Chữa bệnh ''vùng kín'' theo cách dân gian Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Có nên chữa bệnh theo cách dân gian?
tamsubantre.org - Khi “vùng cấm địa” bỗng nhiên xuất hiện những biểu hiện khó chịu như ngứa ngáy liên hồi, nhiều XX ngay lập tức nghĩ đến những cách chữa bệnh dân gian. Những cách này, theo hầu hết các bạn, đều do bà và mẹ truyền lại và rất hiệu quả trong việc tăng cường “sức khỏe” cho “cô bé”. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại.
Đau đầu vì “cô bé” “lâm bệnh”
Mấy ngày gần đây, chẳng hiểu sao “vùng kín” của Nguyên bỗng nhiên nổi mụn. Cho rằng đó là dấu hiệu của “nóng trong người”, cô bạn tìm mua lá chè xanh về “giải nhiệt” cho “cô bé”. Ngày trước, khi về quê, thấy bà nội tích trữ nhiều loại lá này trong tủ lạnh, Nguyên đã không khỏi tò mò, vì lâu nay, có bao giờ bà thích uống nước chè đâu. Vậy là một cuộc điều tra nhỏ đã được tiến hành. Sau nhiều lần úp mở, cuối cùng, nội cũng đành thừa nhận: “Cái lá đó đun lên, để nguội hoặc hơi ấm rồi ngâm “vùng kín” vào đó sẽ rất tốt. Trà xanh có tác dụng sát khuẩn nên hạn chế ngứa ngáy cũng như mụn mọc ở đó”.
Lần đó, Nguyên đã cười rất khoái trá khi nghe những kinh nghiệm chăm sóc “cô bé” của bà, và cũng từng nghĩ rằng: bây giờ có bệnh thì đến bệnh viện, chứ áp dụng mấy cách dân gian này có khi tiền mất, tật mang. Vậy mà giờ đây, cứ nghĩ đến bác sĩ và ánh mắt tò mò của mọi người xung quanh khi tiến lại bàn khám phụ khoa, sao Nguyên thấy ngại ngùng quá. Vậy là, chẳng phút chần chừ, sau khi nặn bỏ những cái mụn đáng ghét đang bao vây “vùng cấm địa”, Nguyên làm theo lời bà nói, ngâm “cô bé” vào nước trà xanh đun sôi để nguội trong khoảng 15 phút. Một tuần trôi đi, đám mụn bị nặn đã bắt đầu se miệng, nhưng điều kì cục xảy ra là cô bạn bắt đầu thấy cảm giác đau đau hai bên bẹn. Thì ra, bên dưới lớp vẩy cứng của những nốt mụn tưởng như đã gần khỏi kia chính là mủ. Vết thương do nặn mụn đã bị nhiễm trùng.
Khác với Nguyên, Tâm là một tín đồ của các cách chữa bệnh dân gian. Chẳng hiểu học được từ ai nhưng trong đầu cô bạn này là một tá những cách chữa mụn cơm, mụn rộp, thậm chí là viêm nhiễm “vùng kín” của ông bà ta truyền lại. Vậy là, thay vì phải đến bác sĩ để khám chữa bệnh như mọi người, Tâm thường dùng “mẹo” để chữa bệnh. Kì lạ thay, một vài cái mụn cơm, lẹo mắt cũng nhờ đó khỏi hẳn. Có lẽ vì vậy, Tâm càng tin tưởng hơn vào những kinh nghiệm của ngày xưa. Và đó cũng chính là lý do khi “cô bé” bị ngứa điên đảo, cô bạn đã quyết định hòa nước muối loãng để ngâm “vùng kín” vào đó. Đúng là tiên dược, ngay sau khi tiến hành, những cơn ngứa đã giảm hẳn. Tuy nhiên, niềm vui này thực sự không thể kéo dài. Nửa tiếng sau đó, Tâm thấy “cô bé” lại bắt đầu giở chứng, thậm chí, tình trạng còn nghiêm trọng hơn trước
Không thể chữa bệnh phụ khoa theo cách ấy
Đôi lời nhắc nhở
Ngày trước, do khoa học kĩ thuật còn lạc hậu, ông bà cha mẹ chúng ta không được tiếp cận với các phương pháp chữa bệnh hiện đại, thế nên họ thường tìm cách tự chữa bệnh cho mình. Một vài “mẹo vặt” dân gian cũng được ra đời từ đó. Có thể, trong một vài trường hợp, những “mẹo vặt” này phát huy tác dụng, khiến những dấu hiện hiện tại của bệnh phần nào thuyên giảm, và nhiều người nghĩ nó thực sự có tác dụng. Nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy.
Xưa kia, do không hiểu bản chất vấn đề, ông bà chúng ta thường chỉ nhìn hiện tượng mà chữa bệnh. Điều đó có nghĩa, hầu hết các biện pháp chỉ làm giảm dấu hiệu bệnh chứ không thể triệt bệnh tận gốc. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp các mầm bệnh có chung một biểu hiện. Thế nên, nếu áp dụng những cách thức dân gian, chuyện “mắc bệnh này, chữa bệnh khác” là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp của Nguyên, bị mụn ở “vùng kín” không đơn giản chỉ là dấu hiệu của “nóng trong người” và cần dùng đến trà xanh “giải nhiệt”. Biết đâu đó là biểu hiện của bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó. Khi đám mụn bị nặn đi, vi khuẩn vẫn tích tụ ở đó nên việc cô bạn ngâm “vùng kín” trong nước (dù là nước trà xanh) sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng và vi khuẩn sẵn có sẽ theo nguồn nước tấn công sâu vào phía trong “cô bé”, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Và với trường hợp của Tâm, khi chưa xác định được nguyên nhân gây ngứa, ngâm nước muối “vùng kín” là một sai lầm lớn. Nước muối có thể tiêu diệt được một số loại vi trùng, vi khuẩn thông thường, nhưng nếu là nấm thì nó lại trở thành điều kiện phát triển cho bệnh. Hơn nữa, khi sử dụng nước muối pha loãng, theo các bác sĩ chuyên khoa, bạn cũng chỉ nên dùng để rửa bên ngoài. Thụt rửa sâu bên trong hay ngâm “cô bé” sẽ khiến vi khuẩn có hại xâm nhập sâu hơn vào “vùng cấm địa”.
Kinh nghiệm dân gian là những điều chưa được kiểm chứng bằng các phương pháp thực nghiệm nên có thể đúng mà cũng có thể chưa thật khoa học. Do đó, khi muốn áp dụng, bạn cũng nên tìm hiểu cẩn thận để tránh các hậu quả đáng tiếc khi muốn phòng hay điều trị bệnh.
My Anh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00