Tớ học kiến thức ''tế nhị'' từ đâu? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Học ở đâu bây giờ?
Tớ có biệt danh là cô bé hạt mít, đó là biệt danh bọn bạn đặt cho tớ vì cơ thể tớ hơi bị… tròn vo. Tính tình tớ vui vẻ, hiền hoà nên được nhiều bạn bè yêu quý.
Kinh nguyệt cho thấy mình đã lớn? Có kinh nguyệt sao bị lại chảy máu như là bị thương vậy? Suốt mấy ngày sau, những câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu tớ. Tớ quyết định đi hỏi mẹ. Mẹ đang nấu ăn, nghe tớ hỏi, mẹ quay ngoắt lại, hơi cau mày: "Ai bảo cho con chuyện đó?", "Nhỏ bạn con nói vậy", tớ hồn nhiên đáp. "Còn nhỏ quan tâm mấy cái đó làm gì, mai này rồi sẽ biết". Mấy câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp, nhưng mẹ đã nói thế thì tớ đành chờ vậy.
Lớp 9, tớ cũng hoảng hồn khi thấy mình giống y chang đứa bạn, cũng bị chảy máu giống như nó. Lần đầu tiên thấy thế, tớ rất lo sợ. Mẹ tớ nghĩ giờ đã đến lúc phải giải thích cho tớ hiểu, nên đã dành hẳn một ngày ngồi nói với tớ về kinh nguyệt, hướng dẫn tớ cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cách thay băng vệ sinh. Mẹ còn dặn tớ tránh vận động mạnh khi có kinh nguyệt. Giờ thì hai câu hỏi lớn của tớ cũng được giải đáp phần nào, nhưng tớ chỉ biết rằng khi hành kinh nghĩa là tớ sẽ có khả năng có em bé khi lấy chồng, và ai cũng phải hành kinh, đó là lẽ tự nhiên, theo như lời mẹ tớ nói.
Cho đến khi lên cấp ba, đã có nhiều bạn trai trong và ngoài lớp để ý tới tớ. Một hôm, mẹ gọi tớ lại và bảo: "Con không được yêu đương gì cả, không được chơi với bọn con trai, con gái lớn rồi phải giữ gìn. Nhỡ ra mà mang bầu thì chết". Nhưng tại sao lại như vậy, tại sao chơi với các bạn trai lại mang bầu? Như thế nào thì bạn gái sẽ mang bầu? Tớ không hiểu. "Con chỉ cần biết thế, sau này rồi sẽ biết hết, nhớ là không được chơi với bọn con trai"...
Ngày nọ, tớ nghe bố mẹ nói chuyện với nhau trong phòng. "Mình cần phải giảng dạy kĩ càng cho nó, nếu cần thì mua sách báo cho nó đọc, con gái lớn rồi cũng phải hiểu rõ chứ!", bố đang nói chuyện với mẹ về những câu hỏi mà tớ thường đặt ra cho mẹ. "Không thể như vậy được, vẽ đường cho nó làm gì, tới đâu tôi khắc bày dạy tới đó. Ông đừng như thế mà sinh ra hỏng việc", mẹ không đồng ý với ý kiến của bố tớ. Tớ tiếp tục ôm những câu hỏi to đùng mà không có lời giải đáp.
Nhưng không chỉ có tớ, đứa bạn tớ cũng chịu tình cảnh tương tự. Mỗi lần bàn thảo về chuyện này là y như rằng hai đứa lại vò đầu bứt tai không hiểu như thế nào mà bạn nam, bạn nữ chơi với nhau là có thể sinh con? Hay em bé được hình thành như thế nào?
Sau nhiều lần trăn trở, tớ và nhỏ bạn quyết định sẽ cùng nhau tìm tòi để trả lời cho những câu hỏi của mình. Nhà nhỏ bạn mới nối mạng, vì vậy, mỗi lần sang học, bọn tớ đều dành thời gian khoảng một tiếng đồng hồ lên mạng để tìm hiểu thông tin. Từ việc tìm hiểu về kinh nguyệt, về vấn đề một đứa trẻ sẽ hình thành như thế nào khi bạn nam và bạn nữ gần gũi. Bọn tớ còn tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin khác về các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục.
Một lần, một bạn nữ lớp tớ tâm sự với tớ là thời gian gần đây bạn ấy thường xuyên bị ngứa ở vùng "tam giác mật", khí hư của bạn còn có mùi cực kì khó chịu và có màu nâu. Bạn ấy không nói cho ai biết, nghĩ rằng đó là vấn đề bình thường và không đáng quan tâm. Tuy nhiên, khi nghe tớ nói: có thể đó là dấu hiệu của viêm nhiễm cơ quan sinh dục, vì tớ đã đọc thông tin này ở trên mạng, bạn ấy bắt đầu lo lắng và đã yêu cầu mẹ đưa đi khám. Kết quả là bạn ấy bị nhiễm nấm âm đạo. Nhờ được khám và điều trị, bạn đã sớm khỏi bệnh và cảm ơn tớ rối rít.
Từ đó, các bạn nữ trong lớp thường hay hỏi nhiều thông tin có liên quan đến các vấn đề tế nhị từ tớ và nhỏ bạn. Bọn tớ đã chia sẻ với các bạn những trang web hay để các bạn đọc và tìm hiểu. Lúc đầu, nhiều bạn có quan niệm rằng tới đâu hay tới đó, việc gì phải tìm hiểu khi mà sau này lấy chồng mình cũng sẽ biết rõ. Tuy nhiên, sau khi thấy một số các bạn nữ khác tìm hiểu và cùng tham gia bàn luận, các bạn ấy cũng tò mò thử vào xem. Dần dần, như đã thành phong trào, các vấn đề tế nhị thường được chúng tớ đem ra bàn luận một cách thoải mái, sôi nổi, qua đó học hỏi kiến thức lẫn nhau.
Khi không nhận được lời giải đáp đầy đủ, cần thiết của những người thân trong gia đình hoặc dù có nhận được ít nhiều thông tin từ họ, tớ nghĩ việc chủ động tìm hiểu các kiến thức liên quan đến vấn đề sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục là một việc làm cần thiết. Qua cách tìm hiểu thông tin, kiến thức của tớ và nhỏ bạn, tớ cảm thấy rất vui và tự hào vì chúng tớ đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích.
Có lẽ đã có nhiều bạn đi tiên phong trước bọn tớ trong việc tìm hiểu các vấn đề này thông qua mạng, thông qua nhóm bạn bè. Tuy nhiên, đối với những bạn còn ngại ngần chưa chủ động tìm hiểu, hãy tự tin và mạnh dạn hơn bởi việc tìm hiểu các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục là để giúp chúng ta biết cách tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh, các bạn ạ!
Bình Minh (Nghệ An)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00