không rõ nguyên nhân, khối u vùng dưới đồi và tuyến yên.
Human chorionic gonadotropin (hCG)
- Thành phần: Chứa hoạt chất human chorionic gonadotropin (hCG) được chiết xuất từ nước tiểu của phụ nữ mang thai
- Tên biệt dược: Pregnyl, Ovitrelle...
- Bào chế dưới dạng: Bột đông khô dùng pha tiêm bắp
- Cơ chế tác dụng: Human chorionic gonadotropin có khả năng tạo đỉnh LH ngoại sinh nhờ vào các tiểu đơn vị alpha của hCG có cấu trúc tương tự như với hormone LH, từ đó kích thích sự rụng trứng của các nang trứng đã trưởng thành và đạt đủ kích thước tiêu chuẩn.
- Tác dụng phụ: Hội chứng quá kích buồng trứng, phản ứng dị ứng toàn thân như ngứa, phát ban, sốt hoặc các phản ứng tại chỗ tiêm như đau, tím, đỏ, sưng...
- Chống chỉ định: có thai và cho con bú, u buồng trứng, tử cung hoặc vú chưa rõ bản chất, xuất huyết tử cung bất thường chưa rõ nguyên nhân, khối u vùng dưới đồi và tuyến yên, thuyên tắc huyết khối đang hoạt động. Thận trọng trong các trường hợp có nguy cơ cao quá kích buồng trứng.
Gonadotropin releasing hormone agonist – GnRH đồng vận
- Thành phần: Triptorelin (biệt dược Diphereline bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm dưới da) hoặc Buserelin (biệt dược Suprefact bào chế dưới dạng dung dịch pha sẵn tiêm dưới da)
- Cơ chế tác động: Tại giai đoạn đầu cho GnRH đồng vận, thuốc gắn kết lên các thụ thể của GnRH ở tuyến yên và kích thích tuyến yên tăng tiết hormone FSH và hormone LH. Sau khi dùng GnRH đồng vận khoảng 10 - 14 ngày, các thụ thể GnRH ở tuyến yên sẽ trơ hóa và không còn đáp ứng với các GnRH đồng vận. Lúc này nồng độ hormone FSH và hormone LH ở tuyến yên sẽ cạn kiệt. Sự gia tăng nồng độ hormone Estrogen vào giữa chu kỳ kinh nguyệt không thể tác động lên được tuyến yên. Nhờ vậy, đỉnh LH sẽ bị ức chế và từ đó ngăn ngừa sự rụng trứng sớm của các nang noãn chưa đủ trưởng thành.
- Tác dụng phụ: Phản ứng dị ứng toàn thân như phát ban, nổi mề đay, ngứa hoặc buồn nôn, nôn, nhức đầu, phản ứng tại chỗ tiêm, cơn bốc hỏa.
Gonadotropin releasing hormone antagonist – GnRH đối vận
- Thành phần: Ganirelix (biệt dược Orgalutran bào chế dưới dạng ống tiêm pha sẵn thuốc dùng tiêm dưới da) hoặc Cetrorelix acetate (biệt dược Cetrotide bào chế dưới dạng ống tiêm pha sẵn thuốc dùng tiêm dưới da)
- Cơ chế tác động: Gần như tương tự GnRH đồng vận, tuy nhiên GnRH đối vận cho thấy ưu điểm hơn GnRH đồng vận trong việc kích thích trứng do rút ngắn được thời gian tiêm thuốc, đồng thời giảm được lượng hMG sử dụng do tận dụng được nguồn hormone FSH nội sinh.
- Tác dụng phụ: Đau đầu, buồn nôn, các phản ứng tại chỗ tiêm.
3. Các loại thuốc kích trứng đường uống
Ngoài các loại thuốc tiêm, thuốc kích trứng dạng uống cũng được các bác sĩ chỉ định rất nhiều trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Clomiphene citrate
- Thành phần: Clomiphene citrate là một chất kháng Estrogen.
- Chỉ định: Được sử dụng đầu tay cho những bệnh nhân bị rối loạn phóng noãn do hội chứng buồng trứng đa nang.
- Liều sử dụng: Liều 50 mg trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh. Bệnh nhân sau đó sẽ được hẹn tái khám và siêu âm theo lịch của bác sĩ điều trị.
- Tác dụng phụ: Làm chất nhầy cổ tử cung đặc và ít, làm mỏng nội mạc tử cung, giảm sự chấp nhận nội mạc tử cung gây sảy thai sớm tăng, giảm tưới máu cơ tử cung, căng ngực, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đỏ mặt, nóng mặt, đau đầu, hoa mắt...
Aromatase Inhibitor
- Thành phần: Aromatase Inhibitor có tác dụng ức chế men Aromatase, là men tham gia vào bước cuối cùng trong quá trình sinh tổng hợp Estrogen và chuyển từ Androgen thành Estrogen xảy ra ở ngoại vi như mỡ, gan, cơ...Nồng độ Estrogen hạ thấp sẽ kích thích tuyến yên tiết hormone FSH, kích thích sự phát triển của các nang trứng.
- Chỉ định: Chỉ định điều trị ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, sử dụng cho phụ nữ vô sinh do rối loạn phóng noãn đã thất bại với điều trị bằng Clomiphene citrate.
- Liều sử dụng: Liều 5 mg trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh. Bệnh nhân sau đó sẽ được hẹn tái khám và siêu âm theo lịch của bác sĩ điều trị.
- Tác dụng phụ: Đau nhức xương, nóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, đau lưng...
Trên đây là thông tin liên quan đến một số loại thuốc tiêm kích trứng cũng như các loại thuốc uống kích trứng được sử dụng phổ biến hiện nay trong hỗ trợ sinh sản và một số bệnh lý khác. Bệnh nhân nên tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa về phụ sản để được thăm khám, tư vấn và hướng dẫn lựa chọn các loại thuốc phù hợp nhất cho bản thân, nhằm bảo đảm tính an toàn cũng như nâng cao được hiệu quả trong quá trình điều trị.
Theo Vinmec
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
Các tin khác
- Căng thẳng, trầm cảm khi mang thai có thể gây hại cho trẻ Thứ Năm, 14/09/2023, 13:00
- Buồng trứng, khả năng sinh sản và tuổi tác Thứ Tư, 13/09/2023, 00:00
- Quy trình tiêm thuốc kích trứng IUI Thứ Tư, 13/09/2023, 00:00
- Tìm hiểu về thuốc kích trứng Gonadotropin Thứ Tư, 13/09/2023, 00:00
- Ăn lựu có tốt cho bà bầu không? Thứ Tư, 13/09/2023, 00:00
- Đang mang bầu có được bôi thuốc ngoài da không? Thứ Tư, 13/09/2023, 00:00
- Sau khi uống thuốc kích trứng nên ăn gì? Thứ Ba, 12/09/2023, 00:00
- Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Thứ Ba, 12/09/2023, 00:00
- Uống thuốc tránh thai bị đau bụng dưới có sao không? Thứ Ba, 12/09/2023, 00:00
- Điều cần biết khi dùng thuốc cân bằng nội tiết tố nữ Thứ Ba, 12/09/2023, 00:00
- Dùng thuốc phá thai có ảnh hưởng gì không? Thứ Ba, 12/09/2023, 00:00
- Ngày dự sinh được tính thế nào? Thai quá ngày sinh có nguy hiểm không? Share: Thứ Hai, 11/09/2023, 14:00