Giải mã những bí mật về cô nàng hóc môn HCG trong thai kỳ Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
tamsubantre.org - Nhiều bạn gái khi nghi ngờ có thai thường đến các cơ sở y tế để kiểm tra và được yêu cầu làm xét nghiệm HCG trước khi siêu âm. Vậy HCG là gì và có ý nghĩa như thế nào trong việc chẩn đoán và xác định tình trạng thai nghén? Cùng Tâm sự bạn trẻ khám phá cô nàng HCG bí hiểm này nhé.
hCG là gì?
HCG là một loại hóc môn của con người với tên đầy đủ là hóc môn gonadotropin màng đệm ở người. Đây là loại hóc môn đặc biệt chỉ xuất hiện khi bạn gái có thai.
hCG hiện diện trong cơ thể như thế nào?
Khi bạn gái có thai, các tế bào hình thành nên nhau thai sẽ sản xuất ra loại hóc môn hCG này. Chúng có chức năng nuôi dưỡng trứng sau khi được thụ tinh và dính vào thành tử cung. Đồng thời sự có mặt của hóc môn hCG trong máu và nước tiểu giúp nhận biết sự có thai cũng như một số tình trạng bất thường của thai nghén.
Nhận biết hCG bằng cách nào?
Hiện nay có hai loại xét nghiệm HCG thường gặp, đó là xét nghiệm HCG định tính giúp trả lời câu hỏi “Có HCG hiện diện trong cơ thể hay không” (thông qua xét nghiệm mẫu máu hoặc xét nghiệm mẫu nước tiểu – sử dụng que thử thai nhanh) nhằm xác định việc có thai hay không và xét nghiệm HCG định lượng (gọi là xét nghiệm beta HCG) để trả lời câu hỏi “lượng HCG thật sự hiện diện trong máu là bao nhiêu” (chỉ xét nghiệm beta HCG với mẫu máu) nhằm xác định một số trường hợp bất thường thai nghén.
Nồng độ hóc môn hCG được tính theo đơn vị milli-international units (đơn vị quốc tế) trên mỗi mili-lít (ký hiệu là mIU/ml). Nếu nồng độ hCG thấp hơn 5mIU/ml được xem là âm tính đối với thai kỳ, nếu như nó cho kết quả trên 25mIU/ml thì được xem là dương tính đối với thai kỳ.
Thông thường, nồng độ hCG tăng lên gấp đôi sau mỗi 48-72 giờ ở khoảng 85% thai kỳ bình thường. Ở giai đoạn muộn hơn, khi mà nồng độ hCG đã cao hơn trước, sẽ cần phải mất nhiều thời gian hơn để nó tăng gấp đôi nồng độ (sau khoảng mỗi 96 giờ).
Khi siêu âm qua ngả âm đạo (siêu âm đầu dò âm đạo) có thể phát hiện ra túi thai khi nồng độ hCG đạt đến giá trị 1000 - 2000 mIU/ml. Do nồng độ này có thể thay đổi rất nhiều và ngày thụ thai có thể bị tính sai nên không nên chẩn đoán dựa trên siêu âm trước khi nồng độ hCG đạt đến giá trị tối thiểu là 2000 mIU/ml.
Chỉ một kết quả hCG duy nhất không cung cấp đủ thông tin cho bác sĩ để chẩn đoán. Khi có nghi vấn về sức khỏe của thai phụ, các bác sĩ có thể sẽ cho thực hiện nhiều xét nghiệm hCG cách nhau 1,2 ngày để giúp tiếp cận được chẩn đoán chính xác hơn.
Thông thường bác sỹ không yêu cầu thai phụ phải kiểm tra nồng độ hCG định kỳ, trừ những trường hợp có các dấu hiệu nghi ngờ thai nghén bất thường như chảy máu âm đạo, đau bụng dưới, co thắt vùng bụng, tử cung, đã từng bị sảy thai… Nếu nồng độ hCG thấp hoặc cao hơn nhiều so với tuổi thai dự tính thì phải kiểm tra lại trong vòng 48-72 giờ để theo dõi sự thay đổi của nó. Nồng độ hCG thấp có thể là biểu hiện của việc tính sai tuổi thai, có khả năng sảy thai hoặc trứng bị hư, thai ngoài tử cung. Còn nồng độ hCG cao quá mức gợi báo việc tính sai tuổi thai, nguy cơ thai trứng, đa thai, nguy cơ hội chứng Down khi lượng AFP trong máu giảm.
Không có tác nhân nào có thể ảnh hưởng đến nồng độ hCG ngoại trừ các loại thuốc có chứa hCG. Những loại thuốc này thường được dùng trong các biện pháp điều trị về khả năng thụ thai và các bác sĩ có thể giải thích với bạn về sự ảnh hưởng của nó đến kết quả xét nghiệm. Những loại thuốc khác như kháng sinh, giảm đau, thuốc tránh thai, và những loại thuốc hormon khác không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm hCG.
hCG biến mất khỏi cơ thể như thế nào?
Ở hầu hết phụ nữ, nồng độ hCG có thể quay trở lại ngang bằng mức độ của những người không mang thai trong vòng từ 4 đến 6 tuần sau khi chấm dứt thai kỳ. Nồng độ này có thể khác nhau tùy theo cách mà thai kỳ chấm dứt (như sẩy thai tự nhiên, nạo thai, phá thai, hay sinh nở bình thường) và giá trị của nó vào thời điểm chấm dứt thai kỳ. Các bác sĩ thường sẽ tiếp tục theo dõi nồng độ hCG sau khi thai kỳ chấm dứt để bảo đảm chúng quay trở về mức dưới 5mIU/ml.
Ngọc Trang
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00