Nhận biết và xử trí những dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ sau sinh Thứ Tư, 10/01/2024, 00:00
Sau sinh, người phụ nữ có những dấu hiệu nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Sau sinh, cơ thể người phụ nữ sẽ phải đối mặt với những sự thay đổi đáng kể. Biết được những vấn đề thường gặp sau sinh con sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những sự thay đổi về thể chất cũng như tinh thần sau khi mang thai.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, 6 tuần sau sinh là khoảng thời gian hậu sản mà mẹ phải đối mặt với rất nhiều những biến đổi về cả thể chất và tinh thần. Vì vậy, đây cũng chính là giai đoạn mẹ có thể gặp phải các bệnh hậu sản nguy hiểm. Sau đây là những dấu hiệu nguy hiểm sau sinh của bà mẹ:
1. Ra máu tăng dần hoặc có máu cục.
2. Sốt.
3. Đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc dịch chảy ra từ cửa mình (âm hộ) có mùi hôi.
4. Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều.
5. Ngất hoặc co giật.
Người chồng và gia đình cần theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm, cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.
Đừng vì sợ dịch bệnh mà chậm đưa bà mẹ sau sinh đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Gia đình cần sẵn sàng đưa bà mẹ sau sinh đến cơ sở y tế khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào.
Băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh là tình trạng mất máu tích lũy 1.000 ml trong vòng 24 giờ sau sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm hơn 14 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị hiện tượng băng huyết sau sinh thường/mổ. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 3% – 8% và đây được xem là "thủ phạm" gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ sau sinh.
Các triệu chứng của băng huyết sau sinh thường bao gồm: Máy chảy từ âm đạo nhiều, khó cầm, rỉ liên tục, không có dấu hiệu giảm theo thời gian; Nhịp tim tăng, mạch nhanh, tăng nhịp hô hấp, gặp khó khăn khi đứng lên; Chảy máu kéo dài khiến sản phụ thấy lạnh, vã mồ hôi, huyết áp giảm, có thể bất tỉnh, sốc tuần hoàn;…
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: Sinh đẻ nhiều lần dẫn đến cơ tử cung yếu; Cổ tử cung chưa mở hết sản phụ đã rặn đẻ; Phụ nữ có tiền sử sảy, nạo hay hút thai nhiều lần; Tử cung có sẹo mổ; Sản phụ bị u xơ tử cung, đa thai, thai to, tử cung dị dạng; Cơ thể sản phụ bị suy nhược, cao huyết áp, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén;…
Nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở sản phụ sau khi sinh hoặc mổ lấy thai mà khởi phát là từ âm đạo qua cổ tử cung, qua vòi tử cung rồi vào phúc mạc.
Các triệu chứng điển hình của tai biến sản khoa này có thể kể đến như: Sốt trên 38,5 độ C, người mệt mỏi, đau sưng mủ tại vị trí viêm, sản dịch có màu bất thường và có mùi hôi; Tiểu khó, tiểu đau, cảm giác phải đi tiểu nhiều nhưng mỗi lần đi đều ít nước tiểu; Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; Viêm nhiễm cơ tử cung; Viêm phúc mạc tiểu khung; Viêm phúc mạc toàn thể; Nhiễm khuẩn huyết; Sốc nhiễm khuẩn;…
Một số nguyên nhân chính dẫn tới nhiễm khuẩn hậu sản là: dinh dưỡng kém, thiếu máu, béo phì, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, chuyển dạ kéo dài, ứ sản dịch, sót nhau thai trong tử cung, thăm khám âm đạo quá nhiều trong quá trình chuyển dạ,…
Tiền sản giật sau sinh
Tiền sản giật sau sinh là tai biến sản khoa ít phổ biến nhưng mức độ nguy hiểm cao, xảy ra khi người mẹ bị tăng huyết áp và protein niệu dương tính (trên 300mg) sau sinh. Vấn đề hậu sản này có thể xảy ra trong vòng từ 48 giờ đến 6 tuần sau sinh.
So với các tai biến sản khoa khác thì tiền sản giật sau sinh có biểu hiện, triệu chứng tương đối rõ ràng, cụ thể như: Huyết áp tăng cao từ 140/90 trở lên; Nước tiểu dư thừa protein (hay còn gọi là đạm niệu); Tăng cân một cách đột ngột; Đau thượng vị; Tiểu ít; Đau đầu dữ dội; Giảm thị lực; Phù nề tay chân; Buồn nôn và nôn;…
Chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn về các nguyên nhân chính xác dẫn tới tình trạng hậu sản này, bệnh có thể phát triển trong cơ thể sản phụ từ trước khi sinh nhưng đến sau khi sinh mới có các biểu hiện rõ ràng. Các yếu tố liên quan đến chứng bệnh này có thể kể đến là: Huyết áp cao sau 20 tuần mang thai; Có người thân mắc hội chứng tiền sản giật trước hoặc sau sinh; Sản phụ bị béo phì và tăng cân nhiều trong quá trình mang thai; Mang thai đôi, đa thai;…
Sản dịch bất thường
Sản dịch là dịch tử cung và đường sinh dục chảy ra ngoài trong những ngày đầu tiên sau sinh. Hiện tượng sản dịch sẽ hết trong khoản 2 – 3 tuần sau sinh. Sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường.
Sản dịch được coi là bất thường khi có các biểu hiện:
Dịch tiết từ âm đạo có mùi hôi, tanh do nhiễm vi khuẩn như tụ cầu, trực khuẩn, liên cầu
Sản dịch có màu đỏ tươi, nhiều và kéo dài
Xuất hiện nhiều cục máu đông
Khi ấn vào dđáy tủ cung sản dịch tiết ra có màu đen kèm mùi hôi; khi ấn vào bụng thấy có cục ở trong và bụng cứng
Nhịp tim không đều, cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi
Bị sốt và cảm thấy ớn lạnh
Một số nguyên nhân dẫn tới những bất thường của sản dịch sau sinh đó là: Tử cung không co hồi được, sót nhau thai; Quá trình bác sĩ thăm khám âm đạo, việc khử trùng dụng cụ không sạch hoặc mẹ không giữ vệ sinh đúng cách; Sản phụ đã bị viêm nhiễm trước đó hoặc bị các bệnh về máu, huyết áp không ổn định, cộng thêm với trong quá trình sinh con bị mất máu nặng; Chế độ nghỉ ngơi và vận động sau sinh không hợp lý;…
Trầm cảm sau sinh
Sau sinh là khoảng thời gian phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều những thay đổi về thể chất và tinh thần, việc không thể thích nghi ngay với những thay đổi lớn này khiến phụ nữ rơi vào trạng thái tiêu cực buồn chán, mệt mỏi, lo lắng, tuyệt vọng, u uất, mặc cảm,… dẫn đến tình trạng trầm cảm. Tình trạng này có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài. Hiện nay, trầm cảm sau sinh có chiều hướng gia tăng và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Ở mỗi phụ nữ, trầm cảm sau sinh có những biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, nhưng tựu chung lại có thể kể đến các biểu hiện mang tính điển hình nhất như:
Liên tục có các trạng thái cảm xúc tiêu cực: buồn phiền, lo sợ, bồn chồn, cáu kỉnh, stress, giận dữ mất kiểm soát,…
Dễ tủi thân, khóc thường xuyên hơn bình thường
Gặp tình trạng mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Mất tập trung
Chán ăn hoặc ăn không kiểm soát, ăn không có cảm giác ngon miệng
Nhức đầu, đau dạ dày, đau cơ
Ngại tiếp xúc với mọi người, thậm chí muốn xa lánh con
Có các ý nghĩ làm hại bản thân và con
Hiện nay vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Bởi đây là dấu hiệu tâm lý, ở mỗi người sẽ do nguyên nhân khác nhau. Có thể kể tên 5 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng này là: Sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể; Sản phụ có tiền sử bị trầm cảm hoặc các vấn đề về thần kinh khác; Các yếu tố cảm xúc liên quan đến môi trường và hoàn cảnh sống; Sự thay đổi đột ngột về nhịp điệu sinh hoạt khi phải chăm con ngày đêm; Không nhận được sự chăm sóc sức khỏe và tinh thần từ những người thân trong gia đình;…
Chăm sóc bà mẹ sau sinh
- Giúp bà mẹ cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, đặt trẻ da kề da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh. Bà mẹ cần được chăm sóc tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ sau sinh. Cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn bà mẹ cách cho con bú đúng cách, bú mẹ hoàn toàn, cách vắt sữa…
- Sau sinh để bà mẹ nằm nơi yên tĩnh nghỉ ngơi hoặc ngủ để lấy lại sức. Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn tăng số lượng, uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày).
- Không làm việc nặng, nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần sau sinh. Vệ sinh vùng sinh dục bằng cách rửa sạch sẽ, thay băng vệ sinh, ít nhất 3 lần mỗi ngày khi còn sản dịch. Tắm nhanh bằng nước ấm.
- Tiếp tục uống viên sắt đến hết tháng đầu sau sinh. Uống 1 viên Vitamin A do cán bộ y tế hướng dẫn và cung cấp. Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu (6 tuần) sau sinh và cần sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp ngay khi có quan hệ tình dục trở lại.
- Không sưởi bằng than, không nằm gần bếp vì sẽ có hại cho sức khoẻ của mẹ và con. Có thể ủ ấm bằng túi chườm.
- Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc bà mẹ sau sinh, động viên tinh thần, làm bớt công việc để bà mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh và đủ sữa nuôi con.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
Các tin khác
- Tuổi 'teen' cần biết 4 cách tránh mang thai ngoài ý muốn tốt nhất Thứ Ba, 09/01/2024, 00:00
- Nguyên nhân di truyền nào là phổ biến nhất của ung thư vú? Thứ Ba, 09/01/2024, 00:00
- Dị tật bẩm sinh sứt môi - hở hàm ếch xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ? Thứ Ba, 09/01/2024, 00:00
- Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nên áp dụng Thứ Ba, 09/01/2024, 00:00
- 8 nguyên nhân có thể gây chậm kinh sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- 'Đón đầu' triệu chứng thời kỳ mãn kinh để giảm nguy cơ trầm cảm Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Chóng mặt, buồn nôn sau uống thuốc tránh thai khẩn cấp có đáng lo? Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Các biện pháp tránh thai có thể gây rụng tóc? Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- MẸO GIÚP MẸ BẦU GIẢM NGHÉN AN TOÀN Thứ Năm, 04/01/2024, 13:00
- NHỮNG ĐIỀU MẸ CẦN BIẾT KHI QUYẾT ĐỊNH SINH MỔ Thứ Năm, 04/01/2024, 12:00
- Hai kỳ kinh nguyệt trong một tháng là dấu hiệu bệnh nghiêm trọng? Thứ Tư, 03/01/2024, 00:00
- Sau chẩn đoán và điều trị ung thư vú sống được bao lâu? Thứ Tư, 03/01/2024, 00:00