Theo các nhà khoa học, nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản và tình dục xảy ra trong độ tuổi từ 15 đến 44. Tuy nhiên, các tình trạng nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh tim có nhiều khả năng phát triển ở tuổi trung niên, từ 50 tuổi trở đi. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe phổ biến của phụ nữ theo từng nhóm tuổi.
Độ tuổi 20
Đối với hầu hết mọi người, độ tuổi 20 thực sự là thời điểm ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe nhất. Tuy nhiên, nhóm tuổi này cần có sự chủ động chăm sóc bản thân qua việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn. Một số vấn đề sức khỏe phổ biến nhất mà phụ nữ ở độ tuổi 20 có thể gặp phải là các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, bệnh tiểu đường, khối u ác tính, trầm cảm và bệnh gan.
Theo Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Mỹ, cứ hai người hoạt động tình dục thì có một người sẽ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) ở tuổi 25. Trong đó, có 41,3% người trưởng thành 20-29 tuổi bị nhiễm vi rút herpes simplex 1. Vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến nghị chị em hãy quan hệ tình dục an toàn và xét nghiệm tế bào cổ tử cung thường xuyên ở tuổi 21 và nên thực hiện ba năm một lần. Ngoài ra, phụ nữ dưới 25 tuổi cũng nên được xét nghiệm bệnh lậu và chlamydia hàng năm.
Độ tuổi 30
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai có thể bị thiếu máu (thiếu sắt), tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, trầm cảm và lo lắng, cùng nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, độ tuổi này cũng có nhiều khả năng phải vật lộn với chứng vô sinh, nguy cơ bị sảy thai hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến thai kỳ khác.
Bên cạnh các rủi ro kể trên, phụ nữ từ 30 tuổi trở đi sẽ đối mặt với tình trạng rụng tóc và tăng cân. Để giữ cân nặng luôn ở mức ổn định, chị em nên xây dựng thói quen tập thể dục; một số các bài tập nhẹ nhàng và dễ thực hiện gồm đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội; đồng thời, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng, ít chất béo bão hòa, nhiều trái cây và rau quả và hạn chế đồ ăn vặt và chế biến sẵn.
Trong thời gian này, phụ nữ ở độ tuổi 30 nên tiếp tục làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung và sàng lọc HPV thường xuyên. Đặc biệt là nên bắt đầu tự kiểm tra vú để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc khối u.
Độ tuổi 40
Ở độ tuổi 40, phụ nữ nên bắt đầu thực hiện các biện pháp để giữ cho hệ xương khỏe mạnh. Theo các nhà khoa học, độ tuổi này thường dễ gặp các triệu chứng đau và viêm khớp vào buổi sáng do bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc có nguy cơ loãng xương. Để giữ sức khỏe luôn ổn định, mỗi người cần duy trì từ hai đến ba buổi tập luyện sức mạnh trong tuần, cùng với các bài tập chịu trọng lượng và tim mạch.
Viêm âm đạo do nhiễm trùng cũng là một trong những vấn đề phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. Ngoài ra, họ cũng nhiều nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng và nội mạc tử cung. Do đó, mỗi người nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú bằng chụp quang tuyến vú từ độ tuổi 40 trở đi để ngăn ngừa rủi ro và phát hiện bệnh sớm.
Độ tuổi 50
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Mỹ, độ tuổi mãn kinh trung bình sẽ ở khoảng 52 tuổi. Ở thời điểm này, những thay đổi nội tiết tố đó sẽ mang lại một số thay đổi về sức khỏe; đó là các dấu hiệu như: bốc hỏa, khó ngủ, kinh nguyệt không đều và chảy máu, khô âm đạo hoặc nhiễm trùng, trầm cảm và lo lắng.
Đặc biệt hơn, giai đoạn mãn kinh còn là nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương. Bởi lúc này, buồng trứng sản xuất ra lượng estrogen thấp hơn nhiều và việc có ít estrogen hơn trong cơ thể có thể khiến phụ nữ mất khối lượng xương với tốc độ nhanh.
Ngoài ra, một tình trạng sức khỏe khác cũng đáng quan ngại là chứng tiểu không tự chủ do căng thẳng hoặc khi ho, hắt hơi. Cứ ba phụ nữ ở độ tuổi 50 thì có một người mắc bệnh lý này.
Độ tuổi 60-80
Ở độ tuổi từ 60-80, các vấn đề sức khỏe mà phụ nữ có nguy cơ mắc phải ở độ tuổi 50 sẽ tăng lên theo thời gian. Mặc dù các bài tập và luyện tập chịu trọng lượng ổn định có thể giúp giảm thiểu rủi ro, nhưng một số phụ nữ vẫn có thể cần phẫu thuật.
Ngoài các vấn đề về tim và xương, phụ nữ ở độ tuổi 60-80 còn có nguy cơ bị té ngã, bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, giảm thính lực, giảm thị lực, chóng mặt, yếu cơ, hệ miễn dịch yếu hơn và các vấn đề về bàng quang hoặc những thay đổi về tiết niệu khác.
Theo Huyền My (Theo Womens Day, Boldsky)