''Nàng trứng'' là tớ đây Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Tớ có sức hấp dẫn đặc biệt với các chàng tinh trùng
tamsubantre.org - Trung bình một XX sẽ có khoảng bao nhiêu trứng trong suốt cuộc đời? Chân dung của một “nàng trứng” như thế nào? Vai trò của nàng ta ra sao? Điều bí mật của nàng là gì?... Tất tần tật những câu hỏi như thế sẽ được “bật mí” qua lời tự sự dưới đây của một “nàng trứng”. Cùng Blog4Tin lắng nghe câu chuyện của nàng, bạn nhé!
Gia đình tớ
Chẳng ai biết chính xác gia đình tớ có tất cả bao nhiêu chị em, nhưng ma ma của tớ nói, hình như gia đình tớ có khoảng 1 đến 2 triệu thành viên gì đó và tất cả sống quây quần trong hai ngôi nhà ấm cúng gọi nôm na là hai buồng trứng ngay từ khi “cô chủ” của tớ được sinh ra. Ngôi nhà nhỏ xinh đó có kích thước 3,5 x 2 x 1cm, nặng khảng 8 – 15 gram.
Ở thời điểm “kẹp nơ” mới oe oe chào đời, sức khoẻ của các “nàng trứng” như tớ vô cùng yếu ớt, nên chẳng thể bước chân ra khỏi cửa. Chỉ đến khi bước vào tuổi dậy thì, dưới tác động của nội tiết tố sinh dục, chị em tớ mới thay nhau lớn dần lên trong mỗi “tháng” và có những chị em đủ lớn để bắt đầu rời khỏi nang trứng thông qua cơ chế phóng noãn (rụng trứng). Trong suốt cuộc đời của XX, sẽ có khoảng 400 đến 500 “nàng trứng” chín, số còn lại bị teo đi hoặc không phát triển nữa.
Chân dung tớ
Tớ - một “nàng trứng” còn có tên gọi khác, một tên gọi vô cùng khoa học là nang noãn. Một “nàng trứng” như tớ, chắc hẳn ai cũng nghe danh từ lâu, nhưng mặt mũi tớ thế nào có lẽ rất ít người hình dung được. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì cho dù dùng đến thiết bị siêu âm hiện đại nhất, các bác sĩ với trình độ chuyên môn xuất sắc cũng khó có thể nhận diện được tớ. Với kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ bằng 1/10mm, tức là chỉ nhỏ xíu như đầu cây kim, tớ chỉ bị phát hiện khi đang trong giai đoạn “chín”. Tại thời điểm chín, cơ thể tớ thường có kích thước nằm trong khoảng 20 đến 28 mm . Với những XX vì một vài trục trặc liên quan đến nội tiết nào đó mà cơ thể tớ không thể trưởng thành đến ngưỡng này thì có lẽ, sự rụng trứng chẳng bao giờ xảy ra. Và khi đó, khả năng được làm mẹ của “kẹp nơ” ấy sẽ rất xa vời…
Để duy trì sự sống, tớ sẽ phải kết hợp với một anh chàng tinh trùng nào đó. Thời gian lý tưởng cho việc này là khoảng 12 đến 24 giờ sau khi tớ rụng. Còn nếu sau 48 giờ lang thang ở vòi trứng mà chẳng gặp được chàng tinh trùng nào, cơ thể tớ sẽ bị phân rã và đào thải ra ngoài cơ thể.
Vai trò của tớ
Duy trì nòi giống, đó là điều đầu tiên mà ai cũng hiểu khi nhắc đến vai trò của tớ. Tất nhiên, cái này hoàn toàn đúng. Nếu không có sự xuất hiện của tớ và các chị em, loài người sẽ chẳng bao giờ tồn tại được. Tớ sẽ kết hợp với tinh trùng X hoặc tinh trùng Y để tạo ra một bé gái hay bé trai vô cùng kháu khỉnh. Cơ thể tròn tròn của tớ không chỉ chứa dưỡng chất nuôi hợp tử trong một vài ngày đầu mà còn mang theo gen di truyền của các mama nữa. Chính vì vậy, khi sinh ra, các XX hoặc XY ít nhiều sẽ được hưởng cái mũi cao cao, đôi má hồng hồng, đôi môi xinh xinh… của mẹ.
Bên cạnh đó, thông qua cơ chế rụng trứng, các bác sĩ còn xác định được thời điểm mà các papa và mama nên làm “chuyện ấy” để có thể cho chào đời một thiên thần xinh ơi là xinh.
“Bật mí” những bí mật
Với một XX khoẻ mạnh, trung bình một tháng sẽ có một “nàng trứng” như tớ chín và rụng, được loa vòi trứng đón nhận, đưa vào vòi trứng. Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra đều tăm tắp vào một ngày nhất định trong tháng mà bị chi phối, ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Điều đầu tiên có thể kể đến là trạng thái sức khoẻ, nề nếp sinh hoạt của XX. Nếu bạn nào ăn ngủ “vô tổ chức”, suy nghĩ linh tinh, lo lắng suốt cả ngày…, tớ và chị kinh nguyệt sẽ chẳng bao giờ “ghé thăm” đúng như lịch đã sắp sẵn.
Ngoài ra, nếu ai không chịu ăn uống điều độ, khiến cơ quan sinh dục không thể hoạt động bình thường, cũng đừng mong có một phép màu nào đó khiến tớ vẫn phát triển bình thường và rụng đều đặn. Cho nên, nếu không cải thiện ngay chế độ ẩm thực, tớ dám đảm bảo XX dù có tinh thông mưu lược đến đâu cũng có lòng phát hiện được “hành tung” của tớ.
Tất nhiên, vẫn có rất nhiều “kẹp nơ” tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các điều kiện tớ đề ra mà vẫn không thấy tớ xuất hiện thì cũng đừng lo cuống lên. Có thể do ảnh hưởng của tuổi tác, tức là ở trong giai đoạn dậy thì, hoạt động của nội tiết tố chưa ổn định nên có những vòng kinh không có trứng chín và rụng (hiện tượng này đôi khi cũng xuất hiện ở các bác XX tuổi “xế chiều”).
Ngoài các yếu tố này, việc tớ bị “rụng” sớm hay muộn hơn theo những ghi chép, tính toán của “kẹp nơ” cũng phụ thuộc vào hưng phấn tình dục nữa bạn ạ. Các bác sĩ đã khẳng định, nếu XX đạt khoái cảm cao khi “lâm trận” hay lâu thật là lâu XX và XY mới “giao ban” một lần, thì rất có thể, tớ sẽ “rụng” bất thình lình mà chẳng thèm báo trước câu nào.
Có lẽ, vì việc nắm bắt được ngày tớ chia tay mái nhà buồng trứng và ghé thăm loa vòi vô cùng gian nan, nên bấy lâu nay, người ta vẫn dùng hai từ “đỏng đảnh” để miêu tả về tớ. Tiện đây, tớ cũng xin dùng từ “không an toàn” với những bạn nào hay áp dụng biện pháp tránh thai dựa vào việc tính toán ngày tớ rụng. Bạn biết không, cách tốt nhất để ngăn cản cuộc hèn hò giữa tớ và một chàng tinh trùng bảnh trai là sử dụng bao cao su, “kẹp nơ” và “cà vạt” ạ!
Hiểu rõ về một nàng trứng bé tẹo tèo teo như tớ chẳng hề đơn giản tí nào phải không bạn? Thế nhưng, sẽ vô cùng có ích nếu như bạn đã biết tuốt về tớ. Thế nên, còn chờ gì nữa mà không xem qua tập “hồ sơ” của tớ ngay từ bây giờ?
N.N
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00