Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
Một trong những thông điệp của Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 là phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, hãy khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai.
Mục đích của khám sàng lọc
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, khám sàng lọc, xét nghiệm trước khi mang thai là bước quan trọng cần thực hiện của mỗi cặp vợ chồng để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và có những chuẩn bị tốt nhất cho trẻ trước khi ra đời.
Khám sàng lọc trước khi mang thai là các xét nghiệm cần được thực hiện để kiểm tra sức khỏe di truyền của cả người cha và người mẹ trước khi mang thai. Mục đích của việc này nhằm xác định sớm các bất thường về sức khỏe của người cha, người mẹ có thể di truyền cho con cái, gây ảnh hưởng tới việc thụ thai và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, trẻ sau khi sinh.
Khi khám sàng lọc, bác sĩ đưa ra lời khuyên về thời điểm sinh con, phương pháp thụ thai, chuyển dạ an toàn, giúp bé khỏe mạnh → ngăn ngừa được nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh, thai lưu không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, vợ chồng sẽ được tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng và loại thuốc sử dụng để chuẩn bị một trạng thái cơ thể tốt nhất trước khi mang thai và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Các phương pháp khám sàng lọc trước khi mang thai
Khám sàng lọc sức khỏe sinh sản cho người chuẩn bị làm mẹ
Khám tổng quát, hỏi về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình, thực hiện đo mạch, huyết áp, nghe tim phổi, kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và khám tổng quát cơ quan sinh dục
Khám phụ khoa: khám và siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong quá trình mang thai như polyp cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh dục, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung…
Làm xét nghiệm tổng quát: chụp X-quang phổi, ECG, Siêu âm ổ bụng tổng quát đánh giá về các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng,...
Xét nghiệm máu cơ bản: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu…; xét nghiệm nội tiết giúp phát hiện sớm các bất thường của tuyến giáp…
Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng tới thai kỳ: HIV, giang mai, viêm gan B, Rubella, Toxoplasma, cytomegalovirus, herpes, lậu, Clamydia…
Lưu ý, sàng lọc di truyền nhiễm sắc thể rất cần thiết đối với những trường hợp cặp vợ chồng có: Người thân trong gia đình bị vô sinh, sẩy thai, thai lưu; Người thân mắc các dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề về tâm thần như chậm phát triển trí não, tâm thần phân liệt, tự kỷ, trầm cảm… Có vấn đề về đường huyết, tăng huyết áp; Có người thân bị dị tật hở hàm ếch, chân cong, suy giảm thị lực và khả năng nghe; Có người thân mắc hoặc mang gen di truyền các bệnh lý như máu khó đông, tan máu bẩm sinh, u xơ thần kinh …
Phụ nữ dự định mang thai khi đã lớn tuổi cần khám nhũ, khám nha khoa để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh răng miệng vì nếu khi mang thai bị bệnh răng miệng có thể dẫn đến nguy cơ sinh non. Tư vấn tiêm phòng trước mang thai như Rubella, thủy đậu, viêm gan…
Khám sàng lọc cho người chuẩn bị làm cha
Khám tổng quát: hỏi về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình. Sau đó, thực hiện đo mạch, huyết áp, nghe tim phổi, kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và khám tổng quát cơ quan sinh dục.
Chụp X-quang tim phổi. Siêu âm bẹn bìu. Làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm nội tiết. Xét nghiệm tinh dịch đồ. Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể.
Chuẩn bị gì khi đi khám sàng lọc trước khi mang thai?
Ngay từ khi có ý định sinh em bé, các cặp vợ chồng nên đi khám sàng lọc càng sớm càng tốt. Để có kết quả khám sức khỏe chính xác, thuận tiện cho người mẹ đi tiêm phòng và có sự chủ động trong thai kỳ thì nên thực hiện khám sàng lọc trước khi mang thai khoảng 3 - 6 tháng.
Một số công việc cần chuẩn bị gồm: Giấy tờ khám sức khỏe: Giấy tiêm chủng, giấy khám sức khỏe gần nhất để bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Lịch sử mang thai: Đối với những phụ nữ đã từng sinh sản trước đây.
Ghi nhớ tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình để trả lời các câu hỏi của bác sĩ như: Loại vắc-xin từng tiêm, mắc bệnh gì, đã phẫu thuật chưa, bị dị ứng với thành phần gì, lối sống như thế nào, chu kỳ kinh nguyệt, có bệnh di truyền nào,...
Chuẩn bị trước những câu hỏi để hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, xét nghiệm trước khi mang thai; Tìm hiểu kỹ về những xét nghiệm phải làm để chuẩn bị chu đáo như: Nhịn ăn, nhịn tiểu, thời điểm thăm khám trong chu kỳ kinh nguyệt, việc kiêng quan hệ tình dục, loại trang phục nên mặc, việc ngừng sử dụng các loại thuốc đang dùng…
Làm mẹ an toàn (LMAT) là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của LMAT là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Chính vì vậy, các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 trong khuôn khổ Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo Suckhoedoisong
Đọc thêm: Khám tiền hôn nhân - Chìa khóa cho hôn nhân lành mạnh và bền vững
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
Các tin khác
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 4 giai đoạn bắt buộc phải thăm khám để thai kỳ khỏe mạnh Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- Chủ động phòng ngừa 4 bệnh dễ mắc nhất sau mãn kinh Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 điều phụ nữ nên làm để giảm nguy cơ ung thư vú Thứ Hai, 05/02/2024, 00:00
- 4 dấu hiệu chính cảnh báo ung thư cổ tử cung không nên bỏ qua Thứ Hai, 05/02/2024, 00:00
- 9 xét nghiệm chẩn đoán vô sinh nữ Thứ Hai, 05/02/2024, 00:00
- 10 dấu hiệu rụng trứng tăng cơ hội mang thai Thứ Hai, 05/02/2024, 00:00
- Bác sĩ chuyên khoa chia sẻ 10 điều nên biết về nguy cơ sảy thai Thứ Hai, 05/02/2024, 00:00
- Tăng huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không? Tại sao? Thứ Sáu, 26/01/2024, 12:00
- 5 mốc phục hồi sức khỏe sau sinh, cần chăm sóc đặc biệt cho mẹ và bé Thứ Sáu, 26/01/2024, 11:00
- Chuyên gia dinh dưỡng chỉ cách tối ưu hóa chế độ ăn uống thời kỳ mãn kinh Thứ Tư, 24/01/2024, 00:00