Giao diện tiếp cận

Người yêu tôi qua đời một mình trên giường bệnh Thứ Ba, 24/08/2021, 15:00

Người yêu tôi qua đời một mình trên giường bệnh

Người yêu tôi qua đời một mình trên giường bệnh (An Lâm)


Nếu không có chuyện gì xảy ra, có lẽ hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị cho đám cưới.


Nếu không có chuyện gì xảy ra, tôi với anh ấy sẽ đón chào thiên thần nhỏ vào cuối năm nay

Nếu không có chuyện gì xảy ra, hai chúng tôi sẽ mua một căn nhà nhỏ, trang trí theo sở thích của mình.

Chỉ là, đã có chuyện xảy ra.

Sau kỳ lễ 30/4, Sài Gòn bùng dịch. Tôi vì an toàn của đứa con trong bụng mà xin nghỉ việc, còn anh ấy vẫn phải đi làm. Anh là nhân viên của một xưởng sản xuất, việc hằng ngày là kiểm tra kho nên không quá vất vả, vẫn gọi về cho tôi vào giờ nghỉ trưa, tan làm còn chu đáo đặt mấy món mà tôi thích.

Ngày Sài Gòn thực hiện chỉ thị 15, anh ấy phải ở lại chỗ làm. Ngày tiễn anh ấy, anh ôm tôi rất lâu, hôn vào bụng rồi trấn an tôi nữa. Tôi biết anh không nỡ, tôi cũng không nỡ. Chỉ là không ngờ, đấy là lần cuối cùng tôi cảm nhận được hơi ấm của anh.

Hôm đó anh gọi video call cho tôi, anh bảo chỗ làm có ca F0, anh là F1. Mấy hôm trước còn ngồi nhậu cùng cậu ấy nữa. Anh kể mọi người vừa lấy mẫu xét nghiệm, nhanh thôi sẽ có kết quả. Anh sẽ liên tục gọi điện để thông báo tình hình cho tôi. Nhìn gương mặt hốc hác của anh qua màn hình, tôi không kìm được mà khóc to. Mẹ chồng ôm tôi, cả nhà an ủi bảo mọi chuyện sẽ ổn thôi. Cách nhau một màn hình, tôi nhớ anh cũng khóc. Anh rất ít khóc, yêu nhau bấy lâu mà tôi chỉ thấy anh khóc một lần lúc tôi báo tin có thai, lần này là lần thứ hai.

Ngày có kết quả xét nghiệm anh gọi về nhà. Dương tính lần 1. Tôi đã không thể cầm nổi điện thoại khi ấy, cứ hỏi đi hỏi lại là có chắc không. Anh gật đầu. Anh nói anh sốt rồi, nhiệt độ cơ thể đã lên 38. Anh sẽ được đưa đi điều trị, khi nào hết bệnh sẽ về với hai mẹ con tôi. Anh hôn tôi, qua màn hình điện thoại.

Đêm đó chúng tôi nhìn nhau cả đêm, giống như cái thời hai đứa mới yêu vậy. Anh nói anh canh cho tôi ngủ, nhưng anh đã thiếp đi trước, chắc vì quá mệt. Đến lúc anh vào điều trị, chắc sẽ không thể thường xuyên gọi về cho tôi nữa rồi.

May mắn tôi có một người bạn là bác sĩ, cậu ấy cũng đang làm nhiệm vụ trong bệnh viện chỗ anh điều trị. Thi thoảng cậu ấy nhớ sẽ gọi điện cho tôi để thông báo tình hình của anh. Mấy cuộc gọi đầu thì chỉ là anh ấy vẫn ổn, chỉ cảm thấy đau họng và sốt nhẹ. Sau đó càng nhiều người nhiễm bệnh, nên tôi không nhận được điện thoại thường xuyên nữa. Mỗi ngày thức dậy tôi chỉ mong anh bình an. Lần đầu tiên tôi cảm thấy bất lực, chỉ biết đứng trước bàn thờ gia tiên mà cầu xin, tôi hy vọng nhìn thấy anh ấy khỏe mạnh trở về nhà.

Cậu bạn bác sĩ đột nhiên gọi điện cho tôi. Cậu ấy bảo tình trạng của anh tiến triển xấu, hôm nay đã phải thở bằng máy. Sài Gòn bây giờ căng thẳng lắm, số lượng máy thở không đủ để cung cấp cho bệnh nhân. Nói vài câu thì cậu ấy cúp máy. Tôi nhớ lúc đó tai tôi ù rồi, khung cảnh trước mặt chỉ có một mảng trắng. Đến lúc tỉnh dậy mẹ chồng đã ngồi kế bên. Cả nhà ai cũng hiện lên nỗi lo lắng, nhưng vẫn cố gắng trấn an tôi. Tôi biết tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng đến con, nhưng làm sao đây khi chồng tôi vẫn đang đấu tranh với bệnh dịch.

Anh ấy... mất rồi. Sau một trận chiến dài, người đàn ông kiên cường của tôi đã bại trận trước dịch bệnh thế kỷ. Chắc anh cô đơn lắm, vì một mình ra đi trên chiếc giường lạnh lẽo, không một ai bên cạnh. Tôi ước gì giây phút cuối cùng ấy có thể nắm tay anh, nói với anh rằng tôi sẽ chăm sóc con thật tốt, sẽ kể về anh thật nhiều với nó, sẽ thay anh yêu thương nó. Tôi sẽ hôn anh cho đến lúc anh rời xa thế giới, để anh mang sự ấm áp của hai mẹ con tôi mà ra đi. Đáng tiếc, tất cả chỉ là mong ước của tôi.

Nếu có kiếp sau, tôi muốn được trở thành bạn đời của anh một lần nữa. Tôi muốn bù đắp những mất mát mà anh ấy phải chịu củ kiếp này, muốn sinh cho anh ấy những đứa trẻ đáng yêu, cùng anh ấy nhìn còn cái lớn lên, cùng anh trải qua cuộc sống bình yên tuổi già.

Không ngờ, lần tạm biệt anh đi làm ấy chính là lời từ biệt. Nụ hôn ngỡ là tạm biệt lại hóa chia ly. Thật ra tôi đã từng nghĩ rất nhiều về viễn cảnh nếu như hai chúng tôi rời xa nhau, chỉ là chưa từng nghĩ anh lại bỏ mẹ con tôi theo cách này. Dịch bệnh đem đến cho thế giới quá nhiều mất mát, cũng lấy đi cả thế giới của tôi.

Vĩnh biệt anh, tình yêu của em.

Bạn vừa lắng nghe lá thư tâm sự được gửi đến từ bạn đọc An Lâm, một bài viết gây xúc động khi đăng tải trên blogradio.vn tuần qua. Bạn thân mến! Khi nhắc đến đại dịch Covid, nhiều người vẫn cho rằng nước ta có hệ thống y tế tốt nên không đáng lo. Chỉ những ca nặng, có bệnh nền thì mới nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế sức đề kháng của mỗi người là không giống nhau, khi số ca mắc còn ít thì các bệnh nhân có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên khi hệ thống y tế đã quá tải thì tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn. Dịch bệnh Covid-19 không đợi tuổi, không chừa một ai, vẫn có những trường hợp trẻ tuổi, khỏe mạnh nhưng khi mắc Covid đã nhanh chóng diễn tiến xấu, phải thở máy. Vì vậy chúng ta hãy hết sức đề cao tinh thần chống dịch, bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ. Blog Radio xin được chia sẻ nỗi đau mất mát với những gia đình có người thân qua đời vì Covid.

Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe:

Trả tôi về với một thoáng bình yên (Trần Thị Cẩm Quyên)

"Nhắm mắt lại để lòng thôi dậy sóng

Thả trôi đi phiền muộn của ngày qua

Tìm bình yên giữa chốn phong ba

Tâm an yên vững lòng qua đại dịch"

Trong 22 năm qua có lẽ đây là lần đầu tôi xa quê lâu nhất, trở lại Sài Gòn với guồng quay học tập, công việc của một đứa sinh viên năm cuối từ mùng 5 Tết đến tận giờ, tôi chưa trở về thăm lại gia đình tôi. Kết thúc thực tập vào cuối tháng 6 cũng là lúc dịch bệnh Covid bùng phát kéo dài đến tận giờ, tôi lựa chọn ở lại Sài Gòn để bảo vệ chính tôi, gia đình tôi và cộng đồng nói chung. Và đây cũng là khoảng thời gian dừng lại để tôi ngẫm về con đường sắp tới, dự định tương lai và về ký ức tuổi thơ bên gia đình.

Với một đứa sinh viên năm 4, tôi dường như bị choáng ngợp, mông lung và vô định với thực tại, tôi không biết bản thân mình có hợp với việc tôi chọn, rồi nỗi lo gánh nặng kinh tế luôn đè nặng lên vai tôi. Con virus covid đó không chỉ là nỗi ám ảnh, lo sợ khi bị nhiễm, khi phải đối mặt giữa ranh giới sống và chết tựa hồ rất mong manh chỉ 5s, mà đằng sau nó là những câu chuyện, những góc nhìn của nhiều mảnh đời, cũng là cơ hội cho tôi được nhìn lại bản thân tôi thực ra đã may mắn đến dường nào.

Sau khi rời khỏi kí túc xá, tôi đã chọn một căn trọ nhỏ bên Bình Dương vì giá cả khá thấp để bắt đầu cuộc sống tự lập một mình, nhưng bù lại tôi có được tình yêu thương của những người ở đây, của cô chủ trọ tốt bụng, ít ra nhờ giúp đỡ của cô, của anh chị, tôi không sợ đói giữa mùa dịch này. Họ là những người công nhân đơn thuần nhưng mang trái tim ấm áp, dịch ai cũng thất nghiệp đặc biệt là lao động chân tay.

Tôi đọc và chứng kiến nhiều gia đình phải rơi vào tình trạng khốn cùng, cạn kiệt tiền, nguồn thức ăn trữ cũng hết, vớt vác tất cả  không ngại đường xa để trở về quê hương. Tôi nhìn thấy cảnh hàng ngàn người ngủ ngoài đường để chờ được qua chốt hoặc dừng lại nghỉ sau chặng đường dài về quê, là những em bé nhỏ theo ba mẹ cùng lỉnh kỉnh đồ trên chuyến hành trình rời khỏi phố thị, rời khỏi tâm dịch để trở lại chốn quê nhà. Họ không thể bám trụ được nữa, sau đợt dịch này chắc hẳn Sài Gòn sẽ vắng lắm. Sài Gòn hoa lệ nhưng là hoa cho người giàu và lệ ứ trong đôi mắt người nghèo. Không biết sau chuyến về quê đó họ có còn trở lại Sài Gòn không hay họ sẽ chọn cuộc sống bình an yên ổn nơi quê nhà, những người con xa xứ lại lần lượt rời đi trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Tôi chọn ở lại, tôi vẫn tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch, nén nỗi nhớ nhà thêm chút nữa nhưng mỗi lần gọi về quê là lòng nặng trĩu. Nhiều đêm mơ chỉ mong được trở về nhà bên Cha Mẹ và em gái, được đùa giỡn với lũ mèo phá hoại, hít cái khí trời trong lành bình yên ở quê hương, mỗi ngày được ăn món ngon Mẹ nấu. Khi còn ở nhà, tôi thường kén cá, kén ăn nhưng đến khi xa quê thèm lắm món cá rô đồng kho tộ, thèm canh chua cá lóc nóng hổi, thèm miếng bánh xèo miền Tây thương lắm, thèm con khô lưỡi châu ăn kèm miếng dưa hấu ngọt lịm,...

Vâng tôi nhớ lắm quê hương thơm mùi lúa chín, nhớ con sông quê trĩu nặng phù sa, nhớ nét dịu dàng và xinh đẹp vùng đất trù phú đó, nhớ cả từng hương vị dân dã thôn quê từ bếp nhà của Mẹ, thèm những lần bám sát theo Mẹ như chú mèo con để nịnh nọt, thèm luôn mỗi buổi chiều nhỏ em gái chở tôi dạo vòng quanh công viên. Nhớ nhà nhiều nhưng vì an toàn nên tôi cố gắng chờ ngày bình an, sẽ trở về thăm lại ngôi nhà yêu dấu ấy.

Thật sự, cảm giác lạc lõng một mình của cuộc sống độc thân mới bắt đầu không hề dễ dàng nhưng nó lại càng tiếp cho tôi sức mạnh. Tôi may mắn vì còn có điểm tựa để yêu thương, còn bạn bè ở bên quan tâm dù không thể đến thăm nhau được, vẫn có người âm thầm ở bên chăm tôi yêu tôi bằng tình cảm dịu dàng nhất, tôi vẫn còn bữa cơm no giữa mùa đại dịch, ngoài kia còn nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ lang thang đói khát, Sài Gòn xô bồ thì tôi choáng ngợp nhưng khi Sài Gòn lặng im như tờ tôi lại càng sợ hơn. Tôi nhớ không khí ngợp người vào lúc kẹt xa, nhớ nhịp sống nhộn nhịp, tiếng kèn xe in ỏi, nhớ cả ánh đèn đủ màu của Sài Gòn về đêm.

Bao lâu đã đợi được còn một chút nữa thôi, cố lên nhé chúng ta sẽ cùng vượt qua đại dịch, Covid ơi hãy trả cho tôi cuộc sống vốn có như ngày nào, trả tôi về với thoáng yên bình cho tôi thực hiện những giấc mơ còn dang dở.

Bạn thân mến! Nhắc đến Covid, nhắc đến những nỗi đau mất mát, nhắc đến những cảnh đời khốn cùng, không thể nào không nhắc đến lực lượng tuyến đầu đang tham gia chống dịch, để bảo vệ bình yên cho mọi nhà. Tiếp theo chương trình lá thư xúc động của bạn đọc Hải Anh gửi đến những con người ấy.

Tôi muốn viết về những con người ấy (Hải Anh)

Tôi ngàn lần cảm phục các anh chị

Đó là điều đầu tiên tôi muốn nói

Không phải chỉ mới hôm qua, khi nhìn thấy tấm lưng trần bỏng rộp và đỏ lên vì sức nóng, của thời tiết và của cả bộ áo quần kín mít từ đầu đến chân ấy, tôi mới lặng người đi. Khi nhìn những bóng người nằm dài trên nền nhà, sải tay sải chân mặc kệ bao ánh nhìn của mọi người, vì họ đã quá mệt, thậm chí có những người phải được tiếp nước, phải tạm dừng công việc vì kiệt sức.

Họ để nguyên bộ áo quần ấy, suốt ngày, trong giờ làm cũng như giờ nghỉ, vì họ hiểu được cứ mỗi lần thay ra là mỗi lần phải vứt bỏ đi và mặc vào áo quần mới.

Đó là nguyên tắc bắt buộc trong phòng chống dịch, nên với họ, việc tiết kiệm được lúc nào là quý lúc đó. Vì cả nước đã và đang rất khó khăn từ hơn một năm qua, từ khi dịch bệnh hoành hành cả thế giới, đến tận hôm nay, và được dự báo sẽ còn kéo dài, chưa thể hết ngay được trong ngày một ngày hai.

Mỗi ngày, số ca nhiễm là bao nhiêu được thông báo rộng rãi trên toàn quốc, nhưng số lượng các bác sĩ y sĩ y tá điều dưỡng, tất cả những người trực tiếp cứu chữa và chăm sóc cho các bệnh nhân dương tính thì chẳng có con số chính xác, vì việc đó là không cần thiết, chỉ cần biết đó là những người ở tuyến đầu chống dịch, như mọi người hay nói vậy, thầm lặng trong công việc, nỗ lực dốc hết sức cho việc dành lại tính mạng và mang lại sức khỏe cho cả cộng đồng.

Số ca nhiễm ở con số chục, rồi con số trăm, để thấy sự cố gắng và sức chịu đựng phi thường, một tinh thần làm việc kiên cường của đội ngũ những người thầy thuốc, những người lương y, tôi muốn gọi chung như thế, mới tuyệt vời làm sao.

Tôi không muốn so sánh, nhưng hiện tại tôi đang được ngồi trong một căn phòng rộng rãi, thoáng mát, làm công việc tôi yêu thích, bên trái là một ly nước lọc thật đầy, muốn uống lúc nào cũng được, bên phải là cái quạt máy làm tôi dễ chịu trong cái nắng nóng khủng khiếp của những ngày tháng này.

Còn các anh chị

Mọi người chỉ nhìn thấy được những đôi mắt sau những tấm chắn

Tôi nhìn thấy các anh chị trên ti vi, trên các trang mạng, cứ mỗi lần như thế tim tôi lại căng tràn niềm yêu mến cảm phục và xúc động đến không thốt nên lời. Những đôi tay bên các bệnh nhân, những bóng người cứ dịch chuyển liên tục không ngớt giữa các giường bệnh, căng não với các ca khó, các ca có bệnh nền và các bệnh nhân lớn tuổi vốn thể trạng đã yếu sức. Tôi tự hỏi, một ngày có hai mươi bốn tiếng thì các anh chị dành cho riêng mình được mấy tiếng trong tình hình nước sôi lửa bỏng và khẩn cấp này.

Tôi chỉ biết cầu mong cho dịch qua đi, cầu mong các anh chị đủ sức khỏe để tiếp tục với công việc. Tôi không kìm được nỗi xúc động trước các anh chị, nên mới có bài viết thật nhỏ này, tôi biết có viết bao nhiêu có nói bao nhiêu cũng chẳng ghi lại hết được những gian truân vất vả mà các anh chị phải gánh chịu, phải trải qua, dù rằng đó là công việc, là chuyên môn bao lâu nay của các anh chị, nhưng bây giờ đó còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm lớn lao khi tất cả đang đối mặt với dịch bệnh kinh khủng nhất.

Tôi biết các anh chị chẳng thể đọc được những dòng này, nhưng tôi vẫn viết, viết để tự mình tri ân các anh chị, để gửi đến các anh chị một lời cảm ơn từ tận đáy lòng, để tự nhắc nhở mình còn sung sướng hơn ngàn vạn người ngoài kia, trong các bệnh viện, trong các khu cách ly, và trong suốt cả chiều dài biên giới đất nước.

Trong giai đoạn rất khó khăn này.

Tôi viết cho các anh chị, để làm vơi bớt những trăn trở, những mong mỏi cháy lòng nơi tôi, rằng trong một ngày rất gần, dịch bệnh sẽ không còn nữa.

Tôi viết cho các anh chị, mà cũng là viết cho chính tôi.

Những chiến sĩ áo trắng, ai đó đã gọi các anh chị như thế

Tôi vẫn mỉm cười và tràn đầy yêu thương khi nghĩ về các anh chị, làm ơn, đừng kiệt sức nhé, đất nước đang rất cần các anh chị ngày đêm, đừng có thêm tấm lưng nào đỏ rát nữa, hay là vẫn có nhưng các anh chị đã nén lại một mình và giấu đi trong âm thầm.

Tôi tin là sẽ còn có bao người nữa đang muốn viết về các anh chị. Còn riêng tôi, xin một lần này gửi trọn niềm tin yêu đến những con người áo trắng.

Bạn vừa lắng nghe những lá thư tâm sự của bạn đọc Blog Radio về những cung bậc cảm xúc trong dịch bệnh. Có rất nhiều khó khăn, vất vả, hy sinh, vậy nên mỗi chúng ta cố gắng thêm một chút để dịch bệnh chóng qua và bình yên sẽ lại về.

Nhóm tác giả Blog Radio

Lượt xem: 902

Nhận xét(0 Nhận xét)

Chưa có nhận xét nào

Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét  của bạn.

Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *




Các tin mới hơn


Các tin khác


Đăng ký nhận bản tin

Nhận qua email bản tin thông báo về ấn phẩm, chương trình và sự kiện của Tâm sự 360.

Đối tác

IPPF
Logo-Rockefeller
Save-Child
CORDAID

Liên kết website

CCIHP
Lao động xa nhà

Đóng góp - Tài trợ

Thanh niên Việt Nam cần sự chung tay của bạn để có một cuộc sống lành mạnh, an toàn, thỏa mãn và tương lai bền vững.



Thống kê truy cập

Số người đang online: 5
Lượt truy cập: 34684668

bandar togel terbaik slot online gampang maxwin 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Togel Terbaik Dan Terbesar Min Bett 100 Perak 5Daftar Situs Bandar Togel Terpercaya Situs togel Resmi dan Terpercaya Aplikasi bandartogel terbaik dan terbesar di indonesia 5 Rekomendasi Situs Bandar Togel terbaik Rekomendasi Situs Bandar Togel Terbaik SLOT GACOR : Slot Online Gacor Terbaik SLOT DEMO : Slot Demo Gacor Terlengkap 5 Daftar Situs Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbesar Dan Terbaik Daftar Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Rekomendasi Slot Demo Anti Lag Slot Demo Gacor Situs Bandar Togel Resmi Rekomendasi Slot Demo Anti Lag TOTO ONLINE Akun Slot Demo Gacor Terlengkap 10 Daftar Bandar Togel Terbaik