Mang thai là một sự kiện có thể thay đổi tâm lý phụ nữ Thứ Ba, 16/01/2024, 23:00
Tâm lý phụ nữ cũng có những thay đổi nhất định trong thời gian thai kỳ. Tuy vậy, khía cạnh tâm lý lại bị coi nhẹ, do chúng ta có xu hướng quan tâm sự thay đổi về mặt sinh lý (như thay đổi về thể chất, cân nặng, ngoại hình, v.v). Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của người mẹ khi mang thai để có những cái nhìn khách quan hơn và thấu hiểu họ hơn.
Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Quá Trình Chuyển Sang Làm Mẹ
Trong chín tháng mang thai, người mẹ bắt đầu có những hình dung về đứa con mà mình đang mang. Brazelton và Cramer (1990) đã mô tả thai kỳ là sự khởi đầu của sự gắn bó, một giai đoạn tập dượt và mong đợi. Người mẹ phải thích nghi với những thay đổi về tính cách, cơ thể, các mối quan hệ và sự nghiệp của mình, cũng như chuẩn bị cho việc sinh nở và bắt đầu chấp nhận những hy sinh như một người mẹ. Thời kỳ chu sinh (khoảng thời gian xung quanh thời điểm mẹ sinh em bé, là thời kỳ tính từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến tuần đầu sau sinh) là thời điểm có nhiều thay đổi. Đó cũng là giai đoạn phụ nữ dễ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhất. Mặc dù không phải ai cũng gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, nhưng mọi phụ nữ mang thai đều phải thích ứng và điều chỉnh khi có em bé đang phát triển trong mình.
Tâm Lý Trước Thời Kỳ Mang Thai
Quá trình thay đổi tâm lý phụ nữ đó là khi bắt đầu làm mẹ không phải chỉ đến khi người phụ nữ có thai, chúng bắt đầu từ trước và chịu ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố, chẳng hạn như hoàn cảnh sống, môi trường xã hội và hoàn cảnh thụ thai. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi mức độ hỗ trợ của chồng và gia đình của người phụ nữ cũng như sức khỏe thể chất của người mẹ và thai nhi. Thậm chí xa hơn, những trải nghiệm của người phụ nữ trong gia đình gốc (gia đình ban đầu với cha mẹ và anh chị em), các vấn đề sức khỏe tâm thần trong quá khứ hoặc hiện tại và bất kỳ xung đột, mất mát hoặc chấn thương đã hoặc chưa được giải quyết của người mẹ cũng có thể ảnh hưởng và đôi khi làm gián đoạn quá trình chuyển đổi này (Mares, Newman & Warren, 2011).
Lần mang thai trước đó có thể làm thay đổi sự điều chỉnh tâm lý khi mang thai ở thời điểm hiện tại. Sẩy thai, phá thai, thai từng bị khuyết tật, vô sinh kéo dài có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người phụ nữ trong quá trình mang thai. Phụ nữ có thể biểu hiện sự lo lắng, tức giận, cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ. Trong tình huống này, điều nên làm là tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để giúp họ giảm bớt đau buồn trong quá khứ đồng thời chuẩn bị cho đứa con mới chào đời.
Tam Cá Nguyệt Đầu Tiên - Điều Chỉnh Suy Nghĩ Về Việc Mang Thai
Ba tháng đầu của thai kỳ là khoảng thời gian từ khi thụ thai cho đến khi thai được 12 tuần. Đó là giai đoạn có những thay đổi rõ rệt về nội tiết tố và sinh lý, nhưng không có những dấu hiệu mang thai rõ ràng bên ngoài. Trong giai đoạn này, phụ nữ rất có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn, hơi mơ màng với các sự việc hoặc các phản ứng cảm xúc có thể mãnh liệt hơn bình thường. Đối với một phụ nữ bị nghén liên tục, họ khó cảm thấy hào hứng với việc mang thai và thậm chí điều này còn có thể làm gia tăng sự mâu thuẫn trong tâm lý người phụ nữ (tức là vừa yêu vừa ghét việc mang thai) và họ thường xuyên phải tự hỏi về việc tiếp tục mang thai sẽ thế nào. Đối với một phụ nữ có tiền sử sảy thai, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm gia tăng lo lắng về việc mang thai. Ngoài ra, việc sàng lọc thai nhi, hiện đã được thực hiện trong ba tháng đầu, có thể hoặc khiến cha mẹ yên tâm hoặc cũng sẽ gây lo lắng dữ dội về sức khỏe và sự phát triển của em bé.
Tam Cá Nguyệt Thứ Hai - Thai Nhi Được Trải Nghiệm Tách Biệt Với Mẹ
Trong giai đoạn này, người mẹ sẽ cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của em bé và người mẹ có thể cảm thấy thoải mái hơn về thể chất và tiếp tục có những hình dung về em bé của mình. Stern (1995) lưu ý rằng nhìn chung từ tháng thứ tư đến tháng thứ bảy của thai kỳ, những hình dung về em bé ngày càng tăng lên, được trau chuốt và đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng thứ bảy. Ông lưu ý rằng giữa tháng thứ bảy và thứ chín, tính cụ thể của những tưởng tượng này giảm đi và điều này có thể tạo ra khoảng trống trong việc kết nối với đứa trẻ “thực” bởi có thể em bé sẽ khác hẳn với trí tưởng tượng của mẹ (Brazelton & Cramer, 1990).
Tam Cá Nguyệt Thứ Ba - Chuẩn Bị Cho Sự Xuất Hiện
Trong những tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ thường bắt đầu chuẩn bị cho sự xuất hiện của em bé và chuyển dời sự chú ý sang việc sinh nở, điều này có thể tạo ra sự hồi hộp và lo lắng dữ dội, đặc biệt với những người chưa từng sinh nở bao giờ. Phụ nữ được khuyến khích xem, theo dõi các thông tin hình ảnh thực tế của việc sinh nở và các lựa chọn giảm đau. Trong giai đoạn này, những lo lắng về điều gì đó không ổn xảy ra với việc sinh nở và em bé của họ có thể xuất hiện trở lại.
Chuyển Dạ Và Sinh Nở
Rất khó để nắm bắt được phạm vi trải nghiệm và phản ứng mà phụ nữ và bạn đời của họ có thể phải trải qua khi sinh con.
Một ca sinh khó hoặc đau đớn có thể khiến người mẹ kiệt quệ về mặt tinh thần và thể chất. Điều này đôi khi có thể dẫn đến một loạt các khó khăn trong mối quan hệ giữa mẹ và trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy khoảng 2-9% phụ nữ có có dấu hiệu về Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau khi sinh con (Grekin & OHara, 2014) và những ước tính này tăng lên từ 24-44% trong số các bà mẹ có em bé sơ sinh với nguy cơ cần nhập viện chăm sóc đặc biệt (Kim, et al., 2015).
Khi sinh non hoặc sinh sớm hơn dự kiến, cha mẹ có thể cảm thấy sự chuẩn bị chưa được trọn vẹn và ngập trong lo lắng về sức khỏe của con mình. Cảm giác lo lắng về sức khỏe của em bé hoặc cảm giác tội lỗi vì đã không mang thai đủ tháng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và em bé. Mặc dù nhân viên y tế coi ca sinh là bình thường và thành công nhưng người mẹ cảm thấy nó không như mong đợi của mình và người mẹ cảm thấy lo sợ, mất kiểm soát. Lúc này, các sản phụ nên gặp gỡ các chuyên gia tâm lý nếu họ cảm thấy không thể tận hưởng thời kỳ được làm mẹ (motherhood) và luôn tự trách bản thân đã không đáp ứng các tiêu chuẩn (do họ tự đặt ra) của một người mẹ tốt.
Kết Lại
Tâm lý phụ nữ khi mang thai và làm mẹ là một quá trình biến đổi khá phức tạp mà người phụ nữ phải trải qua trong suốt 9 tháng. Do đó, điều cần thiết là nhận thức và tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để xác định và giải quyết các nguy cơ từ sớm.
Nguồn: https://tamlyvietphap.vn/gioi-tinh-suc-khoe/ (Australian Psychological Society (APS) - The transition to motherhood: Psychological factors associated with pregnancy, labour and birth)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Phim tài liệu: Những đứa trẻ trong sương Thứ Bẩy, 16/11/2024, 00:00
- Lịch sử của áo ngực: Từ Corset đến Spandex Thứ Năm, 14/11/2024, 00:00
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- TRẺ EM - THỦ LĨNH CỦA SỰ THAY ĐỔI Thứ Ba, 05/11/2024, 00:00
- Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Thứ Hai, 04/11/2024, 00:00
- 8 đồ uống bảo vệ sức khỏe đầu thu Thứ Bẩy, 05/10/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
- Phim mới của Lưu Diệc Phi do Trần Kim Phi sản xuất, mối quan hệ lại gây tranh cãi Thứ Hai, 08/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho nữ giới Thứ Ba, 16/01/2024, 12:00
- Yêu quá nhiều có thực sự tốt như chúng ta từng nghĩ? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- 5 cách phòng tránh HIV hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Virus HIV sống được bao lâu? 11 lầm tưởng về HIV/AIDS Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Bệnh HIV có chữa được không? Những điều cần biết khi nhiễm HIV Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Nuốt tinh trùng có bị lây HIV không? Cách phòng ngừa bệnh HIV Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Phát ban HIV là gì? Những điều cần biết về phát ban HIV Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Mẹ bầu bị nhiễm HIV nên làm gì để ngăn ngừa virus HIV truyền sang con? Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00