Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định thai kỳ của mẹ có khỏe mạnh hay không và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bé. Các bà bầu nên chú ý bổ sung đầy đủ các chất: carbohydrate, protein, lipid và các loại vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng để bổ sung các dưỡng chất còn thiếu, tuy nhiên, cần lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không ăn kiêng trong thai kỳ và tránh sử dụng các chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn và cafein.
Trong suốt 9 tháng mang thai, mẹ bầu cũng cần đảm bảo uống tối thiểu 2.5 – 3 lit nước mỗi ngày để phòng tránh tình trạng táo bón, mệt mỏi và thiếu ối. Nên uống những loại nước được đảm bảo lọc sạch và tốt nhất là nước ion kiềm giàu hydrogen để trung hòa bớt các gốc tự do gây bệnh và tăng khoáng chất cho cơ thể.
Chế độ làm việc – nghỉ ngơi
Áp lực công việc và cuộc sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới stress. Stress gây tác động tiêu cực tới thai kỳ của phụ nữ: khiến tâm lý bất ổn, giảm sức khỏe, tăng khả năng sinh non, thai nhi tăng động, tự kỷ, chậm nói… Do vậy, bạn cần giữ tâm lý thoải mái và suy nghĩ tích cực trong suốt thời gian mang bầu.
Đối với công việc, bạn nên sắp xếp để có thời gian dành cho nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa áp lực. Trong khi làm việc, bạn có thể nghe nhạc nhẹ nhàng để giảm căng thẳng. Nên tránh xa những công việc nặng nhọc cần hoạt động thể chất cao, gây bất lợi cho sức khỏe của cả mẹ và con. Đối với các vấn đề trong cuộc sống, bạn nên lạc quan và tìm cách giải quyết đơn giản, nhẹ nhàng, không nên suy nghĩ quá nhiều.
Bên cạnh việc sắp xếp chế độ làm việc nghỉ ngơi, mẹ bầu cũng nên quan tâm tới giấc ngủ của mình, tránh thức khuya, ngủ đủ 8 tiếng/ngày.
Chế độ tập luyện
Nhiều người cho rằng bà bầu không nên làm những việc nặng nhọc đồng nghĩa với không tập tất cả các môn thể thao. Điều này là không chính xác. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai rất cần hoạt động thể chất phù hợp để đảm bảo cơ thể được khỏe mạnh, dẻo dai, bớt đau nhức và quá trình sinh nở được diễn ra dễ dàng. Mặt khác, sau khi luyện tập, cơ thể tiết ra rất nhiều hoocmon có lợi giúp tinh thần sảng khoái, giảm căng thẳng, trầm cảm.
Các mẹ bầu có thể lựa chọn các môn vận động nhẹ nhàng như như yoga, tập thể dục hoặc đi bộ.
Khám thai định kỳ
Việc thăm khám định kỳ là rất cần thiết để sàng lọc những nguy cơ và tìm phương án điều trị sớm cho các vấn đề cả của mẹ và bé. Thông thường, mỗi tháng các mẹ nên đi khám thai 1 lần. Nhưng nếu điều kiện không cho phép đi khám thai thường xuyên, các mẹ có thể đi khám thai vào những mốc quan trọng như tuần 11-13, tuần 21-24 và tuần 30-32.
Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường, các mẹ nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn và chữa trị.
Ngoài ra, các mẹ cũng cần lưu ý tới việc tiêm vacxin đầy đủ và tìm hiểu kỹ về lịch sử y tế của gia đình để phòng tránh những nguy cơ cho mình và cho con.
Một số lưu ý khác
Tránh tác nhân gây bệnh tật và dị ứng
Hệ miễn dịch của mẹ sẽ yếu đi khi mang thai, dẫn tới việc dễ bị tác động từ môi trường và dễ nhiễm bệnh hơn bình thường. Để giảm nguy cơ có hại cho sức khỏe, bạn cần tránh tối đa việc tiếp xúc các mầm gây bệnh như người bệnh, động vật, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm…
Quan hệ tình dục khi mang thai
Thai nhi khi đã hình thành sẽ được bao bọc trong màng ối và nước ối, dương vật của người chồng cũng không thể chạm tới thai nhi, tinh dịch cũng sẽ bị chặn lại bởi nút nhầy ở cổ tử cung, nên bạn có thể có thể yên tâm hoạt động ân ái nhẹ nhàng khi mang thai không ảnh hưởng tới bé con. Tuy nhiên, cũng cần để ý tới vấn đề vệ sinh và một số trường hợp được các bác sĩ khuyến cáo tránh hoạt động tình dục như có tiền sử bệnh, mang thai ngoài tử cung, nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo…
Để có thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, ngoài việc chăm sóc cơ thể và tinh thần mẹ đúng cách và khoa học, chúng ta cũng nên chuẩn bị cho mình những kiến thức y khoa, cộng thêm tham vấn từ bác sĩ. Các bố mẹ có thể tham dự các khóa học tiền sản để có thêm lời khuyên từ các chuyên gia.