Giao diện tiếp cận

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ

Tất nhiên, trước khi tên gọi “trẻ vị thành niên” ra đời, chắc chắn những đứa trẻ vị thành niên đã xuất hiện. Mãi cho đến thập niên 40 của thế kỷ XX, trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn được biết đến như những đứa trẻ đang lớn. Nhưng sau Thế chiến thứ hai, những biến chuyển về mặt công nghiệp và xã hội đã thay đổi tất cả. Cụm từ “trẻ vị thành niên” xuất hiện dẫn đến sự ra đời của một nền văn hóa đặc trưng cho một nhóm tuổi đặc biệt - không còn là những bé con, nhưng cũng chưa phải là những chàng trai cô gái.

Một thập kỷ trước Thế chiến thứ hai, hầu hết trẻ em từ 13 đến 19 tuổi đều làm việc trong các nông trang, nhà máy, hay tại nhà để giúp cha mẹ nuôi nấng các em. Chúng không có nhiều lựa chọn và phải làm những việc mà người khác mong đợi cho đến khi đủ tuổi kết hôn. Không có một khái niệm nào về giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn.

Cuộc đại suy thoái vào đầu những năm 30 đã thay đổi tất cả. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo theo nhiều biến động. Số lượng việc làm trở nên ít ỏi và tình trạng thanh thiếu niên thất nghiệp ngày càng phổ biến. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhiều người đã đến các thành phố lớn để tìm việc. Không tìm được việc, họ ngủ trong những công viên hay trên các vỉa hè hoặc đi xin ăn. Thực trạng này đã làm dấy lên một vấn đề rất đáng lo ngại cho toàn xã hội. Nhà xã hội học Grace Palladino nhận định: “Việc thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi đã buộc xã hội phải tập trung vào những vấn đề của họ”.

Trước tình trạng này, Tổng thống Franklin Roosevelt phải thành lập Tổ chức thanh niên quốc gia (NYA) để chăm lo cho những thanh thiếu niên đang vỡ mộng trên toàn nước Mỹ. Đến lượt mình, tổ chức này đã tác động trở lại và làm thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về việc học hành. Trước thời điểm ấy, việc học phổ thông không phải là một lựa chọn của thanh thiếu niên Mỹ. Chẳng hạn, vào những năm 1900, chỉ có 6% thanh thiếu niên 17 tuổi có được bằng phổ thông. Thế nhưng đến năm 1939, gần 75% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-17 đang học phổ thông. Ý tưởng được đặt ra ở đây là trường phổ thông sẽ mang đến một chương trình đào tạo hướng nghiệp trong môi trường kỷ luật và thống nhất. Trong môi trường này, thanh thiếu niên sẽ khám phá ra năng lực thật sự của mình, phát triển mục tiêu, xây dựng những thói quen tích cực và sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội sau khi tốt nghiệp.