Giấc mơ mang oán hận
Có một người đàn ông thường xuyên bị đánh thức vào buổi đêm bởi một giấc mơ kỳ lạ, cứ lặp đi lặp lại. Anh ta thấy mình bơi trong một cái hồ, bơi giỏi như một vận động viên. Tuy nhiên, cái hồ rất rộng mà chân tay anh ta thì mỏi, anh ta khó lòng bơi tới được bờ.
Bỗng nhiên, cha anh bơi thuyền đến gần, đưa tay ra, bảo anh ta bám lấy. Anh ta nhớ lại hồi nhỏ thường bị cha mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nên mỉm cười khinh khỉnh và nói: “Cảm ơn bố, cứ kệ con!”.
Anh ta bơi tiếp, cố hết sức hướng về phía bờ. Rồi anh ta nhìn thấy một người khác bơi thuyền lại gần. Ðó là cô em gái. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh và bảo: “Anh dùng phao đi!”. Nhưng nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn hào ương bướng cãi lời mình, anh ta lắc đầu và xua tay.
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng anh ta cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát, sự mệt mỏi làm đầu óc trở nên mơ hồ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám đông tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Ðó là gia đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì muốn đốt lửa, người thì muốn lấy bộ quần áo khô và khăn cho anh lau…
Nhưng cứ khi mọi người định làm gì, anh ta lại nhớ đến những khi bị đối xử không tốt. “Không, cảm ơn”, anh ta lại nói: “Cứ kệ tôi”. Anh gượng mình đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi đi xa khỏi đám đông.
Sau khi liên tục nằm mơ thấy giấc mơ đó trong vòng vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà, người duy nhất chưa bao giờ làm gì không tốt với anh, và người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ làm gì xấu với anh cả.
Bà anh nói: “Bà không phải là người biết ý nghĩa của những giấc mơ, nhưng bà nghĩ cháu đang giữ trong đầu quá nhiều bực bội và hằn học”.
“Bực bội ư? Hằn học ư? Không thể thế được!” – Anh ta kêu lên – “Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!”
Bà của anh ngồi yên và bình tĩnh đáp :
“Những chuyện xảy ra trong giấc mơ chính là phản ánh suy nghĩ trong tâm trí cháu. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ tốt cho cháu tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần khác thì sao?
Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi. Vì khi chúng ta không tha thứ, có phải là chúng ta đã xây dựng trong tâm trí mình những bực bội và tức giận ngày càng lớn đó không?”
Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn.
Bao khoai tây “oán hận”
Trong một tiết dạy, thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang theo một túi ni lông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp.
Sau đó, thầy bảo rằng hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi ni lông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên rất nặng.
Tiếp theo, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.
Thời gian trôi qua, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa. Đây thật là một ẩn dụ sinh động về cái giá mà chúng ta phải trả cho việc khư khư ôm lấy giận hờn trong lòng.
Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.
Nguồn: Phunuvagiadinh