Một số câu hỏi thường gặp về thuốc tránh thai khẩn cấp Thứ Năm, 07/03/2024, 00:00
Nguồn: nhs.uk
Thuốc tránh thai khẩn cấp là một trong những biện pháp ngừa thai khẩn cấp được sử dụng để giảm nguy cơ có thai ngoài ý muốn sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể sẽ dẫn đến những ảnh hưởng có hại cho cơ thể.
Ngừa thai khẩn cấp là gì?
Ngừa thai (tránh thai) khẩn cấp là việc sử dụng một số phương pháp để ngừa thai sau khi bạn nữ đã có quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc khi phương pháp tránh thai đang sử dụng không thành công.
Có những biện pháp ngừa thai khẩn cấp nào?
Tại Mỹ, có hai hình thức ngừa thai khẩn cấp, đó là:
- Thuốc viên tránh thai khẩn cấp. Bao gồm Ella (ulipristal acetate) và Plan B One-Step (levonorgestrel.). Nghiên cứu cho thấy Plan B One-Step bắt đầu mất hiệu quả ở những phụ nữ nặng hơn 75kg và loại thuốc này cũng không được khuyến nghị sử dụng cho bất kỳ ai vượt quá mức cân nặng này.
- Vòng tránh thai (IUD): là lựa chọn được đề xuất để tránh thai khẩn cấp trong nhóm phụ nữ có cân nặng hơn 75kg. IUD phải được đặt trong vòng 5 ngày kể từ ngày có quan hệ tình dục không được bảo vệ. Hiệu quả ngừa thai khoảng 99%. Một lợi ích là vòng tránh thai sau đó có thể được sử dụng để ngừa thai lâu dài. Nhược điểm: không bảo vệ chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao cao su dành cho nam hoặc nữ nên được sử dụng kèm với IUD. Một số phụ nữ có một số đặc điểm không thể sử dụng IUD.
Sau đây là một số giải đáp cho các câu hỏi khi sử dụng biện pháp ngừa thai khẩn cấp bằng thuốc tránh thai khẩn cấp:
1. Ai cần tránh thai khẩn cấp hay nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp khi nào?
Nếu bạn nữ có quan hệ tình dục không an toàn và không muốn có thai tại thời điểm quan hệ, cụ thể các trường hợp sau:
- Quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào.
- Ngưng dùng thuốc tránh thai hàng ngày khoảng từ 2 ngày, sau đó quan hệ tình dục không an toàn.
- Khi bị cưỡng bức và không muốn mang thai ngoài ý muốn.
- Quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su nhưng chất lượng kém, bao cao su thủng, rách hoặc bị tràn tinh dịch ra bên ngoài .
2. Có những loại thuốc viên tránh thai khẩn cấp nào?
Có ba loại thuốc tránh thai khẩn cấp
- Thuốc chỉ chứa progestin (levonorgestrel)
- Thuốc tránh thai dạng phối hợp
- Thuốc có hoạt chất ulipristal (Ella®)
3. Bao lâu sau quan hệ tình dục thì thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn có hiệu quả?
Mối liên quan giữa thời gian quan hệ và thuốc tránh thai khẩn cấp có liên quan đến nhau. Levonorgestrel hoạt động hiệu quả nếu dùng trong vòng 3 ngày sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể hoạt động đến 5 ngày sau khi quan hệ. Ella có thể hoạt động tới 5 ngày sau khi quan hệ. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ đạt ở mức trung bình. Hơn nữa, điều thực sự quan trọng để có hiệu quả tránh thai tốt đó là hiện bạn đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ của mình. Nếu bạn quan hệ tình dục khi bạn có khả năng sinh sản, chờ đợi vài ngày để tránh thai khẩn cấp có thể là quá muộn. Đó là lý do tại sao các chuyên gia nói rằng bạn nên sử dụng nó càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục.
4. Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin được sử dụng như thế nào?
Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin được trình bày dạng một viên hoặc hai viên thuốc được uống cách nhau 12 giờ. Nên bắt đầu uống thuốc càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai. Thuốc chỉ chứa progestin có thể được sử dụng hơn một lần trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt.
5. Hiệu quả của những viên thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin như thế nào?
Thuốc viên chỉ chứa progestin tránh thai chủ yếu bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng. Thuốc không có hiệu quả nếu bạn đã mang thai và không ảnh hưởng đến quá trình mang thai đã bắt đầu trước đó. Hiệu quả tránh thai giảm dần theo thời gian dùng thuốc, thuốc có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 72 giờ (3 ngày) quan hệ tình dục không an toàn, tương đối hiệu quả khi dùng trong vòng 120 giờ (5 ngày).
6. Thuốc phối hợp là gì?
Thuốc tránh thai có chứa estrogen và progestin được gọi là thuốc phối hợp.
7. Thuốc phối hợp được sử dụng để tránh thai khẩn cấp như thế nào?
Sử dụng thuốc với liều cao hơn liều thường dùng, thuốc tránh thai phối hợp có thể được sử dụng để tránh thai khẩn cấp, thường sử dụng hai liều. Số lượng thuốc cần thiết để tránh thai khẩn cấp là khác nhau cho từng biệt dược. Việc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp cần được thực hiện càng sớm càng tốt cho tới 120 giờ, hoặc 5 ngày, sau khi giao hợp không được bảo vệ. Cơ chế của thuốc tránh thai phối hợp là ngăn chặn sự rụng trứng.
8. Hiệu quả của thuốc tránh thai khẩn cấp dạng phối hợp như thế nào?
Thuốc tránh thai khẩn cấp dạng phối hợp không có hiệu quả tránh thai như thuốc chỉ chứa progestin. Vì lý do này và vì nguy cơ cao có thể gây buồn nôn và nôn, phương pháp tránh thai khẩn cấp sử dụng thuốc chỉ chứa progestin được ưa dùng hơn.
9. Thuốc chứa ulipristal được sử dụng như thế nào?
Ulipristal có thể sử dụng trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi giao hợp không được bảo vệ mà không có giảm hiệu quả. Ulipristal là thuốc phải kê đơn. Nghiên cứu cho thấy rằng ulipristal có hiệu quả tránh thai cao hơn thuốc chỉ chứa progestin nếu thực hiện đúng theo chỉ dẫn.
10. Ulipristal sử dụng lặp lại như thế nào?
Bởi những tác động của việc sử dụng lặp lại của ulipristal chưa được biết đến nên chỉ sử dụng thuốc một lần trong một chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp tránh thai có sử dụng hormone. Sử dụng một biện pháp tránh thai không dùng nội tiết tố (ví dụ: bao cao su) sau khi uống ulipristal cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
11. Làm thế để có được các thuốc tránh thai khẩn cấp?
- Ulipristal và thuốc tránh thai dạng phối hợp là những thuốc phải kê toa.
- Thuốc chỉ chứa progestin có thể mua tại các nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ nếu bạn từ 17 tuổi trở lên và phải theo toa bác sĩ nếu bạn là dưới 17 tuổi.
12. Các tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
- Hầu hết mọi người không có bất kỳ tác dụng phụ nào từ thuốc.
- Một số người có thể có những triệu chứng nhẹ như: buồn nôn và nôn có thể xảy ra sau khi uống thuốc chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai dạng phối hợp. Những tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: đau bụng và chuột rút, căng ngực, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
- Tác dụng phụ của ulipristal bao gồm: đau đầu, buồn nôn và đau bụng.
Những tác dụng phụ thường biến mất trong vòng một vài ngày. Nếu bạn bị tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và cung cấp cho bạn loại thuốc phù hợp hơn.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai
13. Tôi bị nôn sau khi uống thuốc, vậy tôi có được bảo vệ không?
Thuốc tránh thai khẩn cấp đôi khi có thể gây nôn. Nếu bạn bị nôn hơn 2 giờ sau khi bạn uống, thì bạn sẽ vẫn được bảo vệ. Nếu bạn bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống, hãy gọi bác sĩ để được tư vấn. Khi đó, bạn có thể sẽ cần dùng thuốc để giải quyết tình trạng dạ dày và sau đó dùng liều tránh thai khẩn cấp thứ hai.
14. Ra máu sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp có sao không?
Có thể đây là tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, chảy máu nhiều thì bạn cần chủ động đi đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
15. Thuốc ngừa thai khẩn cấp có an toàn không?
Thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai dạng phối hợp an toàn ngay cả đối với những người phụ nữ bình thường được khuyến cáo không sử dụng biện pháp ngừa thai có sử dụng hormone. Tuy nhiên, các thuốc này không nên được sử dụng để tránh thai dài hạn vì sử dụng thường xuyên thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn.
16. Khi nào chu kỳ kinh nguyệt sẽ bình thường trở lại sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp?
Chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo có thể không xảy theo đúng thời gian dự kiến, có thể đến sớm hơn một vài ngày hoặc muộn hơn, có thể có xuất huyết bất thường trong tuần hoặc tháng sau khi dùng thuốc.
Kỳ kinh nguyệt sẽ bị trễ từ 2 – 15 ngày so với kỳ bình thường tùy vào loại thuốc tránh thai khẩn cấp mà bạn sử dụng.
17. Có thể có thai trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi đã sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp hay không?
Vẫn có thể mang thai trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt sau khi đã sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Để tránh mang thai, nên sử dụng một biện pháp tránh thai rào chắn (ví dụ: bao cao su) cho đến khi có kinh nguyệt. Có thể bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai, miếng dán hoặc vòng âm đạo ngay sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp và dùng bao cao su cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
18. Nếu tôi đã có thai và uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì có ảnh hưởng gì không?
Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã có thai, thì bạn không nên dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp. Các hormone trong Plan B One-step hoặc Levonorgestrel sẽ không hoạt động tại thời điểm đó. Hơn nữa, nếu bạn sử dụng Ella sẽ không an toàn cho bạn.
19. Dùng nhiều hơn một loại thuốc tránh thai khẩn cấp có cải thiện được tỷ lệ tránh thai thành công không?
Không. Bởi vì, một loại có thể chặn hiệu ứng của loại kia. Nên sử dụng một loại và làm đúng theo hướng dẫn.
20. Có nên uống nhiều viên thuốc tránh thai khẩn cấp để tăng hiệu quả không?
Tuyệt đối không vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản sau này.
21. Một viên thuốc tránh thai khẩn cấp có thể kéo dài thời gian bảo vệ trong bao lâu? Tôi có thể quan hệ tình dục hơn một lần mà vẫn được bảo vệ không?
Hãy cân nhắc thật kỹ khi sử dụng thuốc. Bởi các viên thuốc có thể chỉ trì hoãn sự rụng trứng chứ không ngăn rụng trứng hoàn toàn. Nếu quan hệ tình dục lần hai, thì nguy cơ mang thai của bạn sẽ cao hơn. Cho nên, bạn nên chọn thêm phương pháp tránh thai khác để thay thế và đảm bảo an toàn cho bạn.
22. Tôi có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều hơn một lần trong một tháng không?
Bạn chỉ nên sử dụng Ella một lần trong chu kỳ của mình. Bạn có thể sử dụng Plan B One-Step và Levonorgestrel không quá 2 lần/ chu kỳ. Nhưng nếu bạn thường xuyên muốn ngăn ngừa mang thai, thì bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai thường xuyên.
23. Có cách nào tôi có thể sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên như tránh thai khẩn cấp không?
Ở liều cao hơn, thuốc tránh thai thường xuyên với progesterone và estrogen có thể có tác dụng tránh thai khẩn cấp. Nhưng, bạn nên hỏi bác sĩ trước khi quyết định sử dụng nó.
24. Sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, khi nào tôi nên bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai thường xuyên một lần nữa?
- Nếu bạn sử dụng bao cao su, màng ngăn hoặc một loại kiểm soát sinh sản nào đó, thì bạn hãy bắt đầu sử dụng ngay.
- Nếu bạn dùng thuốc tránh thai hoặc sử dụng miếng dán hoặc vòng âm đạo, nhưng đã bỏ lỡ một số liều, thì bạn hãy bắt đầu sử dụng ngay vào ngày hôm sau.
- Cách bạn bắt đầu hoặc quay lại sử dụng biện pháp tránh thai sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp tùy thuộc vào loại thuốc bạn đã sử dụng:
- Nếu bạn đã sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ chứa progestin hoặc viên kết hợp, bạn có thể tiếp tục hoặc bắt đầu bất kỳ phương pháp ngừa thai nào ngay lập tức. Trong 7 ngày tiếp theo, bạn phải sử dụng thêm phương pháp rào chắn như bao cao su nếu có quan hệ tình dục.
- Nếu bạn đã sử dụng viên chứa Ulipristal và muốn tiếp tục hoặc bắt đầu sử dụng phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố (như thuốc viên uống hàng ngày, miếng dán, que cấy, thuốc tiêm hoặc vòng tránh thai nội tiết), bạn cần đợi đến 5 ngày sau khi dùng Ulipristal. Sử dụng phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố và dùng Ulipristal cùng lúc có thể làm giảm hiệu quả ngừa thai của cả 2 loại thuốc. Bạn cũng phải sử dụng thêm phương pháp rào chắn như bao cao su nếu có quan hệ tình dục cho đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
25. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng khả năng sinh sản về sau không?
- Không. Nếu bạn sử dụng theo đúng hướng dẫn.
- Chắc chắn là có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh con về sau nếu bạn dùng quá 2 lần/tháng và 3 lần/năm.
26. Cần theo dõi như thế nào sau khi sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp?
- Bạn không cần bất kỳ kiểm tra gì ngay sau khi uống thuốc ngừa thai khẩn cấp.
- Tuy nhiên, nếu sau đó bạn bị trễ kinh trong vòng một tuần theo thời gian dự kiến hoặc ra huyết bất thường, hãy thực hiện một test thử thai hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra liệu bạn đã ngừa thai thất bại và mang thai ngoài ý muốn hay không.
- Nếu bạn có thai, thuốc tránh thai khẩn cấp không gây tác động xấu lên thai kỳ và sức khỏe thai nhi.
27. Dấu hiệu nhận biết hiệu quả của thuốc tránh thai khẩn cấp
Bạn sẽ có cảm giác trong cơ thể hơi mệt khi thuốc có tác dụng. Sau đó nếu như bạn vẫn có kỳ kinh đều ngày thì chứng tỏ bạn không mang thai, nói cách khác chính là thuốc tránh thai có hiệu quả.
28. Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi uống thuốc tránh thai?
Khi cơ thể bạn có một số tình trạng bệnh khác hoặc có dấu hiệu, tác dụng phụ nào đó khiến bạn không dễ chịu thì có thể đến gặp bác sĩ ngay.
Tóm lại, thuốc tránh thai khẩn cấp có thể sử dụng được nhiều hơn 1 lần trong mỗi chu kỳ kinh. Tuy nhiên bạn không nên dùng nó như một phương pháp tránh thai chủ động, dài hạn và có kế hoạch, bởi vì tác dụng tránh thai của phương pháp này thấp hơn rất nhiều so với các phương pháp tránh thai dài hạn khác như thuốc uống tránh thai hàng ngày, thuốc tiêm, que cấy tránh thai, đặt vòng tử cung, cũng như các phương pháp rào chắn (bao cao su). Khi sử dụng ngừa thai khẩn cấp, nguy cơ có thai ngoài ý muốn là rất cao. Thuốc tránh thai khẩn cấp cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với các phương pháp tránh thai khác. Do đó, nếu bạn đang có kế hoạch không mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn phương pháp tránh thai phù hợp.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn; tudu.com.vn; dr.marie
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tìm hiểu về UNG THƯ VÚ – Phần 1 Thứ Tư, 15/01/2025, 00:00
- Nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ Thứ Sáu, 10/01/2025, 00:00
- Dự phòng lây truyền HIV qua đường tình dục Thứ Năm, 09/01/2025, 00:00
- 27 điều bạn nên biết trước khi “mất” trinh tiết Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Hướng dẫn vắt sữa, trữ sữa và bảo quản sữa mẹ Thứ Ba, 05/11/2024, 17:34
- Nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng cho người nhiễm HIV Chủ Nhật, 01/12/2024, 00:00
- Mang thai hộ - Thông tin cần biết Thứ Ba, 16/07/2024, 00:00
- 6 chế độ ăn uống ảnh hưởng đến đời sống tình dục ở nam giới Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tìm hiểu về bệnh ung thư Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
Các tin khác
- CÁCH SỬ DỤNG BAO CAO SU NỮ Thứ Tư, 06/03/2024, 00:00
- DẤU HIỆU CỦA BỆNH LẬU Ở CẢ NAM VÀ NỮ Thứ Tư, 06/03/2024, 00:00
- Lần đầu làm “chuyện ấy” nên kết thúc như thế nào? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục – những điều cần biết Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- QUAN HỆ GẦN NGÀY KINH NGUYỆT LIỆU CÓ KHẢ NĂNG MANG THAI? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Màng chắn miệng – những điều cần biết Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Tình trạng béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như thế nào? Thứ Hai, 04/03/2024, 00:00
- Thuốc tránh thai khẩn cấp – những điều cần biết Thứ Bẩy, 02/03/2024, 00:00
- Cách sử dụng bao cao su nam Thứ Sáu, 01/03/2024, 00:00
- Nguy cơ lây nhiễm HIV và các rủi ro khi quan hệ tình dục đường hậu môn Thứ Ba, 27/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục lần đầu thế nào để được trọn vẹn? Thứ Hai, 26/02/2024, 00:00
- 10 LÝ DO KHIẾN ĐÀN ÔNG BỊ ĐAU SAU “CHUYỆN ẤY” Thứ Bẩy, 24/02/2024, 00:00