Bệnh phụ khoa: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa Chủ Nhật, 26/05/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Bệnh phụ khoa là tình trạng bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân của bệnh là gì và cách phòng ngừa như thế nào? Các bạn tham khảo trong bài viết sau nhé
Bệnh phụ khoa là các bệnh của bộ phận sinh dục nữ (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng,…) ngoài thời kỳ sinh đẻ, kể cả tuyến vú.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 89% phụ nữ Việt Nam đã và đang mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa với cấp độ khác nhau nhưng có 60% ngại ngùng không đi khám phụ khoa định kỳ, 35% bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nguy hiểm. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Trong đó, 11% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa tái mắc nhiều lần. Thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh cho thấy mỗi năm, Việt Nam có hơn 8,8 triệu lượt khám phụ khoa và 3,6 triệu lượt điều trị phụ khoa (41,5%).
1. Nguyên nhân gây bệnh phụ khoa là gì?
Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách: Đây là nguyên nhân chủ yếu nhất
- Vệ sinh kém, không giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm phát triển nhanh và mạnh tấn công và gây nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo.
- Hoặc do vệ sinh quá sạch sẽ, nhiều lần trong ngày, vệ sinh quá sâu bên trong (thụt rửa âm đạo), dùng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, vi khuẩn có hại có nhiều cơ hội tấn công gây viêm nhiễm.
Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ với nhiều người trong thời gian ngắn, quan hệ với tần suất liên tục, thiếu kiến thức khi sử dụng các biện pháp phòng bảo vệ cũng khiến phụ nữ dễ bị bệnh phụ khoa và các bệnh liên quan đến đường tình dục. Các loại nấm, vi khuẩn, virut lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, Trichomonas, trùng roi, lậu cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn, các vi khuẩn kị khí, virut herpes sinh dục… xâm nhập và gây bệnh.
Mất cân bằng nội tiết tố: Trong những ngày có kinh và khi mang thai, nội tiết tố nữ tăng giảm thất thường là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn/ nấm phát triển, dễ khiến bệnh phụ khoa trở nên trầm trọng hơn.
Thực hiện các thủ thuật phụ khoa không đảm bảo: Một số thủ thuật phụ khoa (đặt dụng cụ tránh thai, nạo hút thai,…) được thực hiện tại các cơ sở y tế không đủ điều kiện với những dụng cụ không được khử khuẩn, vô trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc thậm chí là lây nhiễm chéo.
Mặc quần áo quá chật: Mặc đồ lót quá chật, sử dụng những chất liệu không thấm hút làm vi khuẩn sinh sôi và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Các nguyên nhân khác: cơ thể có hệ miễn dịch suy giảm, bị stress, thay đổi môi trường sống đột ngột, phụ nữ ở tuổi mãn kinh,…
2. Hậu quả mắc bệnh phụ khoa không được chữa trị kịp thời và đúng cách
Kể cả những người chưa từng quan hệ tình dục cũng có khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến bộ phận sinh dục. Các bệnh phụ khoa thường dễ tái phát. Các viêm nhiễm phụ khoa nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm
Đối với bản thân người phụ nữ:
- Các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh gây khó chịu, mất tự tin và tạo nên nhiều rối loạn trong cuộc sống và hạnh phúc của người phụ nữ.
- Gây hậu quả xấu đối với sức khỏe người phụ nữ, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo mạn tính; nhiễm trùng hậu sản, đau vùng tiểu khung,… Ung thư cổ tử cung thường tấn công vào phụ nữ 35 - 40 tuổi trở đi. Đây là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay.
- Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và thiên chức làm mẹ của phụ nữ như gây vô sinh, chửa ngoài tử cung, có thể gây sảy thai, đẻ non, vỡ ối non, thai chết lưu,…
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh phụ khoa, hệ lụy là sinh khó, dễ xảy thai, lưu thai (thai bị chết lưu), ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nặng nề nhất có thể dẫn tới tử vong.
Đối với thai nhi:
- Thai phụ nhiễm nấm Candida có thể gây vỡ ối sớm, đẻ non. Trẻ sinh ra có thể bị nhiễm nấm miệng, hầu họng và ngoài da do tiếp xúc với dịch âm đạo nhiễm nấm của người mẹ.
- Viêm nhiễm phụ khoa do trùng roi có thể gây đẻ non, thai nhẹ cân và ối vỡ sớm.
- Nhiễm trực khuẩn Gram âm có thể gây đẻ non, nguy cơ đẻ từ tuần thứ 34-37 cao gấp 2 lần nhóm không bị bệnh.
- Lậu cầu và Chlamydia trachomatis là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm kết mạc thể vùi ở trẻ sơ sinh trong tháng đầu sau đẻ và khoảng 10-20% trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm Chlamydia trachomatis bị viêm phổi trong khoảng 1 tháng tuổi.
- Liên cầu Beta tan huyết gây đẻ non và vỡ ối sớm. Ngoài ra, còn gây cho trẻ sơ sinh bị viêm da, viêm phổi, viêm não,…
- Xoắn khuẩn giang mai gây sảy thai muộn, đẻ non, thai chết lưu.
3. Cách phòng ngừa bệnh phụ khoa
Để giảm thiểu rủi ro các bệnh phụ khoa thường gặp mang lại và bảo vệ sức khỏe phụ nữ, có một số biện pháp phòng ngừa mà mọi phụ nữ nên tuân thủ:
Duy trì vệ sinh cá nhân:
- Sử dụng nước ấm để rửa vùng kín và lau bằng khăn mềm, sạch hàng ngày. Lưu ý vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu và đại tiện để tránh vi khuẩn phát triển, không có mùi hôi khó chịu. Có thể phòng ngừa lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo bằng cách lau theo chiều từ trước ra sau khi đi vệ sinh xong.
- Sử dụng các loại dung dịch phụ nữ phù hợp khi vệ sinh vùng kín. Hạn chế sử dụng các loại nước hoa và sản phẩm vệ sinh có chứa hóa chất mạnh vì nó làm giảm nồng độ pH của âm đạo và gây khô rát, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Tránh sử dụng các dụng cụ thụt rửa, thuốc xịt âm đạo, nước hoa và xà phòng để vệ sinh bên trong âm đạo.
- Mặc đồ lót vải mềm, khô, thoáng, sạch sẽ. Không nên mặc đồ lót có chất liệu như lụa, ren, da, polyester, hoặc các loại quần lót có dây, ôm sát… vì có thể gây kích ứng các mô mềm, làm các vi khuẩn, nấm phát triển. Đồ lót thay ra nên giặt phơi nơi có ánh nắng mặt trời.
- Thay quần lót hàng ngày hoặc thậm chí 2 lần một ngày khi ra mồ hôi nhiều. Thay đồ lót và vệ sinh vùng kín sau khi đi bộ hoặc tập thể dục là điều cần thiết.
- Giữ vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh thường xuyên, trung bình khoảng 4-6 tiếng một lần.
Lối sống lành mạnh: Duy trì thói quen ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, giữ vóc dáng cân đối. Không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng,…hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích,…Xây dựng thói quen lành mạnh, giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến hormone và tiểu đường. Tránh tình trạng căng thẳng quá mức, ngủ đủ giấc, đúng giờ.
Tình dục an toàn: Sử dụng biện pháp bảo vệ (bao cao su) khi có quan hệ tình dục và duy trì mối quan hệ lành mạnh để giảm nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề khác. Vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ. Nếu đang trong quá trình điều trị, để đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn tình, nên hạn chế giao hợp.
Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục, chị em không nên e ngại đi khám để tránh tình trạng có bệnh không kịp phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Điều trị viêm nhiễm cho cả bạn tình là cách tốt nhất hạn chế các nguy cơ.
Thăm khám phụ khoa định kỳ: Kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, kịp thời điều trị và được bác sĩ tư vấn biện pháp phòng tránh các bệnh phụ khoa thường gặp, tiêm phòng,.... Các chuyên gia sản khoa khuyên bạn nên 6 tháng /1 lần đi khám phụ khoa định kỳ.
Xem thêm: Bệnh phụ khoa: Dấu hiệu nhận biết và các bệnh thường gặp
Nguồn: Bài giảng sản phụ khoa Đại học Y Hà Nội; pasteur.com.vn; hongngochospital.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Mang thai hộ - Thông tin cần biết Thứ Ba, 16/07/2024, 00:00
- Tìm hiểu về bệnh ung thư Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: những yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Bóng ma vô hình của những người mẹ Thứ Năm, 11/07/2024, 00:00
- Ảnh hưởng của rượu đối thai nhi Thứ Ba, 09/07/2024, 00:00
- Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý? Chủ Nhật, 23/06/2024, 00:00
- Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Xét nghiệm Pap là gì? Thứ Hai, 10/06/2024, 00:00
- Có thể có thai từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn không? Thứ Năm, 06/06/2024, 00:00
Các tin khác
- 11 điều bạn nên biết nếu đang cân nhắc việc đông lạnh trứng Thứ Sáu, 24/05/2024, 00:00
- Bệnh phụ khoa: Dấu hiệu nhận biết và các bệnh thường gặp Thứ Năm, 23/05/2024, 00:00
- Lợi ích của lớp học tiền sản cho các bà mẹ chuẩn bị sinh em bé Thứ Tư, 22/05/2024, 00:00
- Tuổi dậy thì? Những thay đổi tâm, sinh lý tuổi dậy thì Thứ Ba, 21/05/2024, 00:00
- Anti-Mullerian Hormone (AMH) nói lên điều gì về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ? Thứ Ba, 21/05/2024, 00:00
- Bệnh phụ khoa: Khi nào nên đi khám bệnh? Thứ Tư, 15/05/2024, 00:00
- Buồng trứng - những điều cần biết Thứ Tư, 08/05/2024, 00:00
- Phụ nữ cần chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai Thứ Ba, 07/05/2024, 00:00
- Bà bầu có thể làm gì để sinh thường? 6 lời khuyên cần thiết cho tam cá nguyệt thứ ba Thứ Sáu, 03/05/2024, 00:00
- TÌM HIỂU VỀ THUỐC TIÊM TRÁNH THAI Thứ Năm, 02/05/2024, 00:00
- Cắt bỏ buồng trứng ảnh hưởng gì tới sức khỏe sinh sản - tình dục? Thứ Hai, 29/04/2024, 00:00
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Viên tránh thai chỉ có progestin (Phần 2) Thứ Năm, 25/04/2024, 00:00