Đau tinh hoàn: bình thường và bất thường Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
tamsubantre.org - Khi thấy tinh hoàn bị đau nhức, không XY nào lại không phấp phỏm lo lắng. Song không phải lúc nào hiện tượng đau tinh hoàn cũng đáng lo. Có những tình huống đau ở “bi” chỉ là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có những tình huống gợi báo tình trạng bệnh lý khiến các XY phải quan tâm.
Mỗi lần sau khi quan hệ tình dục với bạn gái, Minh cảm thấy “cậu nhỏ” và cả hai hòn bi của mình đau đau, tưng tức. Đã không ít lần Minh lo sợ, không biết “đèn dầu” của mình có vấn đề gì không? Điều này có ảnh hưởng gì tới khả năng sinh con và khả năng tình dục của mình sau này không? Nhiều lần cậu lờ mờ nghĩ tới việc đi khám nhưng còn e ngại nên vẫn chưa đi. Có lẽ đây không phải là vấn đề của riêng Minh.
Sự thật là: Khi thủ dâm hay quan hệ tình dục không ít các chàng trai của chúng ta thường có cảm giác căng, tức hoặc đau ở dương vật, tinh hoàn. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do khi có hưng phấn tình dục, máu dồn về các mạch máu ở dương vật khiến dương vật cương cứng, máu dồn về nhiều nên các mạch máu ở tinh hoàn cũng bị ảnh hưởng gây căng tức tinh hoàn.
Nếu như các boy thủ dâm hay quan hệ tình dục mà thời gian duy trì cương cứng quá lâu cũng có thể gây nhức, mỏi dương vật và tinh hoàn.
Như vậy, có thể thấy hiện tượng đau hay nhức mỏi này chỉ là một hiện tượng sinh lý, đấy là hệ quả của một quá trình có hưng phấn, kích thích, cương cứng gây nên. Và, mức độ đau mỏi trong tình huống này vừa phải, không quá khó chịu, không làm ảnh hưởng tới các sinh hoạt khác và thường biến mất sau một khoảng thời gian ngắn (một vài giờ).
Nhưng nếu các chàng cảm thấy đau ở "đèn dầu" không đi liền với việc thủ dâm hay quan hệ tình dục, đau có thể kéo dài, lặp lại và kèm theo các biểu hiện khác như sưng, nóng, đỏ ở tinh hoàn hoặc có thể bị sốt… khi đó cần phải đến bệnh viện để khám và điều trị.
Cảm giác nằng nặng
Nếu một ngày bạn cảm thấy nằng nặng ở một hoặc hai tinh hoàn thì có thể bạn đã bị viêm tinh hoàn. Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của một người khi bị viêm tinh hoàn. Tuy nhiên, nhiều boy vì không để ý nên dễ bỏ qua triệu chứng này. Khi bị viêm nặng nhiều boy sẽ thấy tinh hoàn sưng to, đau; đau khi xuất tinh, khi tiểu tiện; trong tinh dịch có thể lẫn máu.
Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến tình trạng "nhà máy" sản xuất tinh trùng bị teo gây ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng. Do vậy, việc can thiệp sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế những ảnh hưởng của viêm tinh hoàn tới khả năng sinh sản sau này.
Đau liên tục một bên bìu
Viêm mào tinh hoàn nếu không được chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang mãn tính gây xơ hoá mào tinh và có thể gây ra sẹo làm nghẽn tắc ống dẫn tinh, vì thế dễ dẫn đến vô sinh. Vì lẽ đó, khi thấy đau liên tục ở vùng bìu bạn cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị.
Đau tức và tăng lên khi vận động
Đấy là biểu hiện dễ nhận thấy khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh song cũng có nhiều trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường đau không nhiều mà kiểu đau tức và tăng lên khi vận động hay gặp ở bên trái, sờ phía trên thấy có búi lùng nhùng như búi giun. Phần sưng to có thể mất khi nằm nhưng đôi khi kèm cảm giác khó chịu, nặng nề nhất là khi thời tiết nóng hoặc sau khi vận động.
Không phải trường hợp nào bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng cần phải điều trị. Để giảm bớt sự khó chịu, cần mặc đồ lót có khả năng nâng đỡ, ôm giữ tinh hoàn. Tuy nhiên, nếu như việc giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau ảnh hưởng tới sinh hoạt, đo thể tích tinh hoàn nhỏ hơn 3ml, chất lượng tinh dịch không đảm bảo… cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, các XY vẫn cần phải tới bệnh viện để khám, việc điều trị như thế nào sẽ do bác sĩ chỉ định căn cứ vào kết quả thăm khám.
Đau đột ngột ở một bên bìu
Khi các boy có cảm giác đau đột ngột ở một bên bìu lan lên cả vùng bụng kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn và sốt cao thì có thể nghĩ tới khả năng bị xoắn tinh hoàn (xoắn thừng tinh). Khi kiểm tra tinh hoàn sẽ thấy tinh hoàn sưng to đôi khi kèm theo triệu chứng co rút.
Xoắn tinh hoàn cần phải được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt vì khi bị xoắn, máu không đến nuôi dưỡng tinh hoàn được nên có thể gây ra teo tinh hoàn hay thậm chí có thể gây hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn.
Như vậy, khi thấy có bất kỳ biểu hiện khác thường nào ở tinh hoàn, các XY cần phải nhận diện đâu là bình thường, đâu là bất thường. Nếu nhận diện vấn đề của mình là bất thường, các chàng cần tới ngay khoa tiết niệu của các bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Mai Phương
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00