Những điều cơ bản nên biết về băng vệ sinh Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
tamsubantre.org - Băng vệ sinh (BVS) là người bạn không thể thiếu trong phần lớn cuộc đời cuả một người phụ nữ. Vì thế, để có thể “chung sống hòa bình” và thân thiện với “người bạn” này, chúng ta hãy xây dựng một kiến thức “nền” về BVS nhé.
Thế nào là BVS tốt?
BVS được làm từ những loại chất liệu có tính thấm hút cao. BVS tốt là loại có khả năng thấm hút máu kinh nhanh, không làm máu thấm ra quần, váy, không bị biến dạng dù đã thấm nhiều máu và không làm cản trở hoạt động của người dùng. Ngày nay, các nhà sản xuất đã có nhiều cải tiến về hình dáng của sản phẩm nhằm tăng sự ổn định, không bị biến dạng, độ bám dính, không bi di lệch, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái khi sử dụng. Một số loại BVS còn có thêm chiết xuất thảo dược tự nhiên để khử mùi và khử trùng nhẹ. Một số bạn nữ dùng khăn vải thay BVS cũng rất tốt.
Chọn BVS phù hợp với nhu cầu
Vì tác dụng chính của BVS là thấm máu kinh nên chúng ta cần căn cứ vào lượng kinh nguyệt để lựa chọn. Ngoài ra, ta cũng nên dựa theo thời gian hành kinh, tính chất công việc, hoạt động của mình để chọn lựa loại phù hợp. Nếu bạn chỉ là “máu bồ câu” thì có thể chọn loại mỏng, mặt lụa mềm để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái. Nếu bạn thuộc tuýp “chứa chan”, hoặc phải vận động nhiều, làm việc nặng thì có thể “gửi trọn niềm tin” cho một “em” siêu thấm, mặt lưới, có cánh hoặc tampon (nhưng loại này cũng kén người lắm nha). Nếu bạn dùng vải màn, hãy chọn loại vải màn trắng, mềm, dễ hút nước, mau khô và dễ giặt sạch. Hiện nay, trên thị trường có bán cả BVS giả, kém chất lượng, không được đóng gói an toàn. Vì thế, bạn hãy chú ý đến tem, nhãn của BVS, “chọn mặt” trước khi “gửi vàng” nhé.
Dùng BVS đúng cách
Thay BVS sau 3-4 tiếng sử dụng: Dù có là loại siêu thấm thì cũng chỉ là thấm hút ngay máu kinh chứ không làm mất đi lượng máu ấy. Môi trường ẩm ướt sẽ sinh ra vi khuẩn, có thể gây viêm nhiễm cho bạn.
Giữ vệ sinh vùng kín: khi thay BVS, bạn hãy vệ sinh vùng kín thật cẩn thận. Nếu không muốn chỉ rửa bằng nước sạch, bạn có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ (có bán tại các hiệu thuốc) để diệt khuẩn và tạo hương thơm êm dịu. Sau đó, hãy dùng một chiếc khăn sạch lau khô nước và yên tâm dùng BVS mới.
Cách dán BVS: Có vẻ như ai cũng biết cách dán BVS nhưng không phải bạn nào cũng tránh được những phiền phức do thao tác này không chính xác. Một số bạn nữ có lượng máu kinh nhiều hoặc phải vận động mạnh, thường nghĩ nên dán BVS lùi ra sau cho an toàn. Hoặc khi ngủ, dù đã dùng loại ban đêm, nhưng bạn vẫn dán BVS tuốt ra gần… cạp quần lót vì sợ tư thế nằm sẽ khiến máu kinh chảy ngược ra sau. Chính điều đó khiến BVS không hoàn thành nhiệm vụ của nó. Hãy cứ dán miếng băng chính giữa đáy quần lót, nó sẽ “làm việc hết công suất” đấy. Bạn cứ yên tâm nhé vì các nhà sản xuất cũng đã nghiên cứu kĩ lắm rồi. Nếu là vải màn, bạn hãy gấp khăn thành kích cỡ vừa đủ, dùng kim băng cố định lại hai đầu để tránh xô lệch khi hoạt động.
Xử lý “hậu quả” đúng cách: đừng bao giờ “phi tang” BVS xuống cống hay toa lét, nó sẽ làm ách tắc “giao thông đường thủy” đấy. Hãy gói BVS đã dùng vào giấy báo và nhét xuống đáy thùng rác; chắc bạn không muốn ai đó mở thùng rác ra và nhìn thấy “rác” của bạn chứ? Nếu dùng vải màn, hãy giặt sạch trong chậu riêng, phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn và giữ sạch sẽ trong tủ.
Những “mặt trái” của BVS
Tampon có thể gây sốc nhiễm độc: Tampon (BVS dạng que, dạng ống, dạng đũa) giống như chiếc bút chì, được đưa vào sâu bên trong âm đạo, có một đoạn dây để dễ lấy ra. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kì (CDC), việc dùng tampon có độ thấm hút quá cao có thể gây ra hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic shock syndrome). Đây là một tình trạng bệnh do độc tố vi khuẩn Streptoccoci gây ra, có thể dẫn đến chết người. Khi đưa loại tampon có khả năng thấm hút mạnh vào sâu bên trong âm đạo, nó sẽ hút cả những chất dịch có tác dụng giữ ẩm nằm sâu trong âm đạo, làm khô môi trường bên trong âm đạo. Ngoài ra, nếu dùng tampon không đúng cách, có thể bạn sẽ khiến màng trinh của mình bị tổn hại đấy.
Hình dáng tampon nhỏ, dài như chiếc bút chì
BVS hàng ngày có thể gây viêm âm đạo: Viêm âm đạo do loạn khuẩn có triệu chứng đặc trưng là khí hư ra nhiều và hôi, có màu xám nhạt do sự phát triển quá mức dẫn đến mất cân bằng của nhiều loại vi khuẩn bình thường vẫn sống ở âm đạo. Khi lạm dụng BVS hàng ngày, sẽ tạo môi trường ẩm ướt, thiếu thông thoáng, từ đó sinh sôi, nảy nở và lan truyền vi khuẩn. Thói quen dùng BVS thường xuyên (để ngăn mùi) đã tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn khu trú ở hậu môn di chuyển lên âm đạo nhanh chóng.
Dị ứng BVS: Nguyên nhân do cơ địa hoặc dùng BVS không đúng cách. Cũng có trường hợp, do dùng BVS kém chất lượng, không được vô trùng hoặc chứa những chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bị dị ứng, sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt, vùng âm đạo bị nổi mẩn ngứa, rát, sưng đỏ, xuất hiện mụn nhỏ lấm tấm. Nếu bị nặng, bạn có thể bị khó thở, tức ngực, mệt; một số trường hợp gặp nguy hiểm dẫn đến tử vong do ngộ độc, sốc phản vệ. Lúc ấy, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có lời khuyên đúng đắn. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi, dung dịch rửa để tránh dị ứng nặng hơn. Để phòng ngừa, bạn nên chọn loại BVS được công nhận an toàn, không có mùi thơm, hoặc tránh thay đổi cá loại BVS liên tục. Nếu bạn dị ứng với tất cả các loại BVS thì khăn vải sẽ là “cứu tinh” của bạn.
“Nguyệt san” sẽ song hành với các bạn gái trong phần lớn cuộc đời. Vì thế, hãy học cách kết bạn với nó để chung sống hòa thuận nhé. Chúc các bạn luôn vui khỏe và yêu đời!
Ngọc Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00