“Vào khoảnh khắc nhận ra ba điều này, tôi đã hiểu ra mình phải sống như thế nào thì mới có thể trở nên hạnh phúc” – đại đức Hae Min.
1. Mọi người trên thế gian này không quan tâm đến ta nhiều như ta tưởng đâu!
Đó là một sự thật!
Chúng ta thường mắc một sai lầm chung, đó là sống dựa vào đánh giá của người khác. Nhưng có một nghịch lý là đối với họ, ta lại không quan trọng – như ta nghĩ.
Có thể đôi lời khen chê của họ làm ta bận tâm suốt một tuần, thậm chí ám ảnh đến vài tháng, nhiều năm. Ấy vậy mà khoảnh khắc quan trọng ấy của ta, trong mắt mọi người, chỉ là thoáng qua chốc lát. Rồi họ lại quay về với cuộc sống riêng, với vô số mối quan tâm riêng.
Lấy ví dụ về scandal của những người nổi tiếng chẳng hạn. Chuyện thường thấy là khi xảy ra scandal, với sao càng “hot”, càng có nhiều người bình phẩm. Thử nghĩ xem giả sử bạn là một người tham gia bình phẩm, thì chuyện về ngôi sao đó chiếm bao lâu thời gian trong tâm trí của chính bạn?
Nó có quan trọng với bạn không, hay chỉ là nói xong rồi quên và quan tâm đến vô số thứ thật sự làm bạn bận tâm trong cuộc sống của mình?
Với người nổi tiếng đã vậy, thì với chính chúng ta liệu vấn đề, câu chuyện của ta có đủ “đặc sắc”, “hấp dẫn” để lưu lại trong tâm trí người khác?
Đến đây chắc chúng ta đã có câu trả lời!
Ngày hôm nay bạn mặc một bộ đồ rất hợp với gu của số đông, nhiều người khen bạn. Nếu bạn vui vì được khen, thế thì khi bị chê vì mặc xấu bạn có buồn?
Đừng như vậy!
Bạn không cần một niềm vui mong manh quá dễ tan biến đến thế trong cuộc đời – thứ niềm vui phụ thuộc vào người khác. Hãy đi tìm một nguồn vui lâu bền hơn, ít bị phụ thuộc vào bên ngoài hơn. Đó là niềm vui thực chất, từ bên trong tâm của chính bạn.
“Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày, ta chỉ lo lắng cho người khác và chỉ trích người khác được một lát
Rồi lại quay về với bản thân mình
Như vậy trong suốt ngần ấy thời gian của cuộc đời
Liệu có cần phải lo đến hình ảnh của mình trong mắt người khác hay không?”
Đại đức Hae Min đã viết như vậy trong cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” (đã được dịch sang tiếng Việt).
2. Không cần phải khiến cho tất cả mọi người trên thế gian yêu quý mình
Ngay cả Phật, Chúa còn không làm được điều này – khiến cho cả thế gian yêu quý, thì bạn đừng giữ ảo vọng đó nữa!
Tất nhiên cảm giác khi biết ai đó ghét mình thật không dễ chịu gì. Nhất là những người mình muốn được họ yêu quý. Nhưng sự thực là họ không hề yêu quý bạn, vậy là bạn sẽ buồn khổ, thậm chí là mang một nỗi đau?
Nhưng chính bạn cũng không thể yêu thích hết tất thảy mọi người cơ mà! Làm sao có thể yêu cầu một điều ngược lại?
“Đó là tham vọng vượt quá giới hạn. Nếu ai đó ghét bạn, hãy nghĩ rằng đó là chuyện thường tình của thế gian. Và cho qua như không có gì cả” – Đại đức Hae Min.
Vì việc tất cả mọi người đều yêu quý bạn là một điều không thể, nên hãy bớt dành năng lượng để khiến người ghét mình trở nên yêu mình, mà hãy mặc kệ rồi tiếp tục cuộc sống riêng của bạn. Xét cho cùng thì việc ai đó ghét bạn là vấn đề ở bản thân họ, chứ không phải do bạn.
3. Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn
Để mang đến hạnh phúc cho người khác, trước tiên bạn phải có hạnh phúc cho riêng mình. Như một cốc nước đầy, chỉ người có sẵn hạnh phúc mới có thể san sẻ hạnh phúc cho thế gian.
Xét cho cùng mọi điều chúng ta làm phận lớn ở sâu thẳm bên trong đều là vì chính mình, ngay cả những việc có vẻ như làm vì người khác: nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình,v.v… suy cho cùng cũng là để ta có một chỗ dựa, để ta cảm thấy an tâm.
Và bởi vì mọi việc chúng ta làm thực chất đều vì chính mình được hạnh phúc, nên hãy cứ làm mọi điều mình thực sự muốn làm, chỉ cần điều đó không gây hại cho ai.
“Vì bản thân ta phải hạnh phúc trước thì mới thấy thế gian này hạnh phúc
Và phải như thế ta mới có thể làm cho thế gian hạnh phúc hơn nữa
Tất cả chúng ta với cuộc sống này
Đừng chọn cho mình một cách sống quá khó khăn”
(Trích từ: Bước chậm lại giữa thế gian vội vã – Đại đức Hae Min)
Nguồn: Giadinhtiepthi