Bệnh phụ khoa: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa Chủ Nhật, 26/05/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Bệnh phụ khoa là tình trạng bệnh lý rất hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân của bệnh là gì và cách phòng ngừa như thế nào? Các bạn tham khảo trong bài viết sau nhé
Bệnh phụ khoa là các bệnh của bộ phận sinh dục nữ (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng,…) ngoài thời kỳ sinh đẻ, kể cả tuyến vú.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 89% phụ nữ Việt Nam đã và đang mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa với cấp độ khác nhau nhưng có 60% ngại ngùng không đi khám phụ khoa định kỳ, 35% bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nguy hiểm. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%. Trong đó, 11% phụ nữ mắc bệnh phụ khoa tái mắc nhiều lần. Thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh cho thấy mỗi năm, Việt Nam có hơn 8,8 triệu lượt khám phụ khoa và 3,6 triệu lượt điều trị phụ khoa (41,5%).
1. Nguyên nhân gây bệnh phụ khoa là gì?
Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách: Đây là nguyên nhân chủ yếu nhất
- Vệ sinh kém, không giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ khiến cho vi khuẩn, nấm phát triển nhanh và mạnh tấn công và gây nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo.
- Hoặc do vệ sinh quá sạch sẽ, nhiều lần trong ngày, vệ sinh quá sâu bên trong (thụt rửa âm đạo), dùng dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, vi khuẩn có hại có nhiều cơ hội tấn công gây viêm nhiễm.
Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ với nhiều người trong thời gian ngắn, quan hệ với tần suất liên tục, thiếu kiến thức khi sử dụng các biện pháp phòng bảo vệ cũng khiến phụ nữ dễ bị bệnh phụ khoa và các bệnh liên quan đến đường tình dục. Các loại nấm, vi khuẩn, virut lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, Trichomonas, trùng roi, lậu cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn, các vi khuẩn kị khí, virut herpes sinh dục… xâm nhập và gây bệnh.
Mất cân bằng nội tiết tố: Trong những ngày có kinh và khi mang thai, nội tiết tố nữ tăng giảm thất thường là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn/ nấm phát triển, dễ khiến bệnh phụ khoa trở nên trầm trọng hơn.
Thực hiện các thủ thuật phụ khoa không đảm bảo: Một số thủ thuật phụ khoa (đặt dụng cụ tránh thai, nạo hút thai,…) được thực hiện tại các cơ sở y tế không đủ điều kiện với những dụng cụ không được khử khuẩn, vô trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc thậm chí là lây nhiễm chéo.
Mặc quần áo quá chật: Mặc đồ lót quá chật, sử dụng những chất liệu không thấm hút làm vi khuẩn sinh sôi và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Các nguyên nhân khác: cơ thể có hệ miễn dịch suy giảm, bị stress, thay đổi môi trường sống đột ngột, phụ nữ ở tuổi mãn kinh,…
2. Hậu quả mắc bệnh phụ khoa không được chữa trị kịp thời và đúng cách
Kể cả những người chưa từng quan hệ tình dục cũng có khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến bộ phận sinh dục. Các bệnh phụ khoa thường dễ tái phát. Các viêm nhiễm phụ khoa nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm
Đối với bản thân người phụ nữ:
- Các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh gây khó chịu, mất tự tin và tạo nên nhiều rối loạn trong cuộc sống và hạnh phúc của người phụ nữ.
- Gây hậu quả xấu đối với sức khỏe người phụ nữ, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo mạn tính; nhiễm trùng hậu sản, đau vùng tiểu khung,… Ung thư cổ tử cung thường tấn công vào phụ nữ 35 - 40 tuổi trở đi. Đây là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay.
- Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và thiên chức làm mẹ của phụ nữ như gây vô sinh, chửa ngoài tử cung, có thể gây sảy thai, đẻ non, vỡ ối non, thai chết lưu,…
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh phụ khoa, hệ lụy là sinh khó, dễ xảy thai, lưu thai (thai bị chết lưu), ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nặng nề nhất có thể dẫn tới tử vong.
Đối với thai nhi:
- Thai phụ nhiễm nấm Candida có thể gây vỡ ối sớm, đẻ non. Trẻ sinh ra có thể bị nhiễm nấm miệng, hầu họng và ngoài da do tiếp xúc với dịch âm đạo nhiễm nấm của người mẹ.
- Viêm nhiễm phụ khoa do trùng roi có thể gây đẻ non, thai nhẹ cân và ối vỡ sớm.
- Nhiễm trực khuẩn Gram âm có thể gây đẻ non, nguy cơ đẻ từ tuần thứ 34-37 cao gấp 2 lần nhóm không bị bệnh.
- Lậu cầu và Chlamydia trachomatis là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm kết mạc thể vùi ở trẻ sơ sinh trong tháng đầu sau đẻ và khoảng 10-20% trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm Chlamydia trachomatis bị viêm phổi trong khoảng 1 tháng tuổi.
- Liên cầu Beta tan huyết gây đẻ non và vỡ ối sớm. Ngoài ra, còn gây cho trẻ sơ sinh bị viêm da, viêm phổi, viêm não,…
- Xoắn khuẩn giang mai gây sảy thai muộn, đẻ non, thai chết lưu.