Chậm kinh nhưng không có thai, vì sao? Thứ Tư, 28/06/2023, 00:00
Mang thai là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên hiện tượng chậm kinh nguyệt ở nữ giới. Tuy nhiên trên thực tế không khó để bắt gặp những trường hợp như: chậm kinh nhưng xét nghiệm máu không có thai, chậm kinh que thử thai 1 vạch hay thậm chí chậm kinh 4 tháng nhưng không có thai... Những nguyên nhân giải thích cho các trường hợp trên có thể kể đến rối loạn phóng noãn, buồng trứng đa nang, bệnh phụ khoa, tăng hoặc giảm cân đột ngột...
1. Rối loạn phóng noãn
Rối loạn phóng noãn là tình trạng gây ra bởi nhiều nguyên nhân kết quả dẫn đến hiện tượng noãn không được phóng ra theo chu kỳ nhất định, rụng không đều đặn từ đó gây ra rối loạn kinh nguyệt là nguyên nhân hàng đầu khiến cho nữ giới bị hiếm muộn. Đây là một chứng bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của nữ giới nếu như không được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm.
Bình thường, hàng tháng, buồng trứng người phụ nữ có một nang phát triển đến một kích thước nhất định thì xảy ra hiện tượng rụng trứng (phóng noãn). Khi buồng trứng đều đặn phóng noãn, nội tiết do buồng trứng tiết ra sẽ làm cho hiện tượng xuất huyết tử cung diễn ra theo chu kỳ kinh nguyệt. Rối loạn phóng noãn này thường dẫn đến tình trạng chậm kinh, kinh nguyệt không đều hoặc hành kinh kéo dài. Vì vậy, rối loạn phóng noãn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Rối loạn phóng noãn là bệnh lý rất thường gặp. Nguyên nhân do chu kỳ buồng trứng phức tạp đến mức một thay đổi nhỏ cũng có thể làm phá vỡ chu kỳ và cản trở quá trình phóng noãn. Trong hầu hết trường hợp chậm có con do rối loạn phóng noãn, nguyên nhân chủ yếu là mất cân bằng nội tiết tố, tức là cơ thể sản xuất nội tiết tố không đủ hoặc không đúng lúc. Việc tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn.
Rối loạn phóng noãn không có triệu chứng đặc hiệu và thường được phát hiện thông qua siêu âm noãn. Tuy nhiên, trường hợp rối loạn phóng noãn thường có một số biểu hiện rõ rệt như: rối loạn kinh nguyệt, không có kinh nguyệt trong một thời gian dài, độ nhầy tử cung có sự thay đổi bất thường, suy giảm ham muốn tình dục, béo phì, rậm lông...
Khi phát hiện thấy có những bất thường trên, chúng ta nên đi khám chuyên khoa để điều trị kịp thời. Chỉ khi xác định rõ được nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn phóng noãn mới có thể tiến hành điều trị hiệu quả nhất. Đa số các trường hợp rối loạn phóng noãn việc điều trị là phục hồi chức năng phóng noãn của buồng trứng, trong đó bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc giúp kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường, tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng vào khoảng 30%. Kích thích buồng trứng thường không làm quá nhiều lần trên một bệnh nhân nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
2. Buồng trứng đa nang
Hiện tượng chậm kinh có thể bắt nguồn do Buồng trứng đa nang. Căn bệnh này gây ra bởi sự rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, làm xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng và ngăn cản sự rụng trứng xảy ra. Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến các hormon giải phóng trứng và là tác nhân xấu đối với khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Kinh nguyệt không đều bắt nguồn từ bệnh buồng trứng đa nang nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể bị mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn sinh sản.
3. Các bệnh phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa cũng là nguyên do khiến nữ giới bị trễ kinh, chẳng hạn như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, suy buồng trứng, viêm buồng trứng,... Để có thể nhận biết được các bệnh lý nhạy cảm này thì chúng ta cần để ý quan sát, theo dõi chu kỳ kinh của mình, xem có những biểu hiện bất thường sau đây như: Máu kinh bị vón cục, có mùi khó chịu hay có màu sắc lạ hay không? Đồng thời, bạn nên theo dõi những dấu hiệu liên quan khác, ví dụ như, có bị đau bụng dưới âm ỉ hay không, dịch tiết âm đạo có màu bất thường không, hoặc vùng kín có mùi hôi hay không? Từ đó, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Giảm cân quá mức
Nếu đang trong quá trình giảm cân, rất có thể bạn sẽ bị trễ kinh hoặc thậm chí là mất kinh. Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) đạt dưới 19 có vẻ rất lý tưởng với đa số chị em phụ nữ, nhưng nếu bạn giảm cân quá đột ngột, cơ thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái “lỡ nhịp” và tình trạng chậm kinh có thể xảy ra. Bởi vì, trong một chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể nữ giới cần sản xuất đủ lượng estrogen để xây dựng nên lớp niêm mạc tử cung. Việc giảm cân quá mức và giảm bổ sung calo có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh các quá trình khác nhau trong cơ thể trong đó bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt. Điều này là nguyên nhân chính gây ra chậm kinh. Trường hợp nặng, những người giảm cân cấp tốc thậm chí sẽ không xuất hiện kinh nguyệt.
Như vậy, bạn cần phải thực hiện chế độ giảm cân một cách an toàn và khoa học. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ, tránh các biện pháp giảm cân cấp tốc hoặc các thực phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc.
5. Tăng cân đột ngột
Trái ngược với giảm cân quá mức, tăng cân quá nhanh cũng là nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Điều này khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen trong thời gian ngắn, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và trở nên không ổn định. Với trường hợp này, chúng ta sẽ cần giảm đi một vài cân để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.
6. Vận động quá sức
Một số chị em phụ nữ vì lý do nào đó, cần phải lấy lại vóc dáng một cách nhanh nhất. Thế là các chị đến phòng gym và bắt đầu luyện tập liên tục dẫn đến quá sức. Điều này không những không tốt cho cơ thể mà còn là một trong những nguyên nhân gây trễ kinh. Tập thể dục rõ ràng là rất tốt cho sức khỏe và giúp bạn có được vóc dáng thon gọn cân đối, nhưng không có nghĩa là bạn có thể lạm dụng biện pháp này. Những bệnh nhân bị mất kinh đa phần là những vận động viên chạy marathon, vũ công ba lê, người hay luyện tập thể hình và những vận động viên chuyên nghiệp khác. Tóm lại, nếu bạn đang luyện tập một cách “quá chăm chỉ” và không bổ sung đủ lượng calo cần thiết, cơ thể bạn sẽ không thể sản xuất đủ lượng hormone estrogen để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Để khắc phục, bạn cần phải vận động chậm lại một chút, ăn nhiều hơn một chút và tập luyện ít đi một chút. Điều này sẽ giúp cho cơ thể chúng ta trở lại đúng hướng.
7. Căng thẳng, stress
Vùng dưới đồi, liên quan đến quá trình tạo ra hormone estrogen trong kỳ kinh nguyệt, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hormone gây ra bởi stress, chẳng hạn như adrenaline và cortisol. Stress do gia đình, áp lực công việc hoặc bất kỳ điều gì đó khiến chúng ta căng thẳng đều là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.
Để hạn chế sự căng thẳng, phụ nữ cần phải luyện tập lối sống thanh thản, vui vẻ, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Chỉ đến khi bộ não của chúng ta nhận ra rằng sự căng thẳng đã vơi đi và kết thúc, thì các chức năng cơ thể mới dần trở lại bình thường.
8. Chậm kinh do tác dụng phụ của thuốc
Được bác sĩ kê toa một loại thuốc mới, hoặc thay đổi liều lượng của các thuốc đang sử dụng rất có thể là lý do khiến kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng. Cụ thể, tác dụng phụ của một số thuốc trong các nhóm thuốc sau đây nhiều khả năng sẽ gây chậm kinh: thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc nội tiết tố, corticosteroids và thuốc dùng trong hóa trị liệu. Bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị về tình trạng chậm kinh và các loại thuốc đang sử dụng để có thể xác định chính xác nguyên nhân.
9. Sử dụng chất kích thích
Uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến hormone sinh sản ở nữ giới, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm kinh ở một vài phụ nữ. Bởi lẽ, chất nicotine và khói thuốc lá có tác động xấu đến các cơ quan vùng chậu, làm giảm phân phối oxy đến khu vực xương chậu và ảnh hưởng đến lớp nội mạc tử cung. Không những thế, hút thuốc lâu ngày còn là nguyên do khiến các ống dẫn trứng gặp vấn đề, làm giảm chất lượng cũng như số lượng trứng và dẫn đến vô sinh. Hãy ngừng ngay việc uống rượu và hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Qua đó còn giúp cải thiện tình trạng chậm kinh và các vấn đề liên quan đến sinh sản.
10. Mãn kinh sớm
Thông thường, giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ rơi vào khoảng sau 42 tuổi. Đây là lúc cơ thể bắt đầu sản sinh ra ít estrogen hơn, làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Mãn kinh sớm là khi kinh nguyệt phụ nữ dừng ở độ tuổi trước 40. Một số thủ thuật y học như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị ở vùng bụng hoặc xương chậu có thể khiến chúng ta nhanh đến giai đoạn mãn kinh hơn.
11. Rối loạn tuyến giáp
Tuyến giáp là bộ phận giúp kiểm soát hormone, điều chỉnh sự trao đổi chất và tương tác với nhiều hệ thống khác trong cơ thể để đảm bảo mọi thứ đều diễn ra một cách cân bằng và đúng theo nhịp. Một vấn đề bất thường tại tuyến giáp như tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp, nhược giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) đều có khả năng gây ra những biến đổi trong kỳ kinh nguyệt của bạn.
12. Rối loạn nội tiết
Nội tiết cân bằng thì kinh nguyệt sẽ đều đặn. Khi có bất thường nào đó xảy ra, khiến cho cả vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng hoạt động sai lệch hệ nội tiết tố sẽ bị mất cân bằng, từ đó dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.
Theo Vinmec
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hẹn hò theo kiểu 'Teamakase' nổi lên như một trào lưu mới trong giới trẻ Hàn Quốc Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Phim tài liệu: Những đứa trẻ trong sương Thứ Bẩy, 16/11/2024, 00:00
- Lịch sử của áo ngực: Từ Corset đến Spandex Thứ Năm, 14/11/2024, 00:00
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- TRẺ EM - THỦ LĨNH CỦA SỰ THAY ĐỔI Thứ Ba, 05/11/2024, 00:00
- Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Thứ Hai, 04/11/2024, 00:00
- 8 đồ uống bảo vệ sức khỏe đầu thu Thứ Bẩy, 05/10/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Hướng dẫn chăm sóc bà mẹ sau sinh mổ Thứ Ba, 27/06/2023, 00:00
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể chữa khỏi ngay nếu phát hiện sớm Thứ Ba, 27/06/2023, 00:00
- Lưu ý khi chọn kem chống nắng cho mẹ bầu Share: Thứ Ba, 27/06/2023, 00:00
- Nôn ra nước chua khi mang thai có là bất thường? Thứ Ba, 27/06/2023, 00:00
- Bà bầu có nên gối cao đầu khi ngủ? Thứ Ba, 27/06/2023, 00:00
- 10 DẤU HIỆU BẠN CÓ NĂNG LỰC THẤU HIỂU Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:00
- HỌC CÁCH YÊU NGƯỜI HƯỚNG NỘI: 9 CÁCH GIÚP BẠN HIỂU NGƯỜI ẤY HƠN Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:00
- 5 BÍ QUYẾT CHĂM SÓC BẢN THÂN CỦA NHỮNG CÔ GÁI PHÁP Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:00
- 6 DẤU HIỆU “GREEN FLAGS” CHỨNG TỎ BẠN ĐANG TRỞ NÊN TỐT HƠN MỖI NGÀY Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:00
- BẬT MÍ 8 THÓI QUEN CỦA NGƯỜI GIỎI CHỊU ÁP LỰC Thứ Sáu, 23/06/2023, 00:00
- Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng thế nào đến tâm lý? Thứ Tư, 21/06/2023, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? Dấu hiệu người toxic trong tình yêu Thứ Tư, 21/06/2023, 00:00