Quý ông sợ thành ''thái giám'' vì triệt sản Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc tư vấn cho một quý ông đang do dự trước việc cùng vợ lựa chọn cách tránh thai. Ảnh: VĐ.
Sau khi nghe lời vợ đi thắt ống dẫn tinh, anh Bình lúc nào cũng ám ảnh mình không còn là đàn ông nữa và chẳng thể "làm ăn" gì được. Anh gầy rộc vì mất ăn mất ngủ, sợ quan hệ với vợ và nằng nặc đòi nối lại.
Mặc dù thắt ống dẫn tinh được khẳng định là phương pháp tránh thai an toàn, hiệu quả và không ảnh hưởng tới khả năng tình dục của nam giới, nhưng vẫn rất ít quý ông lựa chọn cách này, thậm chí, thường có những hiểu sai về nó.
Theo các bác sĩ, đa số nam giới đi thắt ống dẫn tinh là do "chẳng đặng đừng" hoặc bị vợ thúc giục.
Người đàn ông 38 tuổi này kể, vợ anh rất "mắn" nên sản xuất liên tiếp, có khi đứa lớn chưa kịp biết đi thì đã bầu đứa nhỏ. Hai vợ chồng đều làm ruộng, việc lo cho 6 miệng ăn quá vất vả khiến anh thấy hoảng sợ khi nghĩ cảnh vợ đẻ thêm.
"Nhà tớ đặt vòng không hợp, người cứ xanh mướt, uể oải nên lại tháo ra, uống thuốc thì hay quên, tớ lại không thể chơi được món bao cao su... thế nên bọn trẻ cứ tằng tằng ra đời. Sau khi vợ sinh lần thứ 6, tớ quá sợ có con tiếp nên chẳng dám đụng tới vợ, nhưng cũng chẳng thể nhịn mãi. Được mấy bà chị gái động viên, tớ mới tới đây", anh Trung kể.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thắt ống dẫn tinh là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn, có hiệu quả gần như 100% cho nam giới. Đây là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, lại không hề có tác dụng phụ gì, nhưng được rất ít đấng mày râu lựa chọn.
Nguyên nhân của việc này, theo bác sĩ, là do nhận thức chưa đúng của không ít người và tư tưởng bất bình đẳng giới. "Đa số đàn ông Việt Nam vẫn coi tránh thai là trách nhiệm của phụ nữ. Nhiều người vợ không hợp dùng thuốc hay các biện pháp kế hoạch khác, nhưng chồng cũng nhất định không sử dụng bao cao su hay đình sản, và nếu có thai ngoài ý muốn thì... kệ vợ xử lý", bác sĩ bày tỏ.
Ông cho biết, không ít nam giới còn hiểu sai, cho rằng thắt ống dẫn tinh khiến họ mất, giảm khả năng tình dục, hoặc "ngơ ngẩn như gà trống thiến". Trong khi thực tế, việc này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe và đời sống chăn gối.
Bác sĩ Bắc giải thích, thực chất, việc thắt ống dẫn tinh chỉ đơn giản là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Khi sinh hoạt vợ chồng, tinh dịch vẫn xuất bình thường nhưng không có tinh trùng nên người vợ không thể thụ thai được. Số tinh trùng không di chuyển, đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh, sau đó tự tiêu đi.
Thủ thuật này không ảnh hưởng tới sự tiết hoóc môn giới tính testosterone nên không hề làm thay đổi giọng nói, cơ bắp hay râu ria của nam giới cũng như "sức mạnh phòng the" của họ. Tuy nhiên, một số người, vì lo lắng thái quá, nên sau khi thắt ống dẫn tinh lại có thể mắc rối loạn tâm lý, ám ảnh việc mình mất khả năng đàn ông.
Trường hợp anh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) là một điển hình. Sau khi vợ sinh mổ hai lần, anh được chị thuyết phục đi triệt sản để khỏi lo lắng về nguy cơ vỡ kế hoạch. Dù e ngại, nhưng cuối cùng, anh cũng đồng ý.
Thế nhưng, sau khi thắt ống dẫn tinh, ông chồng 45 tuổi này lo lắng tới mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng ám ảnh là mình không còn là đàn ông nữa và chẳng thể "làm ăn" gì được. Và điều này đã ảnh hưởng tới đời sống chăn gối, khiến khi anh bị rối loạn cương dương. Chỉ tới khi được bác sĩ nối lại ống dẫn dẫn tinh, anh mới dần dần thoát khỏi những bất ổn về tâm lý và quay lại nhịp sống vợ chồng như trước.
Một trường hợp khác, một cụ ông 70 tuổi, nhất định tới nhờ bác sĩ nối lại ống dẫn tinh sau 20 thắt, vì cho rằng nếu không làm việc này thì nếu lỡ nhắm mắt, sang thế giới bên kia mình sẽ không được toàn vẹn.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc cho biết, thắt ống dẫn tinh được nam giới châu Âu sử dụng khá phổ biến, và đây được coi là một cách để chia sẻ gánh nặng tránh thai với bạn đời. "Bất cứ ai, khi đã có đủ con, không muốn sinh thêm thì đều có thể thực hiện phương pháp này", ông nói.
Tuy nhiên, vì thắt đơn giản, nhưng khả năng nối để có thể tiếp tục sinh sản là rất khó, nên trước khi quyết định việc này, nam giới cần cân nhắc đến yếu tố có muốn sinh thêm hay không. Thời gian thắt càng lâu thì khả năng nối thành công càng giảm. Bác sĩ cho biết, một số trường hợp nối lại thường là vì con chết, tái hôn... Cũng có trường hợp đặc biệt nhất là của một nam giới chưa vợ.
Bác sĩ nhớ mãi hình ảnh chàng trai tên Thuận có dáng người cao to, khuôn mặt điển trai nhưng hằn sâu nỗi đau khổ, tuyệt vọng, nằn nì xin nối lại ống dẫn tinh đã bị thắt trước đó để chuẩn bị cưới vợ.
Chẳng là, mấy năm trước, khi còn là sinh viên, lúc đang trong cảnh túng bấn, anh đã gặp một người đàn bà giàu có nhưng thiếu thốn tình cảm và tình dục săn đón. Sau nhiều lần lảng tránh, cuối cùng anh chàng cũng đồng ý phục vụ quý bà kia, đổi lại, được thỏa mãn mọi nhu cầu về vật chất. Sợ để lại hậu quả, vị phụ nhân quyền quý thuyết phục chàng sinh viên trẻ đi thắt ống dẫn tinh. Cũng tin là việc nối lại dễ dàng và sợ xảy ra sự cố, anh đã đồng ý.
Sau khi triệt sản, Thuận được người tình già giới thiệu cho nhiều mối khác, cũng đều là các bà sồn sồn thừa tiền nhưng thiếu tình. Anh trở nên đắt khách vì vừa trẻ, khỏe, lại vừa an toàn.
Năm ngoái, khi đã gom góp được một số tiền, và quá chán ngán với cảnh trai bao, Thuận đã lặng lẽ bỏ Sài Gòn ra Hà Nội sinh sống. Anh quen một cô gái và định kết hôn, nhưng lại sợ mình không thể làm cha sau gần 10 năm trác táng và đã thắt ống dẫn tinh.
"Thắt ống dẫn tinh là cách tránh thai vĩnh viễn, không bao giờ nên dùng cho những người chưa có con, và cách này cũng không giúp ngăn các bệnh lây qua đường tình dục như bao cao su, nên càng không nên dùng cho mục đích quan hệ bừa bãi", bác sĩ khuyến cáo.
Vương Linh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00