TÌM HIỂU VỀ THUỐC TIÊM TRÁNH THAI Thứ Năm, 02/05/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Thuốc tiêm tránh thai có những loại gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai? Bạn có thể tham khảo trong bài viết sau đây nhé
1. Thuốc tiêm tránh thai là gì?
- Thuốc tiêm tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời, có hồi phục, dùng cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Thuốc chỉ chứa một thành phần nội tiết là progestin với hàm lượng cao.
- Thuốc tiêm tránh thai hiện có hai loại:
(1) DMPA (depot medroxygenprogesteron acetat) có tác dụng tránh thai 3 tháng. DMPA có hai dạng bào chế, tiêm bắp 1 mũi (150mg) hoặc tiêm dưới da (104mg), tiêm 3 tháng 1 lần.
Không nên xoa bóp chỗ tiêm vì làm như vậy có thể làm tăng tốc độ hấp thu. Nồng độ hormone tránh thai hiệu quả trong huyết thanh thường đạt được sớm nhất là 24 giờ sau khi tiêm.
Thuốc tiêm tránh thai DMPA 150mg
(2) NET-EN (norethisteron enantat) liều 200 mg, có tác dụng tránh thai 2 tháng.
NET-EN có thể được tiêm dưới dạng tiêm bắp (200 mg) sâu vào cơ mông hoặc cơ delta, thường là 8 tuần một lần. Không nên xoa bóp chỗ tiêm. Nồng độ huyết thanh của hormone tránh thai hiệu quả thường đạt được trong vòng 72 giờ.
Thuốc tiêm tránh thai NET-EN 200mg
2. Cơ chế tránh thai của thuốc
Là phương thức tránh thai có hiệu quả cao do có khả năng ức chế phóng noãn, làm đặc chất nhày cổ tử cung và làm nội mạc tử cung kém phát triển.
3. Những ưu, nhược điểm chính
Ưu điểm và lợi ích |
|
Nhược điểm |
- Hiệu quả tránh thai cao (99,6%). - Có tác dụng lâu dài (tiêm 1 mũi giúp tránh thai 3 tháng). - Kín đáo, thuận tiện. - Có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú (sau 6 tuần kể từ khi sinh) vì không gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. - Có thể dùng cho những phụ nữ trên 35 tuổi có chống chỉ định với thuốc có estrogen - Giảm lượng máu kinh, có lợi cho phụ nữ. - Có thể góp phần giảm nguy cơ u xơ tử cung, u vú, ung thư nội mạc tử cung, viêm khung chậu, u buồng trứng. - Không gây rối loạn tim mạch, huyết áp |
|
- Không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục; HIV/AIDS - Do thuốc có tác dụng lâu dài, sau khi ngừng dùng sẽ chậm có thai (chậm hơn 2 - 4 tháng so với các thuốc tránh thai khác). - Có những thay đổi về kinh nguyệt: thường xuất hiện mất kinh sau 9 - 12 tháng sử dụng. Đôi khi kinh nhiều hoặc kéo dài sau khi sử dụng 1 - 2 tháng. - Gây tăng cân, thường tăng khoảng 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng. - Thay đổi tâm trạng giống như có thai như buồn, giận, chán nản, mệt mỏi,... nhưng chỉ trong một thời gian ngắn - Tăng nguy cơ loãng xương. Có thể gây nhức đầu, khó chịu, buồn nôn, căng ngực |
4. Những ai không được dùng thuốc tiêm tránh thai?
- Tuyệt đối không dùng thuốc tiêm tránh thai cho phụ nữ có thai, đang bị ung thư vú, có yếu tố nguy cơ loãng xương; thanh thiếu niên đang phát triển vì thuốc có thể làm giảm mật độ xương.
- Những trường hợp có thể sử dụng khi không có biện pháp tránh thai nào phù hợp hơn và theo chỉ định của bác sĩ:
+ Có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp).
+ Tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu, lupus ban đỏ hệ thống, tiểu đường có biến chứng, xơ gan mất bù.
+ Ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân.
+ Đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại.
+ Không tiếp tục sử dụng nếu có đau nửa đầu kèm mờ mắt.
Thuốc tiêm tránh thai DMPA 104mg
5. Thời điểm thực hiện
Khi bạn có ý định dùng thuốc tiêm tránh thai, bạn cần đến gặp bác sĩ để tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc. Hãy nhớ đến gặp bác sĩ theo lịch hẹn hoặc khi có dấu hiệu bất thường sau khi tiêm thuốc.
5.1. Phụ nữ chưa sử dụng biện pháp tránh thai
- Có thể bắt đầu ngay khi có sữa (thường 48 giờ sau sinh).
- Trong vòng 7 ngày đầu kể từ ngày hành kinh đầu tiên (bao gồm cả những người có kinh lại sau 6 tuần hậu sản) hoặc bất cứ lúc nào trong vòng 21 ngày hậu sản (và không cho con bú) hoặc ngay sau phá thai, sẩy thai.
- Ở bất cứ thời điểm nào nếu biết chắc là không có thai. Có thể cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp nếu: (i) quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh, hoặc (ii) vô kinh, hoặc (iii) 6 tuần sau sinh và chưa có kinh, hoặc (iv) từ 21 ngày sau sinh trở đi và chưa có kinh. Trong những trường hợp này, trước khi tiêm mũi tiếp theo, bạn cần thử thai.
Hình minh họa tiêm thuốc tránh thai (Ảnh: internet)
5.2. Phụ nữ đang sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết sẽ được tiêm thuốc ngay nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai hoặc vào thời điểm lặp lại mũi tiêm cho những người đang sử dụng thuốc tiêm.
5.3. Phụ nữ đang sử dụng biện pháp tránh thai không nội tiết (không phải dụng cụ tử cung) sẽ được tiêm thuốc ngay nếu đang sử dụng liên tục và đúng cách hoặc nếu biết chắc là không có thai. Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
5.4. Phụ nữ đang sử dụng dụng cụ tử cung (kể cả dụng cụ tử cung giải phóng levonorgestrel) sẽ được tiêm thuốc:
- Trong vòng 7 ngày đầu tiên của vòng kinh, có thể lấy dụng cụ tử cung ra ở thời điểm này.
- Bất kỳ lúc nào nếu biết chắc là không có thai.
- Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh và đã có giao hợp: cần lấy dụng cụ tử cung vào chu kỳ sau.
- Nếu đã quá 7 ngày từ khi bắt đầu hành kinh và không giao hợp: cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp. Nếu dụng cụ tử cung chính là biện pháp hỗ trợ: cần lấy dụng cụ tử cung vào chu kỳ sau.
5.5. Các mũi tiêm lần sau
- Khoảng cách giữa hai lần tiêm: 3 tháng với DMPA và 2 tháng với NET-EN.
- Nếu mũi tiêm lần sau được thực hiện muộn hơn hạn tiêm (xem phần Chậm ngày tiêm).
- Không khuyến cáo chuyển đổi giữa thuốc tiêm tránh thai DMPA và NET-EN. Nếu nhất thiết phải chuyển đổi cần tiêm vào thời điểm mũi tiêm lặp lại.
- Nếu cần tiêm lặp lại mà loại thuốc và thời điểm tiêm lần trước không rõ: Có thể tiêm nếu biết chắc là không có thai, cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả xem xét sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp.
6. Một số vấn đề khó khăn khi sử dụng và cách xử trí
Khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai bạn cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ
6.1. Theo dõi sau tiêm: Nếu có viêm nhiễm tại chỗ, đau, đỏ vùng tiêm; áp xe chỗ tiêm bạn cần đến gặp bác sĩ để xử trí.
6.2. Chậm ngày tiêm: Nếu bạn bị chậm ngày tiêm, bác sĩ sẽ thảo luận, hướng dẫn và thực hiện mũi tiêm tiếp theo cho bạn.
- Nếu trễ hơn thời hạn tiêm trong vòng 2 tuần (đối với NET-EN) và trong vòng 4 tuần (đối với DMPA): vẫn có thể tiêm thuốc mà không cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ.
- Nếu trễ hơn thời hạn tiêm sau hơn 2 tuần (đối với NET-EN) và sau 4 tuần (đối với DMPA): vẫn có thể tiêm thuốc nhưng cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp, nếu:
+ đã không giao hợp trong vòng hai tuần tính từ ngày đáng lẽ phải được tiêm mũi lặp lại, hoặc
+ đã sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ hoặc biện pháp tránh thai khẩn cấp ở mỗi lần giao hợp không được bảo vệ trong vòng hai tuần tính từ ngày đáng lẽ phải được tiêm mũi lặp lại, hoặc
+ cho con bú hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn và vừa sinh trong vòng 6 tháng
- Nếu trễ hơn thời hạn tiêm sau hơn 2 tuần (đối với NET-EN) và sau 4 tuần (đối với DMPA) và không thỏa mãn những điều kiện trên: vẫn có thể tiêm thuốc nếu biết chắc là không có thai. Cần tránh giao hợp hoặc sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp, kể cả cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp và phải thử thai trước khi chích lặp lại mũi thuốc lần sau.
6.3. Rối loạn kinh nguyệt:
- Vô kinh: là thường thấy khi dùng thuốc tiêm tránh thai. Nếu bạn không muốn điều này thì bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng biện pháp tránh thai khác.
- Ra máu thấm giọt hoặc kinh nguyệt không đều: Thông thường nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai bị kinh nguyệt không đều, tình trạng này sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc. Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân.
- Ra máu hoặc quá nhiều (từ gấp đôi bình thường trở lên) hoặc kéo dài hơn 8 ngày: là tình trạng hiếm gặp, nhưng cần được chú ý đặc biệt. Tình trạng này đôi khi cũng xảy ra ở nhiều phụ nữ sử dụng thuốc tiêm tránh thai, nó sẽ giảm và hết sau vài tháng sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hỗ trợ cho bạn, khuyên bạn uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu chất sắt, hoặc hướng dẫn bạn sử dụng biện pháp tránh thai khác nếu tình trạng ra máu nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu tình trạng ra máu nhiều xuất hiện sau vài tháng có kinh bình thường hoặc sau một thời gian vô kinh hoặc tiếp tục không hết hoặc nghi ngờ có nguyên nhân bệnh lý khác: cần khám toàn diện để tìm nguyên nhân.
- Ra máu âm đạo bất thường: Khám toàn diện để tìm nguyên nhân.
TSBT tổng hợp
Nguồn: Tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bộ Y tế; msdmanuals.com
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Mang thai hộ - Thông tin cần biết Thứ Ba, 16/07/2024, 00:00
- Tìm hiểu về bệnh ung thư Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: những yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Bóng ma vô hình của những người mẹ Thứ Năm, 11/07/2024, 00:00
- Ảnh hưởng của rượu đối thai nhi Thứ Ba, 09/07/2024, 00:00
- Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý? Chủ Nhật, 23/06/2024, 00:00
- Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Xét nghiệm Pap là gì? Thứ Hai, 10/06/2024, 00:00
- Có thể có thai từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn không? Thứ Năm, 06/06/2024, 00:00
Các tin khác
- Cắt bỏ buồng trứng ảnh hưởng gì tới sức khỏe sinh sản - tình dục? Thứ Hai, 29/04/2024, 00:00
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Viên tránh thai chỉ có progestin (Phần 2) Thứ Năm, 25/04/2024, 00:00
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Viên tránh thai chỉ có progestin (Phần 1) Thứ Hai, 22/04/2024, 00:00
- Thuốc uống tránh thai hàng ngày: Viên tránh thai kết hợp (Phần 2) Chủ Nhật, 21/04/2024, 00:00
- Thuốc uống tránh thai hàng ngày: Viên tránh thai kết hợp (Phần 1) Thứ Bẩy, 20/04/2024, 00:00
- Một số câu hỏi thường gặp ở triệt sản nam Thứ Sáu, 19/04/2024, 00:00
- Theo dõi và chăm sóc sau khi phá thai Chủ Nhật, 14/04/2024, 14:00
- Các nguy cơ đối với sức khỏe phụ nữ sau khi phá thai Chủ Nhật, 14/04/2024, 00:00
- Tìm hiểu về phá thai an toàn Thứ Bẩy, 13/04/2024, 00:00
- 8 điều bạn chưa biết về “cậu nhỏ” Thứ Bẩy, 06/04/2024, 00:00
- Kiểm soát tình dục và sinh sản là gì? Thứ Sáu, 05/04/2024, 13:00
- TÌM HIỂU VỀ VIÊM TUYẾN BARTHOLIN Thứ Hai, 18/03/2024, 00:00