Sa tử cung – đôi điều tâm sự Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Sa tử cung có gây đau bụng không?
tamsubantre.org - “Thời gian gần đây, tôi phát hiện ở vùng kín của mình có một cục thịt lạ lòi ra. Tôi đi khám thì được chẩn đoán là sa tử cung nhưng không rõ nó là như thế nào. Liệu nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này của tôi không nhỉ?”. Trước những băn khoăn tương tự này ở nhiều chị em phụ nữ, bạn sa tử cung đã chính thức “lên tiếng” về mình.
Chào các bạn, các bạn đã bao giờ nghe đến tên tớ chưa? Mọi người vẫn hay gọi tớ là sa tử cung, gọi thân mật là sa dạ con. Thực ra tên lúc đầu của tớ là tử cung, chỉ khi nào tớ không ở nguyên vị trí của tớ nữa mà la cà sang nhà chị âm đạo chơi thì mới có tên là sa tử cung thôi. Ai chơi với tớ sẽ thấy tớ thuộc đứa khá lành tính, ít gây đau đớn, chỉ hơi... khó chịu một chút thôi.
Giới thiệu qua vậy để mọi người hiểu về tớ. Các chuyến la cà của tớ thì không biết đến chỗ nào mà dừng. Hồi đầu, tớ chỉ nhón phần đầu của mình vào nhà chị âm đạo thôi, nếu không gặp cản trở gì, tớ dần đưa cả thân mình sang nhà chị ấy. Nhà chị ấy lại cứ thông thống một đường thẳng, dễ đi, có lần tớ chạy một mạch qua hẳn nhà chị ấy sang một thế giới khác lạ hoắc, khô khan. Tớ nghiệm thấy, tớ càng cao hứng thì số chị em phụ nữ đi tìm bác sĩ càng nhiều. Có một lần, tớ nghe được vị bác sĩ giảng giải với bệnh nhân về tớ là: “Sa tử cung có 3 mức độ từ nặng đến nhẹ. Ở mức độ nhẹ, chị sẽ chỉ có cảm giác vướng, nặng ở phần bụng dưới và âm đạo. Thực tế, một phần tử cung đã nằm trong âm đạo rồi. Nặng hơn chút nữa, chị sẽ thấy một cục thịt lồi ra ngoài âm đạo. Cái chị nhìn thấy là cổ tử cung, còn thân tử cung thì đang nằm trong âm đạo. Nặng nhất là chị sẽ thấy toàn bộ thân tử cung lồi hẳn ra ngoài âm đạo, thậm chí kéo theo cả bàng quang, trực tràng... Ở mức độ này thường phải phẫu thuật để can thiệp phục hồi, chứ nó không có khả năng tự phục hồi lại vị trí bình thường như hai mức kia nữa”. Sau lần đó tớ mới hiểu tại sao tớ càng chu du đi xa khỏi địa phận truyền thống của tớ là chị em lại đi khám nhiều. Đi xa khỏi “địa phận” của mình, tớ mới thấy không dễ chịu chút nào. Cổ tớ (cổ tử cung) bị biến dạng, lở loét và cản trở cả đường đi của anh tiết niệu. Muốn quay trở về cũng không còn được nữa rồi.
Tớ được sinh ra như thế nào?
Tớ khi sinh ra vốn lành lặn, ngoan ngoãn với vị trí đã định sẵn. Nhưng tính tớ lại hay tò mò, không chịu ngồi yên một chỗ, thấy anh dây chằng ngăn cách giữa nhà tớ và nhà chị âm đạo lơ là mở rộng ra hoặc anh ấy bị bệnh xơ hoá, bị u bướu, hoặc bị viêm là tớ tận dụng ngay cơ hội để nhảy sang nhà chị âm đạo. Đi đoạn ngăn ngắn trong âm đạo như thế này tớ vẫn tự quay về đúng vị trí được, nếu như “ngôi nhà lớn” mà tớ đang sống được nằm nghỉ ngơi, không làm việc mệt nhọc nữa.
Không phải đứa nào cũng lành lặn được như tớ. Tớ có mấy đứa bạn bị tật. Chúng bị một số loại vi khuẩn, vi rút tấn công nên bị bệnh, bị viêm; có đứa thì bị bất thường ngay khi sinh ra như dài quá hoặc bị gấp khúc nhiều lần so với lũ bình thường như bọn tớ. Nó làm cho anh dây chằng bị lây viêm hoặc anh dây chằng không giữ được trọng lượng của nó, nên cũng dễ sang nhà chị âm đạo và được gọi giống như tớ.
Theo thống kê sơ sơ của tớ thì họ hàng nhà tớ thường dễ chu du sang nhà hàng xóm nhất là khi vừa hoàn thành sứ mệnh bảo vệ em bé xong. Vì lúc này, bọn tớ vừa to vừa nặng, anh dây chằng lại đang yếu, không đủ sức để ngăn cản bọn tớ. Nhưng cũng chỉ dễ ở những người lao động sớm sau sinh thôi, còn những người nghỉ ngơi đầy đủ thì bọn tớ không có cơ hội đó đâu vì anh dây chằng được tạo điều kiện để khoẻ lên từng ngày mà.
Tớ có nguy hiểm không?
Thực tế tớ không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến mong muốn làm mẹ của chị em đấy. Vì tớ đã chiếm dụng mất chị âm đạo, anh dương vật khó mà tranh chấp được với tớ. Đã thế, nếu cậu tinh trùng có khôn ngoan chui được vào nhà chị âm đạo thì tớ cũng có ở vị trí bình thường đâu mà gặp được nàng trứng rồi làm tổ ở nhà tớ chứ. Vậy nên, tốt nhất là đừng để họ hàng nhà tớ đi chu du lung tung ra khỏi khu vực quy định của mình. Nếu đã lỡ để rồi thì phải gặp bác sĩ thôi. Mặc dù tiết lộ thông tin này sẽ “thiệt” cho họ hàng nhà tớ nhiều lắm nhưng tớ đã nghe lỏm được bác sĩ bảo cách “khống chế” nhà tớ như thế này: “Đối với sa tử cung, điều trị sớm thì khả năng phục hồi lại càng cao. Ở mức độ nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi là dạ con sẽ co lên. Một số bài tập thể dục vùng xương chậu có tác dụng làm săn chắc dây chằng, giữ dạ con tốt hơn. Nếu ở mức độ nặng thì phải thông qua phẫu thuật để tái tạo lại âm đạo hoặc đeo vòng đẩy dạ con lên không cho tụt xuống. Cũng có trường hợp buộc phải cắt dạ con.”
…
Sau bao năm chu du, tớ vẫn thích gọi tên tử cung ban đầu của tớ hơn là tên sa tử cung. Tớ chỉ mong bạn gái chúng mình biết giữ gìn sức khoẻ và đến tìm bác sĩ ngay khi thấy tớ mới rục rịch ngó đầu sang nhà chị âm đạo chứ đừng để khi tớ đi quá xa rồi mới đi khám. Lúc đó không những các chị ấy khó chịu mà đến tớ cũng lo cho sự an toàn của chính mình.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00