Giáo dục tình dục và sức khỏe sinh sản an toàn Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Hội nghị giáo dục tình dục Nhốt hươu? đuổi hươu? Vẽ đường cho Hươu chạy
Sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai vị thành niên, buôn bán phụ nữ... đã trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do sự thiếu hiểu biết về tình dục và sức khỏe sinh sản an toàn.
Về vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện phó Viện nghiên cứu Phát triển xã hội khẳng định: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xác định rõ ràng quan điểm với giáo dục tình dục: Cấm đoán, bỏ mặc hay định hướng, dẫn dắt. Và, trước những diễn biến của tình hình mới hiện nay, đã đến lúc những cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cần tập trung lại không phải để tranh luận nên hay không nên giáo dục tình dục vì sự cấp thiết của nó đã quá rõ ràng. Việc phải làm ngay chính là phải thảo luận về những nội dung then chốt của giáo dục tình dục bao gồm khung khái niệm và nội dung, chiến lược, phương pháp và nguồn lực. Giáo dục tình dục phải được mở rộng đến tất cả các nhóm tuổi, các nhóm xã hội và phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, những người làm công tác xã hội, truyền thông, các nhà làm chính sách và cả cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ: Tôi đã chứng kiến sự bế tắc tuyệt vọng của những người chuyển giới, những người đồng tính vì sự kỳ thị của gia đình, bạn bè; tôi đã nghe những lời tâm sự của các cô gái vì không thể thuyết phục bạn trai dùng biện pháp ngừa thai để rồi phải trải qua biết bao dằn vặt, đau đớn khi phải bỏ đi kết quả tình yêu của họ... Đau lòng hơn cả là câu chuyện những đứa trẻ non nớt bị xâm hại tình dục. Tôi cũng không thể tránh khỏi cảm giác buồn tiếc cho những thủ phạm còn đang ở độ tuổi vị thành niên mà phải vướng vòng lao lý. Và TS Hồng cho rằng, tất cả những câu chuyện buồn đó đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết tình dục và những điều liên quan đến nó. Do đó, chỉ có kiến thức mới giảm thiểu hết những điều đáng buồn nêu trên. Nếu được trang bị những kiến thức về tình dục toàn diện sẽ giúp chúng ta đối phó và đẩy lùi các tệ nạn, trong đó có nạn HIV/AIDS.
Bà Đinh Phương Nga, thành viên của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho rằng, mục đích cuối cùng của việc giáo dục tình dục chính là để cộng đồng, nhất là những người trẻ nhận thức đúng về tình dục và quan hệ tình dục an toàn, tránh những tác động của internet đa chiều, của các “website đen”... Thành viên của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số này còn cho rằng, đối với công tác giáo dục tình dục hiện nay, truyền thông cần mạnh mẽ hơn trong việc đưa hiện trạng xã hội gần hơn, đồng thời có cái nhìn cởi mở hơn về các khía cạnh của tình dục, thay vì áp đặt một phía và chỉ đổ lỗi cho thanh niên trong việc sống thoáng, sống gấp...
Đồng quan điểm này, Kiều Linh, một chuyên gia tâm lý và làm công tác tư vấn đang công tác tại website Tâm sự bạn trẻ (www.tamsubantre.org) chia sẻ, gắn bó với công việc từ năm 2004 đến nay, qua việc tiếp xúc với các nhóm thanh niên, có một thực tế là nhận thức và những thắc mắc của các bạn trẻ về các khía cạnh tình dục và sức khỏe sinh sản đã có những thay đổi theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn. Từ thuở ban đầu còn rụt rè, e ngại, thậm chí có nhiều câu hỏi, thắc mắc gửi đến trang tin điện tử còn đơn giản, thậm chí thiếu hiểu biết thì nay đã có cách hiểu sâu hơn vào các khía cạnh làm thế nào để đảm bảo an toàn hơn, cách xử lý những tình huống...
Theo Kiều Linh, những hiện tượng liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục thực tế đã tồn tại trong xã hội, không phải chờ đến thời điểm nào mới thành xu hướng hay trào lưu. Người trẻ có sức trẻ, sự chủ động và khát khao tìm hiểu những cái mới mẻ, học hỏi những điều mới lạ, đồng thời bản thân họ cũng tồn tại mâu thuẫn giữa những mong muốn trải nghiệm với niềm tin về giá trị bản thân theo quan điểm truyền thống, do đó, cần phải có những định hướng, giáo dục để họ nhận thức, hiểu biết và khôn ngoan hơn trong hành động của mình. Cần cung cấp cho họ các kiến thức để họ có thể xác định những tiêu chí của chính bản thân mình một cách đúng đắn, từ đó có những quyết định phù hợp, không gây tổn hại tới sức khỏe, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, hệ thống internet và các trang mạng xã hội, những vấn đề về tình dục và sức khỏe sinh sản sẽ không phải quá khó khăn để người ta có thể tiếp cận. Vì thế, điều quan trọng chính là cách thức tiếp cận và áp dụng như thế nào mà không làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tinh thần của mỗi cá nhân, không gây ra những tác động tiêu cực tới cộng đồng chung. Điều này phụ thuộc vào việc giáo dục và tăng cường truyền thông, đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp kiến thức và định hướng đúng đắn cho công chúng, góp phần vào những nỗ lực chung vì đời sống tình dục hạnh phúc, vì quyền tình dục và sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản của mỗi người dân./.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00