Hiểu đúng về hút điều hoà kinh nguyệt Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Cần hiểu đúng về hút điều hoà kinh nguyệt
tamsubantre.org - Hút điều hoà kinh nguyệt tuy không phải là một thuật ngữ mới nhưng vẫn còn rất nhiều “lầm tưởng” xung quanh nó. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cho bạn.
Lầm tưởng 1: Hút điều hoà kinh nguyệt là biện pháp giải quyết vấn đề rối loạn kinh nguyệt của XX.
Sự thực là: Có lẽ vì hút điều hoà kinh nguyệt còn được gọi là “đi điều kinh” hoặc “đi thông kinh” nên nhiều người đã nhầm tưởng rằng đây là biện pháp nhằm chữa chứng rối loạn kinh nguyệt. Nhưng kì thực nó chính là hút thai - một trong những biện pháp đình chỉ thai nghén phổ biến hiện nay đối với những trường hợp thai dưới 8 tuần tuổi. Vì khi mang thai, bạn gái sẽ không có kinh nguyệt nên người ta còn gọi hút thai là hút điều hòa kinh nguyệt, tức là can thiệp để lấy hết tổ chức thai ra ngoài và bạn gái có kinh nguyệt trở lại.
Lầm tưởng 2: Hút điều hoà kinh nguyệt là biện pháp đình chỉ thai an toàn và không có biến chứng
Sự thực là: Mặc dù hút thai là thủ thuật đơn giản, ít gây đau đớn và không phải nong cổ tử cung như nạo, gắp thai nhưng hút điều hoà kinh nguyệt không phải là biện pháp tuyệt đối an toàn như nhiều người vẫn tưởng mà luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ trong và sau khi làm thủ thuật. Ví dụ như việc sót rau có thể gây nên tình trạng chảy máu kéo dài, khiến buồng tử cung bị viêm nhiễm do nhiềm khuẩn. Thêm vào đó, việc đưa ống hút vào trong buồng tử cung có thể là điều kiện tốt cho vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào trong buồng tử cung gây nhiễm khuẩn.
Một nguy cơ khác cũng cần đề phòng là việc các chất dịch trong buồng tử cung bao gồm máu, thanh dịch, niêm mạc, những mảnh vụn nhỏ của tổ chức phôi thai bị phân hủy... cũng sẽ tạo thành một môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển, gây viêm niêm mạc tử cung. Trong trường hợp xấu, sự viêm nhiễm này lan tỏa lên vòi trứng gây hẹp hoặc tắc vòi trứng sẽ dẫn đến tình trạng vô sinh. Ngoài ra, việc hút thai vẫn có thể làm thủng tử cung, thậm chí có thể làm thủng ruột hoặc rách bàng quang. Việc điều trị các biến chứng này rất phức tạp, tốn kém và hiệu quả lại không chắc chắn.
Vì thế, nếu gặp các triệu chứng như đau nhiều ở bụng dưới, cảm lạnh hoặc sốt, ra máu ồ ạt, kéo dài, ra khí hư nhiều và có mùi hôi… sau khi hút thai thì bạn cần đến gặp bác sĩ để phát hiện và chữa trị kịp thời.
Lầm tưởng 3: Xê xích “một vài tuần tuổi” khi hút điều hoà kinh nguyệt cũng không phải là vấn đề lớn
Sự thực là: Việc bạn “ăn gian” một vài ngày tuổi, tuần tuổi khi muốn hút điều hoà kinh nguyệt sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn bạn tưởng đấy. Một số trường hợp, thai đã quá to nhưng vì sợ nạo (sợ đau đớn, sợ biến chứng) nên đã gian lận tuổi thai hay nài nỉ bác sĩ để được hút điều hoà kinh nguyệt. Nhưng vì ống hút chỉ đủ để hút thai đúng ngày tuổi theo quy định nên rất dễ sót thai. Ngay cả nếu như đi hút điều hòa kinh nguyệt quá sớm cũng không phải là không có nguy cơ. Vì những trường hợp hút quá sớm, khi phôi thai chưa vào làm tổ ở trong buồng tử cung thì lại dẫn đến tình trạng “hút gió”, sau đó phôi thai vẫn tiếp tục vào làm tổ và phát triển ở buồng tử cung. Chính vì vậy trước khi tiến hành thủ thuật hút thai, bao giờ bác sỹ cũng yêu cầu bạn gái phải siêu âm để xác định chính xác tuổi thai, cộng với việc hỏi thông tin về chu kỳ kinh nguyệt gần nhất để đối chiếu. Một số cơ sở y tế nếu bác sỹ hạn chế về trình độ chuyên môn có thể bỏ qua thông tin quan trọng này thì bạn cần phải nhớ nhắc nhở bác sỹ để bảo vệ bản thân mình, chứ đừng “tát nước theo mưa” nhé.
Lầm tưởng 4: Bác sĩ cứ dặn quá chứ hút điều hoà kinh nguyệt đơn giản vậy thì cần gì kiêng khem “ác” thế
Sự thực là: Có nhiều người cho rằng hút điều hoà kinh nguyệt là biện pháp ít đau đớn và ít tổn thương cho cơ thể nên bác sĩ dặn kiêng khem cũng chỉ là cho có thôi và nếu không thực hiện được “bản danh sách những điều cấm” ấy cũng không sao. Nhưng kì thực, sau khi hút điều hoà kinh nguyệt thì cơ thể bạn sẽ “yếu” hơn (nhất là “cô bé” của bạn) dù cho bạn có nhận ra điều ấy hay không. Đây chính là điều kiện tốt để cho chứng “nhiễm trùng đường sinh dục” phát triển. Vì thế, bạn cần tránh làm việc nặng nhọc ít nhất hai tuần sau đó, vệ sinh “cô bé” cẩn thận, đúng cách và uống thuốc kháng sinh theo đúng chỉ dẫn để tránh viêm dính buồng tử cung. Đồng thời cũng phải kiêng “chuyện ấy” ít nhất là 3 tuần sau khi hút thai và việc có quan hệ tình dục trở lại phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ cũng như sự phục hồi của cơ quan sinh dục của bạn. Đừng quên rằng bạn phải tái khám trở lại sau khi hút thai hai tuần.
Lời kết
Có thai ngoài ý muốn và phải đi giải quyết là điều không ai muốn. Để tránh phải thực hiện thủ thuật hút điều hoà kinh nguyệt cũng như các biện pháp phá thai khác, cách đơn giản nhất là sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn như thuốc tránh thai, bao cao su… Đây là một giải pháp vừa an toàn, vừa kinh tế hơn cho bạn. “Phòng” thì bao giờ cũng dễ hơn “chữa”.
Tiếu Vấn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00