Tại sao có hiện tượng mang thai giả? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Gần đây rộ lên hiện tượng có những phụ nữ mang thai đến gần 20 tháng, có đầy đủ các triệu chứng như một người có thai nhưng không đẻ. Đến bệnh viện khám và siêu âm thì chẳng thấy thai đâu. Về mặt khoa học, thực hư việc này được giải thích như thế nào?
Trước hết phải hiểu sinh lý của của sự thụ thai
Theo quy luật của tự nhiên và giải thích một cách khoa học, muốn việc có thai thì điều kiện tiên quyết bắt buộc là phải có một giao tử đực (là tinh trùng), kết hợp với một giao tử cái (là noãn mà ta hay gọi là trứng). Khi tinh trùng và noãn kết hợp với nhau thì hiện tượng này gọi là thụ tinh. Từ 2 tế bào là tinh trùng và noãn tạo thành một hợp bào gọi là trứng. Trứng phát triển thành phôi rồi thành thai nhi và các phần phụ của thai là bánh rau, dây rốn và nước ối, đồng thời thai nhi cũng hình thành các cơ quan của cơ thể.
Bánh rau chế tiết một chất là Chorio Gonadotrophin Hormon (viết tắt là HCG). Chất này được đưa vào máu mẹ rồi qua thận bài tiết ra nước tiểu, vì vậy người ta thường xét nghiệm máu và nước tiểu. Khi xét nghiệm có mặt chất này thì khẳng định là có thai. Mặt khác, nếu thai ở trong buồng tử cung, khi siêu âm thì có hình ảnh thai trong tử cung. Tùy theo tuổi thai mà có hình ảnh thai to hay bé và các bộ phận của thai nhi nhưng dứt khoát trên siêu âm thì hình ảnh thai nhi rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn được.
Tại sao có hiện tượng nghén?
Do tinh trùng là một “vật thể” lạ đối với người mẹ, vì vậy trứng (hay phôi hoặc thai nhi) là một vật nửa lạ (tinh trùng của bố) và nửa quen (noãn của người mẹ) được “cấy ghép” vào tử cung của người mẹ. Do phản ứng của cơ thể để đào thải đơn vị cấy ghép là rau thai, cho nên người phụ nữ có những phản ứng như nôn ọe, thích ăn của chua, chóng mặt, hoa mắt... những triệu chứng mà phần lớn là do rối loạn thần kinh thực vật này gọi là nghén. Tùy mức độ phản ứng nhiều hay ít mà người phụ nữ có các triệu chứng nghén nặng hay nhẹ.
Dấu hiệu hoạt động của thai
Khi tuổi thai càng lớn nghĩa là thai càng phát triển thì tử cung cũng to ra làm cho bụng người phụ nữ to và có thể nhìn thấy được. Đồng thời để giữ trọng lượng, tư thế của người phụ nữ cũng thay đổi dáng đứng. Hai vú phát triển to lên do tăng trưởng các nang sữa, đồng thời thay đổi nội tiết sinh dục làm cho quầng vú thâm, núm vú to và dài ra, có thể tiết một ít sữa non.
Đặc biệt từ tháng thứ 5, thai nhi đã hoạt động (cựa mình) trong buồng tử cung và theo tuổi thai càng đủ tháng thì những cử động của thai càng mạnh và rõ ràng, người phụ nữ không thể nhầm lẫn được. Nếu thai nhi không cử động nữa thì thai đã chết.
Với một người phụ nữ có kinh nguyệt bình thường là 30 ngày và đều đặn thì thời gian mang thai trung bình là 280 ngày, nghĩa là 40 tuần. Nếu như quá 41 tuần mà chưa sinh thì gọi là thai quá ngày sinh hoặc là thai già tháng. Thông thường, nếu quá 42 tuần mà chưa sinh thì thai thường chết trong tử cung hoặc em bé cũng rất ốm yếu, có thể sẽ chết hoặc chết trong tuần đầu sau khi ra đời. Đôi khi có những trường hợp, thời kỳ mang thai dài hơn 40 tuần tính từ ngày hành kinh cuối cùng là do vòng kinh của người phụ nữ quá dài, 45-60 này mới hành kinh, vì vậy dân gian gọi là “chửa trâu”.
Hiện tượng có thai giả
Có thai giả là trường hợp những người phụ nữ không có thai nhưng cũng có những triệu chứng cơ năng giống hệt như người có thai, nghĩa là cũng mất kinh, có nghén, nôn ọe, thèm của chua, rồi có cảm giác bụng và ngực to lên. Tuy nhiên khoảng trên 13 tuần thì khám rõ ràng là không có các triệu chứng thực thể của có thai và siêu âm cũng không thấy những hình ảnh của thai.
Những triệu chứng nghén là do người phụ nữ khát khao, quá mong con hoặc là quá sợ có con đều có cảm giác rối loạn thần kinh thực vật như có thai. Ngực có thể to lên một chút và đôi khi có chút sữa non, có thể là do rối loạn nội tiết mức độ nhẹ mà có những triệu chứng này, còn dấu hiệu cử động thai là do họ tưởng tượng ra mà thôi.
Trong thực tế có rất nhiều phụ nữ khao khát có con do bản thân hoặc do áp lực xã hội, đặc biệt là do nhà chồng hoặc là do có ý đồ sâu xa nào đó mà cũng bảo là có thai để ép buộc nhau. Ví dụ như cách đây vài tháng, có trường hợp bảo đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương đẻ nhưng bị mất con, gia đình kiện bệnh viện, thực chất là do áp lực nhà chồng, chị ta giả vờ có thai... Cuối cùng, người phụ nữ này phải thú nhận thực tế và gia đình đã rút đơn khiếu kiện.
Nhìn nhận về những trường hợp có thai giả
Phải khẳng định một cách khoa học việc họ không có thai là một thực tế. Có thể họ bị vô sinh rồi vì lý do nào đó hoặc là vô thức hoặc là có ý thức mà họ tưởng tượng hoặc là cố tình giả vờ để có những triệu chứng như có thai thực sự.
Bụng to có thể là do béo lên vì khi người phụ nữ bảo có thai, chồng và gia đình ưu tiên dồn ép cho ăn uống nhiều, không phải làm việc nên tăng cân là điều dĩ nhiên, hoặc là họ bị bệnh như u nang buồng trứng to cũng làm cho bụng to lên hoặc là các bệnh gan, thận hoặc bệnh khác gây tràn dịch trong ổ bụng gọi là “cổ trướng” hoặc là “báng nước”, nhưng khi xét nghiệm HCG (trong 3 tháng đầu) kết quả sẽ âm tính và khi siêu âm thì không thấy hình ảnh thai nhi.
Khám thai rất cần thiết
Cần phải tìm hiểu vì sao người phụ nữ lại không đi khám thai, vì hiện nay tuyệt đại đa số khi có thai, bản thân người phụ nữ đều đi khám thai hoặc là được nhân viên y tế chăm sóc và vận động đi khám thai, như vậy không khám thai nghĩa là bản thân người phụ nữ đó có vần đề, có thể họ cố tình giấu gia đình chẳng hạn hoặc buộc phải theo một yêu cầu nào đó (chẳng hạn như trường hợp mang thai giả ở TPHCM). Hai là bản thân nhân viên y tế ở trạm y tế xã hoặc là y tế thôn bản chưa làm tốt công tác của mình trong vấn đề phát hiện và quản lý thai nghén.
Một bác sĩ đa khoa, đặc biệt là chuyên ngành sản phụ khoa không thể không phát hiện được một trường hợp có thai khi đủ tháng. Vì vậy trong quản lý thai nghén, chị em cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm những bất thường của thai phụ và thai, can thiệp sớm tránh những tai biến đáng tiếc.
PGS.TS. Vương Tiến Hòa (Đại học Y Hà Nội)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00