Lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 Thứ Sáu, 08/03/2024, 00:00
Ngày 8/3 hàng năm, phụ nữ trên thế giới được cả nhân loại tôn vinh. Vậy, ngày 8/3 là ngày gì, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này trong bài viết sau đây nhé.
Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Phụ nữ
Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là thời điểm cho sự bùng nổ dân số và sự phát triển của những tư tưởng tiến bộ trên toàn thế giới. Mặt khác tại thời điểm này, vai trò của người phụ nữ trong xã hội không được đánh giá đúng mức, bị phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới, điều đó đã thôi thúc phụ nữ đứng lên đấu tranh giành lại quyền lợi chính đáng của mình.
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của nữ công nhân dệt may thành phố Chicago và New York (nước Mỹ) cuối thế kỷ XIX. Cuộc đấu tranh của công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nữ công nhân Đức, Nga. Thời điểm này, nền kinh tế chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng họ bị trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào khởi đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chicago và New York. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ, sau đó phong trào lan rộng ra các nước trên thế giới. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New York đã có 3.000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Người Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Người Ba Lan). Nhận thức được sự cần thiết phải có tổ chức lãnh đạo phong trào phụ nữ để giành thắng lợi nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (Người Nga) thành lập Ban Thư ký phụ nữ quốc tế. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại thủ đô Copenhagen (Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước. Các đại biểu đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người đã đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh cho phụ nữ với khẩu hiệu:
- Ngày làm việc 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Cuộc biểu tình của đòi quyền lợi của phụ nữ trên thế giới.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện nam nữ bình đẳng, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Cũng từ đó phụ nữ năm châu tổ chức kỷ niệm với nhiều nội dung phong phú để khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Phụ nữ với quyền bình đẳng, phát triển và tiến bộ
Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới "phát triển", "Giới". Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới. Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên hiệp quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.
Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:
- Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Mexico năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.
- Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Côpenhagen (Ðan Mạch) năm 1980.
- Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được thông qua.
- Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995.
Mục đích của Hội nghị Bắc Kinh là nhằm kiểm lại việc thực hiện "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được đề ra tại hội nghị Nairobi và công ước liên hiệp quốc "Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ" (Công ước CEDAW) đồng thời thông qua "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000" với nội dung phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới, đồng thời khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm tới mục tiêu Bình đẳng - Phát triển - Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Kỷ niệm 25 năm Cương lĩnh Hành động Bắc kinh về thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và 20 năm ra đời Nghị quyết lịch sử số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh, ngày 7/12/2020, Việt Nam và Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị toàn cầu thúc đẩy hành động đối với các cam kết toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh, theo hình thức trực tuyến giữa New York và Hà Nội. Tại hội nghị đã đánh giá về thành tựu của 20 năm thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh và vạch ra năm mục tiêu để hiện thực hóa hòa bình toàn diện và bền vững trong thập kỷ tới.
Ngày 26/11/2022, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hội nghị là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và bài học rút ra về triển khai nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, từ đó đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng, thiết thực và đổi mới nhằm nâng cao vị thế, vai trò cùng sự tham gia bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.
Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước.
Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (Hà Nội).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phụ nữ Việt Nam: tiến bộ và phát triển
- Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất.
- Thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" tại Hội nghị Bắc Kinh, ngày 04/10/1997, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định số 822/TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 với 11 mục tiêu. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cam kết thực hiện vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ, như: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. (Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/03/2021), Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 – 2030 với mục tiêu chung nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế (Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 25/01/2024).
- Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới". Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.
Tại Việt Nam, để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, mọi người thường tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Ngày 8/3 cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
Ý nghĩa ngày quốc tế phụ nữ
Phụ nữ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ. Vì vậy, những người phụ nữ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới trong cuộc sống gia đình cũng như trong công việc.
(Nguồn: Freepik)
TB Tổng hợp
(Tham khảo: khoahoc.tv; nhandan.vn; thuvienphapluat.vn)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
- Sách giáo dục giới tính của Thụy Điển tại Hàn Quốc bị cấm rồi lại được dỡ bỏ Chủ Nhật, 07/07/2024, 00:00
- Nhà từ thiện tỷ phú Melinda French Gates: vượt ra ngoài cuộc hôn nhân trước đây của bà với Bill Gates Thứ Hai, 01/07/2024, 00:00
- Giáo sĩ người Mỹ gốc Hàn gợi ý văn hóa Shabbat giải quyết tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc Thứ Bẩy, 29/06/2024, 00:00
- Ngày gia đình Việt Nam 2024 Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Robot tình dục thế hệ tiếp theo được hỗ trợ bởi AI của Trung Quốc sẽ lên kệ Thứ Sáu, 21/06/2024, 00:00
- Chính phủ Tokyo đang tung ra ứng dụng hẹn hò để cải thiện tỷ lệ sinh Thứ Tư, 19/06/2024, 00:00
- Thái Lan: Hạ viện thông qua luật hôn nhân đồng giới Thứ Ba, 18/06/2024, 23:00
- Sống ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới! Chủ Nhật, 16/06/2024, 00:00
Các tin khác
- Sử dụng điện thoại quá nhiều làm giảm ham muốn tình dục Thứ Năm, 07/03/2024, 12:00
- Cuộc chiến 'kéo con ra khỏi màn hình' Thứ Năm, 29/02/2024, 10:00
- Ngày 29-2 là ngày gì mà 4 năm mới xuất hiện một lần? Thứ Năm, 29/02/2024, 00:00
- Nguồn gốc và ý nghĩa của 3 ngày Valentine trong năm Thứ Tư, 14/02/2024, 10:00
- Con yêu đồng giới, cha mẹ ứng xử ra sao? Thứ Năm, 25/01/2024, 15:00
- Cùng con chọn trường: Đồng hành chứ đừng làm thay con Thứ Năm, 25/01/2024, 11:00
- Hôn nhân đồng giới có được công nhận không? Thứ Năm, 25/01/2024, 10:00
- Vai trò của khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi Thứ Tư, 24/01/2024, 00:00
- Bumble dự đoán xu hướng hẹn hò năm 2024 Chủ Nhật, 14/01/2024, 13:00
- Những nơi có tỉ lệ phụ nữ không đi khám thai và sinh con tại nhà cao nhất nước Thứ Tư, 10/01/2024, 00:00
- Nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh Thứ Ba, 09/01/2024, 00:00
- Mất ngủ, mối nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch ở phụ nữ mãn kinh Thứ Tư, 03/01/2024, 00:00