Ngày 8/2, bác sĩ Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết bệnh nhân ra máu loãng lẫn máu cục, sức khỏe nguy kịch. Các bác sĩ hội chẩn, đánh giá đây là ca phức tạp, sinh non kèm nhiều tai biến sản khoa nặng nề, sản phụ và thai nhi có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Bé trai nặng 1,34 kg chào đời, đang nằm lồng kính. Người mẹ được bảo tồn tử cung, sức khỏe tạm ổn định.
Bác sĩ Dung giải thích một thai kỳ điển hình kéo dài khoảng 40 tuần. Sinh non thường xảy ra sau tuần 20 và trước tuần 37 của thai kỳ. Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trên toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Đây được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Khoảng một triệu trẻ sinh non tử vong do các biến chứng. Nhiều trẻ sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác, thính giác.
Tại Việt Nam, các tài liệu báo cáo chung cho thấy tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7% ca sinh, mỗi năm khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.
Trường hợp sinh non kèm nhiều bệnh lý, tai biến, càng đe dọa sức khỏe của hai mẹ con. Bác sĩ khuyến cáo thai phụ xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ, cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế. Thai phụ bị nhau tiền đạo trung tâm nên nhập viện theo dõi vào những tháng cuối để kịp thời xử lý.
Theo Minh An (Theo Vnexpress)