Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
Trẻ mắc chứng tự kỷ, làm sao để đồng hành cùng trẻ, giúp trẻ hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1. Ngày 2 tháng 4 là ngày gì? Vì sao có Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ?
Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/62/139 lấy ngày 2 tháng 4 hằng năm (bắt đầu từ năm 2008) là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (World Autism Awareness Day - WAAD) nhằm khuyến khích các quốc gia thành viên hành động, kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết, nâng cao nhận thức về người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị để cải thiện sức khỏe, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.
Theo nghiên cứu tháng 3/2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và trong số 100 trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ thì khoảng 31% trẻ bị khuyết tật trí tuệ. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, người ta nhận thấy tỷ lệ trẻ có biểu hiện tự kỷ đến khám tại các cơ sở y tế nhi khoa và chuyên khoa tâm thần tăng lên rõ rệt trong vài năm trở lại đây. Hàng năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị ngoại trú khoảng 30.000 lượt bệnh nhân và can thiệp cho 500 lượt trẻ mắc chứng tự kỷ.
2. Chứng tự kỷ là gì ?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh. Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm ngay từ khi trẻ 6 tháng tuổi.
Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ như:
+ Trẻ ít hoặc hầu như không có các biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt và cử chỉ;
+ Trẻ ít hoặc hầu như không có giao tiếp mắt với người khác, không đáp ứng khi được gọi tên;
+ Trẻ không có hoặc có rất ít ngôn ngữ diễn đạt, hoặc ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ cùng trang lứa;
+ Trẻ mất khả năng ngôn ngữ hoặc bất kỳ kỹ năng xã hội nào đã có trước đó;
+ Trẻ có các hành vi, sở thích, thói quen mang tính chất rập khuôn, lặp đi lặp lại (đi nhón chân, đi xoay tròn, xếp các đồ vật thành hàng dài hoặc chồng cao, thích các đồ vật quay tròn …);
Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp chúng ta phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ không bị bỏ lỡ “Thời gian vàng” – tức được can thiệp trước 3 tuổi,; hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.
Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp làm tăng khả năng cải thiện triệu chứng và giảm khả năng xuất hiện các bất thường không đáng có (rối loạn hành vi, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ …) trong những năm tiếp theo của cuộc đời.
3. Cha mẹ của trẻ tự kỷ cần chấp nhận và đồng hành cùng trẻ như thế nào?
Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận con mình mắc chứng tự kỷ. Khi con đi khám và nhận được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, thông thường cha mẹ sẽ trải qua chuỗi cảm xúc: Sốc, đau buồn, tức giận, phủ nhận, cảm giác cô đơn và chấp nhận. Các giai đoạn cảm xúc này có thể diễn ra với thời gian và cường độ khác nhau tùy theo đặc điểm cá nhân của mỗi người. Với sự trợ giúp của cán bộ y tế, cha mẹ có con tự kỷ cần hiểu biết, chấp nhận vượt qua được những vấn đề tâm lý để đồng hành cùng con trong cuộc sống.
(1) Cha mẹ trẻ tự kỷ cần hiểu rõ những điều cán bộ y tế giải thích về kết quả chẩn đoán trẻ bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ:
- Nhận biết được đặc điểm đã quan sát được ở trẻ, các bằng chứng về các triệu chứng cốt lõi của tự kỷ mà cha mẹ có thể quan sát được, hiểu và theo dõi được các triệu chứng này.
- Hiểu về tầm quan trọng của theo dõi và khám định kỳ. Các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy việc theo dõi sát sẽ đưa ra những chiến lược can thiệp phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt với những trẻ có rối loạn hành vi cần phải sử dụng thuốc hướng thần, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc hoặc ngừng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
(2) Cha mẹ trao đổi với cán bộ y tế về tiên lượng của trẻ trong tương lai, cùng tìm những dấu hiệu tích cực, điểm mạnh của trẻ (như trẻ có khả năng bắt chước hoạt động, trẻ có biểu cảm với người thân, trẻ tuổi còn nhỏ…) cũng như những khó khăn để có thể đồng hành cùng con trong quá trình can thiệp sau này, thường xuyên phản hồi lại thông tin của cán bộ y tế.
(3) Cha mẹ cần dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, làm những điều mình yêu thích, xây dựng các mối quan hệ yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc của gia đình. Những hoạt động dạy bảo trẻ tự kỷ sẽ diễn ra trong một thời gian dài và sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Vì vậy, cha mẹ cần được hỗ trợ để có thể chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng về cả tinh thần, sức khỏe, kinh tế để đồng hành với trẻ.
(4) Cha mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của “can thiệp sớm” – can thiệp ngay khi phát hiện những khó khăn của trẻ chứ không đợi chẩn đoán chắc chắn trẻ có tự kỷ hay không. Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Việc này thường được thực hiện trước khi trẻ 5 tuổi, và tốt nhất là trước 3 tuổi (thời gian vàng). Vì vậy, sau khi trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần được cán bộ y tế giải thích về quy trình can thiệp và hướng dẫn các biện pháp can thiệp sớm phù hợp.
(5) Cha mẹ cần chủ động trong việc sắp xếp thời gian, bố trí môi trường, lựa chọn giải pháp can thiệp cho trẻ, tìm hiểu thật kĩ các biện pháp can thiệp, nhận thức rõ những khó khăn của trẻ, điểm mạnh điểm yếu, sở thích và nhu cầu của trẻ để từ đó đưa ra sự lựa chọn.
(6) Cha mẹ nên tham gia các hoạt động có tính cộng đồng như các câu lạc bộ dành cho gia đình trẻ tự kỷ. Tại đây những người có cùng hoàn cảnh sẽ cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nâng cao nhận thức của xã hội về tự kỷ, đưa ra tiếng nói và những mong đợi của trẻ tự kỷ, thúc đẩy sự phát triển của các chính sách xã hội phù hợp, giúp mang lại sự hòa nhập tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Cha mẹ luôn cần được khuyến khích xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn giúp trẻ tham gia được những hoạt động xã hội phù hợp tại cộng đồng, xã hội.
4. Một số phương pháp giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với mọi người
(1) Cho trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn sẽ giúp con cởi mở, mở rộng tầm nhìn, được thấy những điều tốt đẹp ngoài kia để tinh thần được tốt hơn, mạnh dạn hơn, giảm bớt sự rụt rè, lo lắng… giúp con phát triển và khám phá được những điều tích cực, dần dần sẽ hòa đồng với xã hội tốt hơn.
(2) Quan tâm sở thích của trẻ giúp cha mẹ hoặc chuyên gia có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết trong quá trình can thiệp các liệu pháp sao cho hợp lý, đồng thời sẽ kéo cha mẹ gần gũi con cái của mình hơn. Khi biết con thích điều gì có thể tìm ra điểm mạnh của trẻ để từ đó khuyến khích trẻ làm điều con thích, giúp con phát triển trong môi trường phù hợp.
(3) Thân thiết, gần gũi với trẻ tự kỷ là điều không hề dễ dàng, dù các bạn là cha mẹ của con thì vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc xích lại gần con hơn. Để rút ngắn khoảng cách với trẻ tự kỷ, việc cần làm là chúng ta hãy chơi với con, làm bạn với con để trẻ có cảm giác an toàn, được cảm thông và thấu hiểu. Giúp con cách giải quyết các khó khăn trong sinh hoạt tại nhà, ở trường lớp. Cha mẹ không nên thể hiện sự nóng giận hay tệ hơn thế trước mặt con, bởi điều đó sẽ tác động rất lớn đến tâm lí, tinh thần của con. Thay vào đó hãy luôn mỉm cười, thân thiện với trẻ, vui vẻ và sẵn sàng ở bên con, xoa dịu nỗi đau bên trong cho bé.
(4) Ân cần chăm sóc con hàng ngày vừa giúp trẻ nhận thức được các vấn đề về sự sạch sẽ, về việc tránh xa các nguy hiểm, về sự yêu thương giữa người với người và hình thành thói quen tự chăm sóc bản thân, tự sinh hoạt cá nhân, tự sắp xếp điều chỉnh thời khóa biểu của mình, hơn nữa giúp con có thêm nhận thức về việc có trách nhiệm với chính mình. Hãy nhẹ nhàng trước mọi lỗi lầm, sự vụng về ở con và từ đó giúp bé sửa sai.
Hướng dẫn con đi vệ sinh (Ảnh: internet)
(5) Dành lời khen cho trẻ, điều này có thể giúp trẻ cảm thấy mình có ích cho xã hội, đánh vào tiềm thức của bé về sự quan trọng của mình trong xã hội này, mình có thể hòa nhập tốt để trở thành người có ích cho gia đình, chứ không phải những suy nghĩ tiêu cực khác.
(6) Tạo môi trường thân thiện cho trẻ ở tại nhà, ở lớp học. Cha mẹ nên sử dụng âm nhạc để giúp bé thư giãn và thoải mái sau đó dành những lời khen cho trẻ để tinh thần con được thoải mái, giúp con có thể cảm nhận một cách rõ nhất.
Con đường để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với xã hội là một quãng đời dài, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn, kết hợp chặt chẽ với các chuyên gia để có liệu pháp phù hợp tốt nhất giúp trẻ từng bước hòa nhập vào cuộc sống xã hội.
Xem thêm: Hướng dẫn trẻ tự kỷ bước vào tuổi dậy thì về vấn đề tình dục
TSBT tổng hợp
Nguồn: Benhviennhitrunguong.gov.vn; benhvientamthanhanoi.com; trungtamphuchoichucnang.com
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
Các tin khác
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- 5 cách để vợ có thể kiểm soát chồng Thứ Sáu, 22/03/2024, 11:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00
- 4 dấu hiệu cho thấy nàng đã hết tình cảm với đối phương Thứ Năm, 21/03/2024, 14:00
- Những điều thú vị về tâm lý ở phụ nữ Thứ Bẩy, 09/03/2024, 00:00
- Gợi ý 23 món quà ý nghĩa tặng người thân, bạn bè Thứ Sáu, 08/03/2024, 13:00
- Vẻ đẹp của sự khác biệt giới tính Thứ Năm, 07/03/2024, 00:00
- 9 sắc cờ tình yêu: Crush của bạn thuộc màu cờ nào? Thứ Sáu, 01/03/2024, 00:00
- 6 câu bố mẹ hay nói khiến trẻ tổn thương Thứ Năm, 29/02/2024, 13:00
- Giải mã 'Hội chứng con gái đầu lòng' Thứ Năm, 29/02/2024, 12:00
- Vợ chồng suýt chia tay chỉ vì dòng tin nhắn đùa từ đồng nghiệp Thứ Năm, 22/02/2024, 13:00
- Mẹ đơn thân 2 lần bị phụ tình được chàng trai ấn nút hẹn hò Thứ Năm, 22/02/2024, 11:00