Làm sao để nhận biết triệu chứng mang thai ngoài tử cung? Thứ Sáu, 08/09/2023, 00:00
Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng và tinh trùng sau được thụ tinh và sau đó làm tổ tại một vị trí khác thay vì trong buồng tử cung. Thai ngoài tử cung khi vỡ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sản phụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tìm hiểu các dấu hiệu thai ngoài tử cung sẽ giúp chị em phát hiện sớm tình trạng này để được xử trí kịp thời.
1. Thai ngoài tử cung là gì ?
Về mặt sinh lý, mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có một noãn (trứng) “chín” và được buồng trứng giải phóng đến vòi trứng hay còn được gọi là ống dẫn trứng. Tại đây, noãn trưởng thành sẽ gặp tinh trùng và được thụ tinh. Sau quá trình thụ tinh, phôi sẽ được hình thành và di chuyển đến tử cung qua ống dẫn trứng rồi đi vào lớp nội mạc tử cung để làm tổ tại đây. Sau đó, phôi tiếp tục phát triển trong lòng tử cung cho đến khi thai nhi chào đời.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau khi trứng được thụ tinh với tinh trùng nhưng lại làm tổ và phát triển ở bên ngoài buồng tử cung, hiện tượng này được gọi là thai ngoài tử cung hay thai lạc chỗ. Thai lạc chỗ có thể làm tổ ở nhiều bộ phận khác như buồng trứng, vết sẹo mổ thai cũ, ổ bụng, phúc mạc, mạc nối lớn... Trong số những thai ngoài tử cung thì phần lớn là làm tổ ở vòi trứng. Thậm chí, trên thế giới đã có một vài trường hợp thai làm tổ tại màng phổi, màng tim, gan...
Thai ngoài tử cung là một bệnh lý nguy hiểm vì khi thai không được buồng tử cung bảo vệ, khi phát triển lớn lên nó rất dễ bị vỡ và chảy máu ồ ạt vào trong ổ bụng, tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bà bầu.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của mang thai ngoài tử cung
Đa số thai phụ gặp phải tình trạng thai lạc chỗ đều liên quan đến một hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:
- Ống dẫn trứng, vòi trứng bị viêm và có sẹo do bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật hoặc bị viêm nhiễm trước đó.
- Nội tiết tố thay đổi hoặc hoạt động bất thường.
- Có các dị dạng cơ quan sinh dục, thường là bẩm sinh.
- Liên quan đến yếu tố di truyền.
- Bệnh nhân mắc phải các tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của cơ quan sinh sản.
Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:
- Phụ nữ càng lớn tuổi.
- Tiền sử mang thai ngoài tử cung có thể làm tăng 10% nguy cơ gặp lại tình trạng này trong những lần mang thai kế tiếp.
- Phụ nữ có tiền sử hoặc đang bị viêm hoặc nhiễm trùng ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung... Đặc biệt trong số đó là viêm vòi trứng hay viêm vùng chậu (PID) là hai tình trạng có nguy cơ rất lớn khiến thai làm tổ ở ngoài tử cung ở nữ giới.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, Chlamydia...
- Hút thuốc lá
- Phụ nữ đang điều trị vô sinh - hiếm muộn
- Các bất thường ở ống dẫn trứng thường là do bẩm sinh hoặc phẫu thuật trước đó.
- Từng có các phẫu thuật ở vùng chậu như mổ lấy thai hoặc cắt bỏ u xơ, u nang buồng trứng.
- Dùng thuốc tránh thai, đặc biết là thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc dụng cụ tránh thai (IUD).
- Thắt ống dẫn trứng (một thủ thuật triệt sản ở phụ nữ).
3. Triệu chứng mang thai ngoài tử cung
Chị em có thể tự phát hiện tình trạng thai ngoài tử cung dựa vào 3 triệu chứng thường gặp dưới đây:
- Những dấu hiệu mang thai thông thường như chậm kinh, căng tức ngực, buồn nôn...
- Chảy máu âm đạo thường có lượng ít hoặc xuất hiện một chút máu hồng ngoài chu kỳ kinh nguyệt có thể được gọi là máu “báo thai”. Máu này thường có màu hồng nhạt, thời gian xuất hiện sẽ ngắn hơn thời gian hành kinh thông thường và ít khi gây đau bụng. Tuy nhiên, nếu chị em thấy ra máu âm đạo kéo dài, không liên quan đến chu kỳ kinh, máu có màu đỏ sẫm thì các mẹ nên liên hệ với các bác sĩ Phụ Sản vì có thể đã mang thai ngoài tử cung.
- Đau bụng khi hành kinh là tình trạng nhiều phụ nữ có thể gặp phải. Tuy nhiên, khi cảm thấy đau nhói bụng dưới, thường thì xuất hiện ở một bên. Đôi khi là hai bên, đau âm ỉ kéo dài, đau mót rặn như táo bón, đôi khi mức độ đau dữ dội kèm thấy chảy máu âm đạo thì khả năng đây là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Mức độ đau thường tỉ lệ thuận với mức độ phát triển của khối thai đó.
Có nhiều trường hợp sản phụ còn có thể cảm thấy đau bụng dữ dội, chân tay bủn rủn, đau nhức vai, toát mồ hôi, da niêm nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu hoặc hôn mê. Khi gặp phải những dấu hiệu này thì sản phụ cần đi khám ngay.
4. Các phương pháp chẩn đoán
Mang thai ngoài tử cung dấu hiệu đôi khi vẫn còn mơ hồ, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm hỗ trợ chẩn đoán tình trạng này, bao gồm:
- Thử thai bằng việc thực hiện xét nghiệm máu để định lượng nồng độ HCG (βhCG) trong máu. βhCG là hoạt chất chỉ xuất hiện khi phụ nữ đang mang thai, do đó xét nghiệm này giúp xác định chính xác bệnh nhân có mang thai hay không. Tuy nhiên, βhCG không thể cung cấp thông tin về vị trí thai nằm trong hay nằm ngoài tử cung.
- Siêu âm: Đối với trường hợp nghi ngờ, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí của túi thai, thường sẽ sử dụng phương pháp siêu âm qua ngã âm đạo - TVS. Kết quả siêu âm TVS sẽ cho thấy trong buồng tử cung có hay không có túi thai, hoặc có thể thấy được hình ảnh túi thai nằm tại ống dẫn trứng. Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu trong ổ bụng khi thai ngoài tử cung bị vỡ.
- Các xét nghiệm máu khác: Ngoài xét nghiệm huyết thanh để kiểm tra nồng độ βhCG, chị em có thể được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm máu khác nhằm giúp kiểm tra tình trạng thiếu máu, kiểm tra nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu gấp.
- Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng là một phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán chính xác thai ngoài tử cung một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, phương tiện này rất hiếm được sử dụng vì yêu cầu máy móc hiện đại và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm.
5. Diễn tiến của tình trạng thai ngoài tử cung
Một khối thai ngoài tử cung thường sẽ không phát triển bình thường do không có đủ chỗ trống kèm theo không có nhau thai để cấp máu và dinh dưỡng cho thai phát triển. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, phôi thai sẽ to dần lên và làm tăng nguy gây vỡ vòi trứng, điều này là cực kỳ nguy hiểm hoặc thậm chí đe dọa mạng sống của mẹ.
Thai ngoài tử cung có thể diễn tiến theo nhiều cách khác nhau như sau:
- Vỡ khối thai ngoài và gây chảy máu ồ ạt: Phôi thai làm tổ ngoài tử cung sẽ ngày càng to lên mà kích thước vòi trứng không có đủ chỗ trống để bao bọc bào thai. Khi vòi trứng bị phồng lên quá mức đến khi bị vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng. Tình trạng này hết sức nguy hiểm và được xem là một tình trạng cấp cứu sản khoa. Bệnh nhân cần phải phẫu thuật ngay để giảm tử vong cho mẹ
- Thai tự ngừng phát triển và thoái hóa đi: Trong nhiều trường hợp thai lạc chỗ, phôi thai không được cung cấp đầy đủ máu và dinh dưỡng giống như trong buồng tử cung. Sau đó, phôi thai này cũng tự ngừng phát triển, lúc này bệnh nhân cần được theo dõi cho đến khi thai ngừng phát triển hoàn toàn.
- Sảy thai qua vòi trứng và vào ổ bụng: Khối thai làm tổ ở vòi trứng, vị trí vốn dĩ không dành để nuôi thai nên nó dễ bị bong ra gây sẩy thai, kéo theo tình trạng chảy máu vào ổ bụng. Nếu chỉ chảy máu lượng ít thì khối thai và máu có thể tự tiêu đi. Nếu chảy máu nhiều có thể gây ứ đọng trong ổ bụng, tạo thành các khối tụ máu tại đây.
Mang thai ngoài tử cung không phải là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho các mẹ bầu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chị em cũng như người thân cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến các dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung, từ đó phát hiện sớm và đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản để được điều trị kịp thời.
Theo Vinmec
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
Các tin khác
- Thận trọng khi dùng thuốc chống co thắt tử cung Thứ Năm, 07/09/2023, 15:00
- Nhiễm trùng bàng quang và thận ở phụ nữ sau sinh con Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Cơ thể bạn biến đổi thế nào sau khi sinh con? Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Chườm nóng vùng thắt lưng khi mang thai có ảnh hưởng gì không? Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Các bước vệ sinh vùng kín đúng cách bạn cần biết Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Vì sao sau IUI bị đau tức bụng dưới ? Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Các dấu hiệu phôi làm tổ an toàn Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Khi gần sanh có dấu hiệu gì? Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Hướng dẫn vệ sinh vùng kín khi đang bị viêm nhiễm vi khuẩn Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Các triệu chứng sau bơm IUI 5 - 7 ngày Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00
- Cách làm giảm co bóp tử cung khi mang thai Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00
- Các dấu hiệu sau 9 ngày chuyển phôi có thể gặp Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00