Dính buồng tử cung hay hội chứng Asherman là một vấn đề sức khỏe hiếm gặp xảy ra ở tử cung. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và khả năng mang thai của phụ nữ.
Dính buồng tử cung (hội chứng Asherman) là gì và có chữa được không? Thứ Năm, 18/01/2024, 11:00
Dính buồng tử cung là gì?
Dính buồng tử cung hay hội chứng Asherman, là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mô sẹo hình thành bên trong buồng tử cung, cổ tử cung. Các mô sẹo này có thể làm dày và gây dính bên trong tử cung, từ đó thu hẹp không gian buồng tử cung.
Tình trạng dính buồng tử cung có nhiều mức độ, từ nhẹ, trung bình đến nặng. Trong trường hợp nhẹ, mô sẹo xuất hiện ở những vùng nhỏ. Ngược lại, với những trường hợp nghiêm trọng, toàn bộ thành trước và thành sau tử cung sẽ dính lại với nhau. Lớp mô sẹo có thể mỏng hoặc dày, nằm riêng lẻ hoặc hợp lại thành từng nhóm trong lòng tử cung.
Hội chứng Asherman có khả năng gây đau ở vùng chậu và chảy máu tử cung bất thường. Không những vậy, tình trạng dính cổ và buồng tử cung cũng có nguy cơ cản trở hoặc làm tổn thương bên trong lòng tử cung, ngăn phôi thai làm tổ hoặc phát triển đủ tháng, từ đó dẫn đến vô sinh hoặc sảy thai nhiều lần.
Nguyên nhân dính buồng tử cung
Như đã đề cập, hội chứng Asherman xảy ra khi mô sẹo hình thành trong lòng tử cung, gây hạn chế không gian bên trong buồng tử cung hoặc đôi khi chặn ở cổ tử cung. Điều này có thể xảy ra do nhiều lý do nhưng một trong những nguyên nhân chính thường gặp là do phẫu thuật ở cổ tử cung hoặc buồng tử cung. Các tổn thương lớp lót do chấn thương hoặc cắt bỏ lớp đáy nội mạc tử cung ở các vùng đối diện sẽ gây ra tình trạng viêm và cho phép các dải kết dính hình thành từ bên này sang bên kia của buồng tử cung.
Tình trạng dính buồng tử cung thường xảy ra do:
- Nội soi buồng tử cung
- Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C)
- Mổ lấy thai, nạo hút thai
- Nhiễm trùng ở tử cung như viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu…
- Xạ trị vùng tử cung
- Phẫu thuật cắt bỏ u xơ trong buồng tử cung
- Cắt bỏ nội mạc tử cung
-
Tình trạng dính buồng tử cung có thể xảy ra ở 13% phụ nữ chấm dứt thai kỳ trong 3 tháng đầu và 30% ở phụ nữ thực hiện nong nạo tử cung (D&C) sau khi sảy thai tự nhiên ở giai đoạn muộn. Phụ nữ gặp các vấn đề về nhau thai như nhau cài răng lược có nguy cơ phát triển dính buồng tử cung cao hơn vì nhau thai bám vào các lớp sâu hơn trong tử cung và cũng khó loại bỏ hoàn toàn hơn. Tỷ lệ này có thể tăng lên đến 23,4% ở những phụ nữ phải trải qua thêm một phẫu thuật từ 2 – 4 tuần sau khi thực hiện các thủ thuật để sinh con qua đường âm đạo hoặc phá thai. Ngoài ra, hội chứng Asherman cũng có thể xảy ra ở 31% phụ nữ cắt bỏ u xơ tử cung bằng nội soi lần đầu và lên tới 46% sau lần cắt bỏ u xơ tử cung thứ hai.
Trước các nguyên nhân nêu trên, nhiều phụ nữ cảm thấy lo ngại và tự hỏi liệu việc đặt vòng tránh thai có gây dính tử cung (hội chứng Asherman) hay không. Các dụng cụ tránh thai lâu dài được đặt bên trong tử cung như vòng tránh thai có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng và hình thành mô sẹo trong tử cung. Tuy nhiên, biện pháp này không nằm trong số các nguyên nhân đã được chứng minh có khả năng gây ra tình trạng dính tử cung. Vì vậy, các chị em phụ nữ có thể an tâm khi đặt vòng tránh thai.
Dấu hiệu dính buồng tử cung
Triệu chứng dính buồng tử cung có thể không biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng này có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Bất thường về kinh nguyệt như vô kinh, thiểu kinh hoặc kinh nguyệt không đều
- Xuất huyết âm đạo bất thường
- Đau vùng chậu hoặc đau bụng kinh nghiêm trọng khi các mô sẹo ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu kinh
- Gặp vấn đề về khả năng thụ thai và duy trì thai kỳ, khó thụ thai hoặc bị sảy thai nhiều lần
- Xuất hiện các biến chứng tại thời điểm sinh nở do nhau thai bám vào vị trí bất thường.Sót nhau thai sau khi sinh hoặc sau khi sảy thai, bỏ thai…
Chẩn đoán và điều trị
1. Dính buồng tử cung được chẩn đoán như thế nào?
Nếu chỉ dựa vào biểu hiện thì rất khó xác định hội chứng Asherman bởi triệu chứng dính buồng tử cung giống với nhiều vấn đề khác như hội chứng buồng trứng đa nang, căng thẳng, giảm cân đột ngột, uống thuốc tránh thai, mãn kinh… Vậy làm sao để biết mình có bị dính buồng tử cung không? Nếu nhận thấy các dấu hiệu dính buồng tử cung, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tiến hành kiểm tra và chẩn đoán xác định.
Để bắt đầu quá trình chẩn đoán dính buồng tử cung, các bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng lịch sử y tế của bạn để biết bạn có từng xạ trị, phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật ở vùng chậu hay chưa. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất. Tuy nhiên, để phát hiện mô sẹo bên trong tử cung, bác sĩ thường cần thực hiện siêu âm kết hợp bơm nước buồng tử cung hoặc nội soi tử cung.
Để siêu âm kết hợp bơm nước buồng tử cung, bác sĩ sẽ đưa một ít dung dịch muối vào bên trong tử cung của bạn thông qua một ống thông nhỏ. Sau đó, họ sử dụng phương pháp siêu âm qua ngả âm đạo để xem có mô sẹo nào chặn ở buồng hoặc cổ tử cung hay không. Trong khi đó, với phương pháp nội soi tử cung, một dụng cụ nhỏ giống như kính viễn vọng, có gắn đèn sẽ được đưa trực tiếp qua cổ tử cung để cho phép bác sĩ quan sát bên trong tử cung.
2. Dính buồng tử cung có chữa được không?
Có thể thấy, tình trạng dính buồng tử cung không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể cướp đi thiên chức làm mẹ của nhiều phụ nữ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này tự hỏi liệu dính buồng tử cung có chữa được không. Thực tế, với sự phát triển của y học ngày nay, tình trạng dính buồng tử cung có thể được điều trị dứt điểm.
Mục tiêu chính của việc điều trị là loại bỏ mô sẹo và khôi phục kích thước cũng như hình dạng ban đầu của tử cung. Việc điều trị có thể giúp:
- Giảm đau
- Khôi phục lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường cho bệnh nhân
- Hỗ trợ loại bỏ mô sẹo và tách các phần tử cung bị dính với nhau
Phương pháp điều trị phổ biến cho người mắc hội chứng Asherman là phẫu thuật nội soi tử cung. Theo đó, với phương pháp phẫu thuật dính buồng tử cung này, một ống soi đặc biệt được đưa vào buồng tử cung để loại bỏ các mô sẹo tại đây. Đồng thời, bác sĩ sẽ đặt một ống thông nhựa, vách ngăn hoặc một quả bóng vào bên trong để giữ cho các thành tử cung tách ra và không dính lại với nhau. Đối với các tình trạng dính kết nghiêm trọng, bác sĩ có thể cần thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh thường được điều trị nội tiết tố (estrogen) để giảm nguy cơ hình thành mô sẹo tái phát. Estrogen thúc đẩy quá trình chữa lành lớp lót bên trong tử cung. Ngoài ra, kháng sinh cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Hiện nay, các lựa chọn mới như liệu pháp tế bào gốc đang được nghiên cứu để đưa vào điều trị cho các trường hợp dính buồng tử cung nghiêm trọng.
Giải đáp các câu hỏi thường gặp
1. Dính tử cung có gây vô sinh không?
Việc buồng tử cung bị dính là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến vô sinh. Trong trường hợp buồng tử cung bị dính hoàn toàn, tinh trùng không đi vào trong để gặp trứng được, từ đó gây vô sinh ở nữ. Trong trường hợp buồng tử cung chỉ bị dính một phần, tinh trùng vẫn có khả năng đi qua buồng tử cung vào ống dẫn trứng để thực hiện quá trình thụ tinh và tạo ra phôi thai. Tuy nhiên, lúc này, phôi thường khó đi vào tử cung do đường đi bị hạn chế, dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung hoặc các nguy cơ khác như sảy thai, sinh non.
2. Có thể mang thai sau khi điều trị dính buồng tử cung không?
Sau khi điều trị dính buồng tử cung, phụ nữ có thể “lấy lại” thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, ngay sau khi điều trị xong, phụ nữ cần tìm cách có con ngay bởi tình trạng dính buồng tử cung dễ tái phát và tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng mang thai của nữ giới.
3. Dính buồng tử cung có gây sảy thai không?
Như đã đề cập, bệnh nhân bị dính buồng tử cung nhẹ hoặc dính một phần vẫn có khả năng thụ thai. Tuy nhiên, hội chứng này khiến không gian bên trong buồng tử cung bị thu hẹp. Điều này có khả năng gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai vì tử cung cần mở rộng rất nhiều trong thai kỳ đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Sự gắn kết giữa nhau thai và thành tử cung cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Việc buồng tử cung bị thu hẹp sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng thai sản như sảy thai, thai chết lưu hoặc nhau tiền đạo khi mang thai.
Tình trạng dính buồng tử cung có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như khả năng mang thai của phụ nữ. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của tình trạng này, bạn hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán sớm nhé.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hẹn hò theo kiểu 'Teamakase' nổi lên như một trào lưu mới trong giới trẻ Hàn Quốc Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Phim tài liệu: Những đứa trẻ trong sương Thứ Bẩy, 16/11/2024, 00:00
- Lịch sử của áo ngực: Từ Corset đến Spandex Thứ Năm, 14/11/2024, 00:00
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- TRẺ EM - THỦ LĨNH CỦA SỰ THAY ĐỔI Thứ Ba, 05/11/2024, 00:00
- Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Thứ Hai, 04/11/2024, 00:00
- 8 đồ uống bảo vệ sức khỏe đầu thu Thứ Bẩy, 05/10/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
Các tin khác
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Mang thai là một sự kiện có thể thay đổi tâm lý phụ nữ Thứ Ba, 16/01/2024, 23:00
- 6 giai đoạn của hôn nhân Thứ Ba, 16/01/2024, 23:00
- Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho nữ giới Thứ Ba, 16/01/2024, 12:00
- Yêu quá nhiều có thực sự tốt như chúng ta từng nghĩ? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00