1. Sự thay đổi về vóc dáng cơ thể:
Vóc dáng bạn gái bắt đầu thay đổi vào lúc dậy thì (trong độ tuổi từ 9-14 tuổi). Từ một em gái nhỏ, cơ thể của bạn bắt đầu có vóc dáng thiếu nữ. Trong vài năm trước khi có hành kinh, chiều cao bạn tăng lên khá nhiều. Khi hành kinh rồi, cơ thể phát triển bề ngang nhiều hơn trước với các đặc tính riêng của nữ như: Cặp vú nhú lên, mông nở nang hơn trước, lớp mỡ dưới da dày lên làm cho cơ thể bạn mềm mại và giàu nữ tính.
Quá trình này ở mỗi người diễn ra với tốc độ khác nhau. Có bạn thì lớn từ từ, bạn khác lại vụt lớn bổng “như ăn phải bột nở”. Cơ thể bạn trong những năm này có nhiều biến đổi, khi thì bạn thấy mình béo tròn, khi thì mảnh dẻ. Thường đến độ 18-20 tuổi bạn mới đạt đến hình dáng ổn định theo các đặc tính di truyền cha mẹ cho.
2. Sự phát triển của vú
Đến tuổi dậy thì, vú của các bạn gái bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, mỗi cơ thể bắt đầu phát triển ở thời điểm riêng, vì vậy, chẳng ngạc nhiên khi ở cùng một lứa tuổi mà có bạn ngực phẳng còn bạn khác đã đầy đặn.
Dấu hiệu đầu tiên nhận biết sự phát triển của ngực là quầng vú. Đây là vùng sẫm xung quanh núm vú. Đầu tiên, quầng vú dầy lên, sẫm lại. Sau đó, bầu vú nhú lên, nhọn nhọn, lớn dần và tròn trịa dần. Trong thời gian này, vú bạn có thể ngứa hoặc đau tức một chút.
Cặp vú trưởng thành của nữ giới có cấu tạo cơ bản là mỡ. Mỡ có chức năng bảo vệ, đồng thời làm cho cặp vú được mịn màng, hấp dẫn. Bầu vú không có cơ, nhưng nó bám chắc vào cơ ngực ở trên xương sườn. Ngoài ra, nó còn được nâng đỡ bởi các cơ xung quanh và bởi các dây chằng liên kết nó với xương ở cổ, xương cánh tay và xương sườn. Núm vú là nơi tập trung nhiều đầu mút thần kinh, nhạy cảm với kích thích.
Bên trong vú là hệ thống sinh sữa gồm các khoang sinh sữa trông như chùm nho và các ống dẫn hình cây nối vào ống dẫn chính đưa ra đầu vú. Khi bạn gái dậy thì, hệ thống tạo sữa bắt đầu phát triển nhưng chưa sản xuất sữa. Khi mang thai, hệ thống này phát triển hoàn thiện để sau khi sinh nở, sữa từ các khoang sinh sữa đổ vào các ống dẫn để em bé bú.
Các tuyến sữa phát triển, lớp mỡ ngực dầy lên làm cho đôi vú nhú lên và ngày càng đầy đặn. Kích thước vú là do tầng mỡ quyết định, còn việc tạo sữa thì do tuyến sữa bên trong đảm nhiệm. Sữa ít hay nhiều phụ thuộc chủ yếu vào chế độ dinh dưỡng và cách cho con bú sau này.
Hình dạng cấu tạo của vú cũng khác nhau ở mỗi người, có bạn ngực lớn, có bạn ngực nhỏ. Có người núm vú chĩa thẳng về phía trước, có người núm vú hướng sang hai bên, bạn vú tròn, bạn vú ngang, bạn có vài sợi lông trên vú, bạn không ... bao nhiêu phụ nữ là bấy nhiêu bộ ngực khác nhau. Cũng như sắc da, vóc người mỗi người mỗi dạng, quầng vú, núm vú có màu sắc và độ lớn rất đa dạng
Cũng có bạn núm vú không nhô ra ngoài. Đừng lo rằng sau này khó cho con bú, vì bạn sẽ học cách kéo núm vú ra để cho con bú bình thường.
Hai bên ngực thường phát triển theo kiểu một lớn trước, một theo sau, vì thế bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy ngực chỉ nhú một bên, chẳng mấy chốc bên kia sẽ đuổi kịp. Một điều cần phải nói là cũng như đôi bàn tay thường một to một bé, cặp vú trường thành của nhiều bạn gái cũng có một bên nhỉnh hơn bên kia. Có khi vì không biết mà bạn gái khổ sở cho rằng mình “dị dạng”. Điều đó là hoàn toàn không đúng đâu nhé.
3. Sự phát triển của cơ quan sinh dục
Trong thời kỳ dậy thì, cơ quan sinh dục bạn gái phát triển mạnh, không còn trông giống như các em bé gái nữa. Tất cả các bộ phận như: môi lớn, môi nhỏ, âm vật, âm đạo của bạn đều lớn lên, lông mu mọc xung quanh âm hộ và màu sắc âm hộ sẫm hơn trước. Bên trong cơ thể, âm đạo, tử cung cũng lớn lên. Hai buồng chứng bắt đầu thực hiện chức năng tiết hóc môn sinh dục và phóng noãn (rụng trứng). Niêm mạc tử cung bắt đầu tăng trưởng và tự thải theo chu kỳ (hành kinh).
Cũng như gương mặt có mắt, mũi, miệng nhưng mỗi người một vẻ, cơ quan sinh dục là một phần độc đáo với màu sắc, hình dạng riêng của mỗi người. Nếu tắm chung với chị em gái, bạn sẽ thấy rõ mọi người không hẳn giống nhau. Bạn đừng lo lắng nếu môi nhỏ của bạn trông có vẻ lớn, âm vật dài hay lông mu của mình khác người khác ...
4. Hiện tượng kinh nguyệt
Bạn gái có thể bắt đầu hành kinh từ năm 10 tuổi và cũng có bạn đến năm 17, 18 tuổi mới diễn ra quá trình này. Chỉ khi bạn đã 18 tuổi mà không thấy xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt thì mới là điều đáng lo và cần đi khám để bác sỹ kiểm tra.
Hiện tượng kinh nguyệt hoàn toàn là một hiên tượng sinh lý bình thường. Đó là dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bắt đầu rụng trứng, có khả năng thụ thai và sinh con. Khi mới bắt đầu có kinh, kinh nguyệt bạn gái có thể "thất thường", sau một, hai năm mới dần ổn định. Số ngày hành kinh có thể nhiều, có thể ít, thường trong khoảng từ 3 đến 7 ngày. Lượng máu kinh cũng vậy, người nhiều, người ít.
Trong những ngày hành kinh, một số bạn gái có cảm giác khó chịu, căng tức ngực và nặng phần bụng dưới, thói quen đại tiểu tiện cũng có thể thay đổi, đau bụng, đau lưng … ; tâm lý nôn nóng, dễ nổi cáu, giảm tập trung, dễ thay đổi cảm xúc… Đây cũng là hiện tượng thường gặp ở nhiều bạn nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và thường được gọi là “Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh” và nó sẽ tự chấm dứt khi các bạn sạch kinh. Trong thời gian này, bạn có thể chú ý quan sát những biểu hiện của mình để tự điều chỉnh và bạn cũng có thể mách nhỏ với bạn bè, người thân là bạn sắp đến “ngày” để mọi người thông cảm nhé!.
Trong thời kỳ hành kinh bạn nên chú ý hơn đến việc vệ sinh bộ phận sinh dục của mình. Điều đó vừa giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn vừa phòng tránh đuợc những bệnh viêm nhiễm đường sinh sản.
5. Dịch tiết âm đạo:
Bước vào tuổi dậy thì, bạn gái thấy cơ quan sinh dục nhiều khi ướt át, quần lót có dịch dính. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Chất dịch này xuất hiện ở cửa âm đạo nên thường gọi là “dịch tiết âm đạo”, nhưng vì xuất xứ từ cổ tử cung nên nó còn có tên gọi là “dịch tiết cổ tử cung”. Dịch thường có màu trắng trong, trắng đục hoặc hơi ngả vàng, có thể nhiều hay ít tùy từng cơ thể.
Ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, dịch tiết âm đạo còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng, hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng. Do đó nó thay đổi theo thời gian trong chu kỳ.
Sau khi hết đợt hành kinh, bạn gái có thể thấy khô ở âm đạo và không có dịch tiết hoặc có thể thấy một trong hai dạng chất dịch: đặc dính hoặc loãng ướt. Tuy nhiên, ở khoảng thời gian giữa của một chu kì (giữa hai đợt hành kinh), bạn cũng có thể thấy dịch tiết nhiều hơn, loãng hơn, ướt át hơn. Nó trong như lòng trắng trứng, có thể hơi hồng. Cầm giữa hai ngón tay, bạn có thể kéo dài ra được. Trứng thường rụng trong khoảng thời gian này. Khi thấy dịch tiết nhiều trong khoảng thời gian này, nhiều bạn nghĩ mình bị bệnh, như vậy là nhầm đấy.
Sau khi rụng trứng, dịch tiết dần mất đi độ ướt, trở nên đặc dính. Ở một số bạn nó biến mất hẳn. Một số bạn có dịch đặc cho đến tận kỳ kinh sau. Một số bạn khi sắp hành kinh lại có dịch loãng nên cảm thấy ướt át ở âm đạo.
Đó là những thay đổi thông thường của dịch tiết âm đạo. Còn nếu bạn bị viêm nhiễm ở đường sinh dục, chất dịch sẽ có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, mùi hôi tanh khó ngửi, tiết ra nhiều hơn bình thường, gây khó chịu hoặc kèm theo ngứa ngáy ở cơ quan sinh dục. Lúc đó bạn cần đi khám bác sỹ.
Một điều nữa, bạn đừng nhầm dịch tiết âm đạo với dịch sinh dục. Dịch sinh dục là chất nhờn tiết ra khi có kích thích tình dục (có thể là kích thích về tâm lý, có thể do cơ quan sinh dục được kích thích), có chức năng bôi trơn đường sinh dục giúp cho việc giao hợp được dễ dàng hơn.
6. Sự phát triển của lông ở cơ quan sinh dục
Khi đến tuổi dậy thì, cơ thể bạn gái bắt đầu xuất hiện nhiều lông, trước tiên là lông ở phần xương mu, xung quanh khu vực sinh dục dưới. Lúc đầu chỉ lơ thơ mấy sợi, sau nhiều hơn, quăn hơn. Ngoài lông mu, bạn gái còn thấy mọc thêm lông chân và lông nách, và số lượng ít hay nhiều cũng tuỳ thuộc vào mỗi người. Nếu bạn gái có nhiều lông chân hay lông nách, thậm chí có một chút ria mép thì cũng đừng băn khoăn là bạn nam tính hơn các bạn khác vì điều này không phải là yếu tố chính quy định bạn là nam hay nữ.
Tài liệu tham khảo
1. Sách “Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khoẻ”. Biên soạn: Nguyễn Quỳnh Trang, Debra Efroymson, Nguyễn Khánh Linh. Do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức PATH Canada xuất bản. NXB Thanh niên 2001.
2. Webside http://www.ykhoa.net
3. Webside http://www.cimsi.org.vn