Đêm. Màn hình điện thoại bỗng sáng đèn. Tin nhắn đến từ cô bạn thân “nối khố” sống nội tâm và giàu xúc cảm. Từng dòng chữ hiện ra khiến tim mình nhoi nhói thương bạn.
“Hôn nhân lẽ nào mãi mãi là địa ngục làm ta vùng vẫy cố thoát ra? Mỗi ngày đều phải nghe lời thô lỗ, tục tĩu, chợ búa mà lòng quay quắt đau và ân hận muộn màng. Hồi yêu nhau hắn ta giấu giẹm giờ về chung nhà và có một mặt con rồi mới tường tận lời ăn tiếng nói cùng phông văn hóa khác biệt. Làm sao bây giờ? Ly hôn ư? Hay là ngậm đắng nuốt cay sống chung với… lũ tràn bờ?”.
Lòng mình vốn chẳng thể an yên khi nghe tin tổ ấm của bất kỳ ai lung lay, nay lại càng cuộn sóng bởi gia đình bạn chao đảo. Một tuổi thơ nhọc nhằn vì mồ côi mẹ, một thời thiếu nữ nhiều hờn tủi sống cạnh mẹ kế, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi bạn tìm được người thương và gieo mầm cậu con trai kháu khỉnh.
Ảnh minh hoạ. |
Nhà chưa có, bạn chật vật ở trọ trong căn phòng gần cơ quan. Rồi chẳng may cu con hay ốm vặt, thường sốt triền miên, vai bạn oằn thêm gánh trăn trở, muộn phiền và khát khao mong con “qua đốt”. Và chỗ dựa duy nhất bạn có thể cậy nhờ, bờ vai mà bạn có thể tựa đầu cho qua vất vả giờ lại làm bạn đau đáu nỗi niềm bởi cái tật ăn nói thô thiển đến mức tục tĩu. Tranh cãi từ đó mà ra, vợ chồng hục hặc là chuyện cơm bữa.
Nhắc nhở chồng cách ăn nói, bạn đã làm. Uất ức tát nhẹ vào má chồng vì từ ngữ phản cảm, bạn cũng đã từng. Vậy mà đâu lại vào đó, cu con bốn tuổi đang tập tành cách nói bỗ bã cùng mấy tiếng chửi đổng của cha. Nỗi đau trong lòng bạn nhân lên gấp bội và quay cuồng với ý định chia tay.
Nhưng buông tay một người đâu đơn giản như thay một cái áo cũ, bỏ một thói quen không hay. Bởi gặp gỡ là duyên, yêu thương là nợ và cưới là định mệnh kết nối hai con người, hai trái tim, hai tâm hồn xa lạ chung một tổ ấm. Vô số ràng buộc đã bắt đầu đâm chồi mọc rễ từ giây phút đôi nhẫn lồng vào ngón tay áp út ấy bạn nhỉ?
Huống hồ gì giữa vợ chồng bạn còn một mầm non cần bàn tay chăm sóc, dưỡng nuôi, vỗ về mà mình biết một mình bạn đơn thân nuôi nấng con sẽ vất vả nhiều bề. Con sốt, ai luôn phiên thức canh cùng bạn? Con quấy, ai thay bạn đe nẹt để con bớt nghịch ngợm, bướng bỉnh? Rồi con lớn lên, dần dần nhận ra mái ấm của mình thiếu hụt sẽ mặc cảm, tủi hờn nhiều lắm…
Có những lỗi lầm khó thứ tha, có những rạn nứt khó hàn gắn, có những hố sâu khó lấp đầy… Nhưng nhân vô thập toàn mà, bạn hãy soi chiếu một cách tổng thể trách nhiệm làm cha và tấm lòng của người chồng ấy để nhìn nhận thấu đáo khiếm khuyết ăn nói “thô lỗ”, “tục tĩu”, “chợ búa” như cách bạn đánh giá.
Đừng vội đưa ra quyết định trong tức giận mà thiếu nghĩ suy thấu đáo! Đừng cạn nghĩ mà lướt qua toan tính lâu dài cho con, cho mình! Và quên đi cách nhìn cuộc đời chỉ toàn màu hồng, thay đổi cách nghĩ hôn nhân là sự thăng hoa của tình yêu, và hạ thấp xuống tiêu chuẩn chồng là “soái ca” ngôn tình, bạn nhé!
Thêm chút nỗ lực để khuyên nhủ và nhắc nhở cách ăn nói của chồng cũng là thêm cơ hội cho cái nắm tay của gia đình bạn bền chặt hơn, ấm áp hơn. Cuộc đời bạn đã lắm chông gai, giờ mình chỉ cầu mong bão giông bão dừng lại sau cánh cửa tổ ấm ấy. Mong lắm thay!
VOV.VN