Những hiểu lầm về viêm nhiễm vùng kín Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Bạn cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần
tamsubantre - Không cần nói thì ai cũng biết “vùng kín” có vai trò quan trọng như thế nào với sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của mỗi người. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hiểu lầm xung quanh các bệnh viêm nhiễm vùng kín khiến không ít bạn trẻ bối rối trước những trục trặc gặp phải. Chúng mình hãy cùng Tâm sự bạn trẻ xác minh lại những thông tin liên quan đến vấn đề này nhé.
Lầm tưởng 1: Nếu bị viêm nhiễm, chắc chắn bạn sẽ biết điều đó
Sự thật là: Khi vùng kín có bệnh, thường có những biểu hiện như ngứa, rát ở cơ quan sinh dục, xuất hiện các nốt mụn lạ, bạn gái có thể thấy khí hư có những bất thường (như có mùi hôi, màu nâu, đen hoặc xanh…, có bọt, hay dịch loãng ra nhiều). Còn bạn nam sẽ thấy dịch sinh dục ra nhiều, có mùi hôi…
Tuy nhiên, không phải bất cứ loại viêm nhiễm nào cũng có dấu hiệu rõ rệt để bạn tự nhận biết. Một số loại có thể tấn công bạn âm thầm mà không gây ra bất cứ triệu chứng bất thường nào. Chẳng hạn, khuẩn Chlamydia thường ghé thăm rất lặng lẽ. Chúng tiến triển từ từ nên thường được ta bỏ qua, có tới 50% trường hợp không có biểu hiện đặc biệt. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà… trong thời gian ủ bệnh không xuất hiện dấu hiệu gì mạnh mẽ. Đến khi các triệu chứng phát tác thì có thể đã bước sang một giai đoạn nghiêm trọng hơn.
Do đó, có thể bạn sẽ hoàn toàn không biết việc có một chứng viêm nhiễm nào đó đang tấn công mình trừ khi được thăm khám và làm xét nghiệm bằng máy móc chuyên dụng.
Lầm tưởng 2: Chỉ những người có quan hệ tình dục mới bị viêm nhiễm
Sự thật là: Ai cũng có thể mắc các bệnh phụ khoa, kể cả các bạn chưa từng XXX thì vẫn có thể gặp vấn đề liên quan tới cơ quan sinh sản. Nguyên nhân có thể do bạn vệ sinh kém hoặc chưa biết vệ sinh vùng kín đúng cách. Cũng có một số trường hợp viêm nhiễm cơ quan sinh sản do sự biến đổi đột ngột của nội tiết tố trong cơ thể.
Tuy nhiên, với những bạn đã có quan hệ tình dục thì nguy cơ viêm nhiễm phần phụ sẽ cao hơn (đặc biệt những bạn có nhiều bạn tình). Nếu quan hệ tình dục quá mạnh sẽ làm trầy xước cơ quan sinh dục, hoặc XXX khi đèn đỏ sẽ dễ làm tổn thương vùng kín, làm giảm khả năng kháng viêm và tăng nguy cơ bị các loại vi khuẩn bất lợi xâm nhập và gây viêm nhiễm. Ngoài ra, quan hệ tình dục không an toàn còn có nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Sự thật là: Nguyên nhân gây viêm nhiễm vùng kín là do nấm, tạp khuẩn, vi rút, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng. Một số bạn biết mình có bệnh nhưng sau một thời gian không thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường đã tưởng bệnh tự khỏi. Nhưng trên thực tế, những tác nhân gây bệnh này không thể tự mất đi. Như ở bệnh lậu hay chlamydia, các biểu hiện triệu chứng có thể tự mất mà không cần điều trị, nhưng sau một thời gian lại tái phát.
Mầm bệnh gây viêm nhiễm không thể tự biến mất
Lầm tưởng 4: Sử dụng dung dịch vệ sinh sẽ giúp tránh viêm nhiễm
Sự thật là: Vệ sinh vùng kín cũng cần đúng cách. Bạn không nên dùng bất cứ loại dung dịch vệ sinh hay loại nước đặc biệt nào để rửa vùng kín nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng tùy tiện dung dịch vệ sinh có thể làm mất đi các vi khuẩn có lợi, làm thay đổi môi trường âm đạo, đây lại là nhân tố làm tăng thêm nguy cơ viêm nhiễm.
Lời khuyên cho bạn: Bạn chỉ cần dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín là đủ. Nếu có chỉ định của bác sĩ thì hãy dùng dung dịch vệ sinh phù hợp chứ không nên tự ý sử dụng.
Lầm tưởng 5: Có thể tự điều trị viêm nhiễm vùng kín
Sự thật là: Bạn không thể căn cứ vào những biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục để tự chẩn đoán nguyên nhân gây viêm nhiễm và mua thuốc điều trị tại nhà.
Tự điều trị không những làm tốn tiền của bạn mà còn không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, khi bạn đã để bệnh chuyển sang giai đoạn trầm trọng hơn, những biến chứng sẽ nguy hiểm hơn và quá trình điều trị cũng sẽ khó khăn hơn nhiều.
Lời khuyên cho bạn: Nếu phát hiện ra mình có vấn đề bất thường ở vùng kín, bạn hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay. Qua quá trình thăm khác, bác sĩ sẽ giúp bạn xác định đúng nguyên nhân và kê đơn thuốc phù hợp.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00