Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Thụy Sĩ thực hiện, đăng tải trên tạp chí Nature, hôm 22/6. Trước đó, giới chuyên gia ít chú ý đến hoạt động của tế bào ung thư theo thời gian ngày và đêm. Họ mặc định rằng các khối u giải phóng tế bào di căn liên tục.
Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy chúng hoạt động theo nhịp sinh học, được hormone ban đêm như melatonin kiểm soát và hỗ trợ lây lan. Các tế bào rời khỏi khối u vào ban đêm cũng phân chia nhanh hơn, do đó có khả năng lây lan cao hơn so với các tế bào làm việc ban ngày.
Các chuyên gia đã nghiên cứu hoạt động khối u của 30 bệnh nhân ung thư vú. Họ nhận ra rằng các khối u tạo ra nhiều tế bào tuần hoàn hơn trong giờ ngủ. Phát hiện này giúp lý giải tại sao tế bào khối u tuần hoàn ở chuột làm việc nhiều hơn vào ban ngày, bởi đây là loại động vật sống về đêm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện mới có thể góp phần cải thiện phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư trong tương lai.
"Một số đồng nghiệp của tôi làm việc vào sớm và tối muộn. Họ phân tích kết quả xét nghiệm máu vào những khung giờ không cố định và phát hiện rằng khi bệnh nhân đang ngủ, khối u thức giấc. Theo quan điểm của chúng tôi, nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng trong việc ghi chép lại thời gian làm sinh thiết", Nicola Aceto, phó giáo sư về ung thư học phân tử tại ETH Zurich, người đứng đầu công trình, cho biết.
Giai đoạn tiếp theo, nhóm chuyên gia hy vọng có thể áp dụng nghiên cứu mới vào điều trị ung thư để tối ưu hóa các liệu pháp. Giáo sư Aceto muốn điều tra xem các loại ung thư khác nhau có hoạt động giống nhau hay không, xác định liệu pháp có thể thành công hơn nếu bệnh nhân điều trị vào những thời điểm khác nhau.
Theo Thục Linh, báo VnExpress.