Duy trì nòi giống là sứ mệnh và bản năng của mọi loài. Loài người vượt trội hơn các loài còn lại ở khả năng nhận thức, nên con người tạo ra luật lệ để tự quản lý xã hội của mình một cách có hệ thống. Luật hôn nhân sinh ra để "quy củ hóa" việc kết đôi và sinh con giữa người với người. Sức hút giới tính và bản năng duy trì nòi giống khiến chúng ta lao vào nhau như thiêu thân. Để rồi người ta hớt hải, hô hào lẫn nhau nhảy vào hôn nhân mà chẳng mảy may suy nghĩ: Liệu mình có cần hoặc nên kết hôn? Có vẻ nhiều người vẫn luôn coi độc thân là cơn giông của cuộc đời, nên họ ráo riết chạy trốn. Để sau khi có được một cuộc hôn nhân làm chỗ trú mới ngỡ ngàng nhận ra: cơn bão thực sự mới chỉ bắt đầu!
.jpg)
Những đám cưới theo kiểu “cho xong”, với chúng ta đã chẳng còn xa lạ. Vì nhiều khi cưới xin chỉ là để cho cha mẹ yên lòng, cho ông bà đỡ mong ngóng, cho thiên hạ có cái nhìn vào chứ lại chẳng phải cho ta. Là vì gái cập kê ba mươi mà chưa chồng thì bị gọi là Ế. Còn trai tứ tuần chưa vợ sẽ bị dị nghị là CÓ VẤN ĐỀ, thậm chí mang tiếng BẤT HIẾU với tổ tông! Tóm lại, "vì thế gian” là một cái lý do to đùng và vô cùng hợp lý để người ta cảm thấy phải cưới. Nhiều khi, cứ ngỡ cưới là xong, ai dè cưới rồi lại chỉ muốn ly dị quách cho xong!
Đàn ông, bản năng là thích chinh phục và bảo vệ phái yếu, phải nỗi cứ đi rước một "mẹ trẻ" về làm vợ. Nhiều người lấy vợ về để đẻ con, nuôi con và phục vụ cho mình, chẳng lấy vợ về để yêu chiều che chở. Họ biến vợ thành mụ siêu nhân ba đầu sáu tay và thích cằn nhằn, một khúc gỗ kiệt sức vô hồn trên giường ngủ. Để rồi tìm đến các em "Tuesday" lắm chiêu trò, biết tỏ ra vô dụng và giỏi ve vuốt sĩ diện đàn ông. Đàn bà, rõ ràng thích được thương yêu chiều chuộng như công chúa, lại cứ hay vớ mấy ông "trẻ con có râu" về làm chồng. Ngày ngày đầu tắt mặt tối, hầu hạ cả con bé (con đẻ) lẫn con lớn (chồng). Đôi khi, chính những người vợ đã dung túng cho sự lười biếng và hời hợt của các ông chồng. Họ mệt mỏi với bếp núc và dọn dẹp. Thay vì đề nghị được giúp đỡ, họ lại tiếp tục ôm đồm hết mọi việc trong nỗi hậm hực, rồi bắt đầu cáu gắt với chồng con. Tất nhiên, ở đời thì cũng có người này người kia. Không phải đàn ông nào cũng là người chồng tệ, cũng không phải tất cả đàn bà đều chỉ biết làm chiếc nồi cơm điện đa năng. Những cơ sự khổ sở kia, cũng chỉ vì người ta “muốn một đằng, làm một nẻo” mới thành ra như vậy.
Biết trách ông bà cha mẹ xưa dạy thế, hay trách thói đời cứ a dua nhau cưới hỏi cho ta phải vội vàng hùa theo? Cuối cùng, vì vội mà thành sai. Giờ đã là thời đại 4.0, nếu vẫn còn dựa dẫm hoàn toàn vào văn hóa địa phương nhỏ bé và sự dạy bảo hạn chế từ gia đình để lớn lên thì chỉ có thể là đầu óc hạn hẹp hoặc thiếu năng lực trưởng thành. Suy cho cùng, đáng trách nhất vẫn là bản thân!
Hôn nhân, khi đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn lịch sử, cần phải có những vai trò khác nhau để phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Thời sơ khai, con người cần phát triển nòi giống. Còn thời nay, dân số thế giới đã quá đông, đủ để gây ra những thiệt hại trầm trọng cho nền sinh thái và đe dọa sự sống của tất cả các giống loài, thì dân số là vấn đề cần phải giải quyết chứ không cần tăng trưởng. Do đó, tư tưởng nối dõi tông đường, con đàn cháu đống xưa cũ cần được rũ bỏ, không thể tiếp tục đem ra làm nghĩa vụ để áp đặt lên lớp thanh niên ngày nay nữa. Vì bất kì sự thay đổi nào đều sẽ làm nảy sinh xung đột giữa cái cũ - cái mới, nên muốn sống khác đi và tiến bộ hơn một chút thôi cũng chẳng hề dễ dàng. Dù vậy, mỗi cá nhân vẫn có thể giữ cho mình động lực để "sống khác” khi thực sự nghĩ về một cuộc đời đáng sống. Là ta đang sống chứ không phải chỉ đang tồn tại. Hãy nghĩ về hôn nhân và tự hỏi: Sẽ thế nào nếu ta lựa chọn nó, ở thời điểm đó? Ta kết hôn để được sống hạnh phúc hơn, hay chỉ đơn giản là giúp cho bản thân được dễ dàng hoà nhập với đám đông các gia đình văn hóa. Nếu ta chưa (hoặc không) tìm thấy một người khiến ta muốn nắm tay họ “lên phường làm đăng ký” thì điều ấy có đáng sợ hơn so với việc tự đày đọa chính mình trong một hôn nhân đã sai ngay từ khi bắt đầu? Khổ có đôi và sướng đơn độc, liệu cái nào mới thực sự thấu khổ? Đấu tranh bảo vệ hay tự mình bóp chết mong muốn cá nhân, giữa một việc khó khăn và một việc dã man, ta dám làm cái nào? Câu trả lời mỗi người một khác và tôi cũng không cổ xúy cho ai cố làm ra vẻ khác biệt. Tôi chỉ muốn đưa ra vài câu hỏi cho nhiều người cùng suy ngẫm. Nếu ai kết hôn cũng có được hạnh phúc thì không việc gì ta phải bàn thêm. Nhưng thực tế thì phũ phàng hơn mong đợi, đã có quá nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ, nên ta cần nhìn nhận lại vấn đề để biết cách né những vết xe đổ. Tất nhiên, nhiều khi nghĩ kĩ rồi mà vẫn cưới sai, và cưới rồi thì vẫn có thể ly hôn. Nhưng không vì thế mà ta coi hôn nhân như một trò chơi để cho phép bản thân dễ dàng “say yes”. Với hôn nhân, bước vào dễ hơn là bước ra.
.jpg)
Việc kết hôn, dù có hay không, sớm hay muộn, nhất định phải là quyết định cuối cùng của bản thân. Hành động theo đám đông chưa bao giờ giúp ta trở thành kẻ sáng suốt. Đám đông có khi chỉ là chỗ trú ngụ của những ai không thể tìm cho mình một lối riêng nên mới đành đứng tạm cùng những kẻ mù đường khác. Hoặc kể cả có mượn được tư duy của một kẻ tinh tường nào đó để làm theo, thì cũng chỉ là lấy kính cận của đứa khác tròng vô mắt mình, đeo vào chỉ thêm nhức nhối. Việc cố gắng trở thành một phần của đại chúng có chăng chỉ giúp ta bớt phiền phức hơn, không hề khiến ta hạnh phúc hơn. Bởi vậy, cần tự mình cân nhắc và quyết định một cách có trách nhiệm với tương lai trước khi tiến tới hôn nhân. Kết hôn chính là đem tương lai của mình hợp tác với tương lai của một người khác, và cả việc tạo ra những tương lai mới. Một hôn nhân thất bại sẽ mang lại nhiều cuộc đời đau khổ, trong đó có bản thân, chồng/vợ ta, con cái ta. Thậm chí, thêm cả dăm ba anh/cô bồ nhí nữa cũng phải khổ sở vì bị đánh ghen!
Nhiều người vẫn khuyên rằng: Còn trẻ thì cứ chơi đi, đừng vội cưới! Đây chưa hẳn là một lời khuyên đắt giá vì nó chỉ hướng đến việc giải quyết nỗi ham vui của tuổi trẻ mà không thực sự khuyến khích người trẻ nên biết dùng thời gian để tìm đáp án cho câu hỏi: Ta có thực sự muốn kết hôn? Nhưng dù sao nó cũng giúp nhiều người bớt vội vàng hơn khi quyết định lập gia đình. Là con gái thì cứ thong thả khám phá, trau dồi bản thân và gặp gỡ nhiều người hơn thay vì chỉ chăm chăm tìm chồng trước khi rụng hết trứng, để biết cuộc đời rộng lớn đến thế nào và ngoài kia có “quá trời đàn ông”. Một người đàn ông không bao giờ nên là cả thế giới của một cô gái. Còn đấng mày râu hãy cứ bôn ba đủ nhiều, từ từ trải nghiệm để đến một ngày nào đó nhận ra: Năm châu bốn bể dù có lôi cuốn bước chân đến mấy, ngoài kia muôn vàn "hoa thơm cỏ lạ" cả đời cũng chẳng mần ra hết, nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta đi muôn phương mà trong tim luôn có một ai để nhớ thương hướng về.
Đến khi ấy, kết hôn cũng chưa muộn!
Gia Gia - Triết học tuổi trẻ