Giao diện tiếp cận

Chóng mặt và tiền mãn kinh Thứ Năm, 17/06/2021, 00:00

Chóng mặt và tiền mãn kinh

Bước vào tuổi tiền mãn kinh, các quý cô nào đâu chỉ chịu đựng những cơn bốc hỏa mà còn đối diện với tình trạng chóng mặt đến bất chợt. Đáng ngạc nhiên là, cứ trong 10 người phụ nữ trong giai đoạn này thì hết 9 người xuất hiện cơn chóng mặt. Vậy đâu là giải pháp?

Là phụ nữ, ai cũng phải trải qua thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh, bởi vì đó là hai giai đoạn xảy đến một cách tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Thế nhưng có người trải qua thời kỳ tiền mãn kinh rất nhẹ nhàng nhưng một số người không thể chịu đựng được hàng loạt triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh gây ra (tỉ lệ này là khoảng 20%).

Bên cạnh những triệu chứng bốc hỏa, khó ngủ, dễ tăng cân, đau nhức xương khớp, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tâm sinh lý do tiền mãn kinh mang lại, thì có đến 9/10 người phụ nữ trong giai đoạn này phải đối mặt với những cơn chóng mặt xuất hiện ngày càng thường xuyên và nặng dần hơn. Có thể nói, chóng mặt là một triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ đang phải trải qua thời kỳ tiền mãn kinh.

Tiền mãn kinh là gì, xảy ra ở độ tuổi nào?

Thời kỳ mãn kinh đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ, buồng trứng sản xuất rất ít estrogen đến mức trứng không được phóng thích nữa và chu kỳ kinh nguyệt ngừng lại. Giai đoạn này thường rơi vào khoảng tuổi 45 - 55.

image001 (6)

Người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp khi bước vào tuổi tiền mãn kinh (Ảnh minh họa)

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh từ 8 - 10 năm, tức là ở độ tuổi 37 - 45, đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Ở giai đoạn này, hoạt động của hệ trục vàng "Não bộ - Tuyến yên - Buồng trứng" bắt đầu suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể.

Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp: nguy cơ loãng xương, rối loạn tim mạch, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, dễ bị kích thích tâm lý nên hay nóng giận, chán nản, thiếu tập trung trong công việc, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu…

Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.

Biểu hiện của chóng mặt trong thời kỳ tiền mãn kinh

Chóng mặt là "chuyện không của riêng ai", có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trở nên phổ biến hơn khi tuổi càng ngày càng tăng, đặc biệt là phụ nữ bước qua tuổi 40.

Thời gian đầu, các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng chỉ xuất hiện với tần suất nhỏ, thoáng qua, chỉ cần nghỉ ngơi là hết. Nhưng càng về sau càng dày hơn, mức độ nặng hơn, điển hình nhất là cảm giác quay tròn xuất hiện sau một đêm khó ngủ, vừa thức giấc ngồi dậy là bạn đột ngột có cảm giác nhà cửa xoay tròn như đảo lộn, thường kèm theo buồn nôn, nôn. Và đó chính là triệu chứng "chóng mặt thật sự", điển hình của cơn chóng mặt tư thế lành tính.

image002 (6)

Chóng mặt là tình trạng thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh (Ảnh minh họa)

Bạn có thể sẽ mơ hồ giữa triệu chứng chóng mặt thật sự với cảm giác choáng váng, xây xẩm; nhưng mà hai triệu chứng này có thể do những nguyên nhân khác nhau gây nên, cách điều trị cũng có phần khác nhau.

Chóng mặt thật sự là cảm giác cơ thể mình bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn, hoặc chính bản thân mình xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang. Chóng mặt thật sự là triệu chứng của tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên). Nguyên nhân hay gặp gây chóng mặt ở phụ nữ tiền mãn kinh là cơn chóng mặt tư thế lành tính. Hay khởi phát nhất là sau một đêm mất ngủ, khó ngủ.

Triệu chứng choáng váng tức là khi mình chỉ có cảm giác lâng lâng, xây xẩm, tối mắt, chao đảo, đứng không vững hoặc cảm giác nhẹ đầu, trống rỗng nhưng không thấy ảo giác chuyển động nào, tức không thấy người hoặc vật xung quanh di chuyển, xoay tròn hoặc nghiêng ngả.

Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng thường là do tụt huyết áp tư thế thoáng qua. Vì khi mình đột ngột đứng lên sau một thời gian ngồi lâu, lực hấp dẫn kéo máu về phía bàn chân khiến huyết áp bị hạ tạm thời. Để bù đắp cho lượng máu đó, cơ thể sẽ phải tăng nhịp tim và các mạch máu thắt chặt. Tuy nhiên nếu cơ thể ít vận động, mạch máu đã có phần xơ vữa, quá trình này sẽ trợ nên chậm hơn và khiến bạn bị choáng váng trong chốc lát hoặc lâu hơn.

Nhìn chung, triệu chứng chóng mặt thật sự do rối loạn tiền đình thường sẽ kéo dài hơn so với cảm giác choáng váng, mức độ gây sợ hãi cao hơn, với các biểu hiện hay đi kèm là buồn nôn, nôn, da tái xanh, vã mồ hôi. Với cảm giác choáng váng, việc ngồi lại xuống ghế để nghỉ ngơi thường có hiệu quả phục hồi huyết áp, hết choáng váng xây xẩm. Trong khi cơn chóng mặt tư thế lành tính thì việc tiếp tục thay đổi nhanh tư thế để tìm chỗ ngồi xuống, nằm xuống, có thể làm cơn chóng mặt nặng nề hơn do xoay đầu liên tục.

Nguyên nhân gây chóng mặt ở giai đoạn tiền mãn kinh

Mất quân bình về nội tiết tố: Nguyên nhân chủ yếu gây chóng mặt ở giai đoạn tiền mãn kinh là sự mất quân bình về nội tiết tố. Từ 40 tuổi trở đi, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng, giảm sản sinh nội tiết tố Estrogen, làm rối loạn nội tiết tố và kéo theo nhiều rối loạn khác trong cơ thể. Nồng độ nội tiết tố nữ có ảnh hưởng đến hoạt động của tai trong - một bộ phận quan trọng đối với chức năng duy trì sự cân bằng của cơ thể.

Ngoài ra, nội tiết tố nữ còn ảnh hưởng đến sự cân bằng của thần kinh - thể dịch của tuần hoàn cơ thể. Do đó, sự mất quân bình của nội tiết tố gây ảnh hưởng đến khả năng ổn định tiền đình của cơ thể, gây ra những cơn chóng mặt, mất thăng bằng.

image003 (5)

Suy giảm Estrogen gây ra những cơn chóng mặt, mất thăng bằng (Ảnh minh họa)

Rối loạn giấc ngủ kéo dài: Phụ nữ tiền mãn kinh hay gặp cơn bốc hỏa, mất ngủ, ngủ không sâu do suy giảm nội tiết. Bên cạnh đó, áp lực công việc, áp lực gia đình (mối quan hệ vợ chồng, gánh nặng con cái, gánh nặng lệ thuộc của người lớn tuổi), căng thẳng lo âu trước những biến đổi của cơ thể theo chiều hướng đi xuống, tất cả làm cho phụ nữ giai đoạn này hay gặp rối loạn giấc ngủ kéo dài.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài là nguyên nhân thường gặp gây khởi phát cơn chóng mặt tư thế lành tính vào buổi sáng ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, thần kinh, làm nặng thêm tình trạng rối loạn tiền đình.

Thoái hóa cột sống cổ: Phụ nữ tiền mãn kinh dễ tăng cân, béo phì, thoái hóa xương khớp - dây chằng - đĩa đệm cột sống. Trong đó, thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nặng dẫn đến chèn ép mạch máu và rễ thần kinh, khiến tai trong không được cung cấp đủ lượng máu, gây nên tình trạng rối loạn tiền đình.

Thoái hóa tai trong: Tình trạng thoái hóa tai trong tạo ra các sỏi kênh thính giác, những mảnh bềnh bồng trong lớp nội dịch này kích thích ống bán khuyên gây nên cơn chóng mặt tư thế lành tính.

Migraine: Migraine là bệnh đau nửa đầu. Thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khởi kích cơn đau nửa đầu. Mặc dù tên bệnh là "đau nửa đầu", nhưng có đến 30-50% người bị đau đầu migraine có thêm triệu chứng hoa mắt hay chóng mặt liên quan đến migraine.

Mối liên hệ giữa Migraine và chóng mặt được thể hiện qua thuật ngữ "Migraine tiền đình". Đây là một bệnh lý đau đầu có thể kèm chóng mặt hoặc các triệu chứng thần kinh khác, có thể liên quan đến kinh nguyệt, do rối loạn vận mạch - thần kinh và hầu như lành tính.

Tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý thần kinh, tim mạch: Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể bắt đầu "xuống dốc", nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh, tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa mạnh máu), đái tháo đường tăng lên. Cho nên, triệu chứng chóng mặt ở giai đoạn này có thể do những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm như bệnh lý mạch máu não. Trong thực hành lâm sàng hàng ngày, khi tiếp cận chóng mặt ở phụ nữ tiền mãn kinh, y bác sĩ cẩn thận phân thành hai nhóm chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương.

Theo thống kê các nguyên nhân gây chóng mặt ở phụ nữ tiền mãn kinh đến khám bệnh viện, thì các nguyên nhân thường gặp gây tổn thương tiền đình ngoại biên là xơ hóa tai trong, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, thoái hóa cột sống cổ, thiểu năng tuần hoàn động mạch tai trong. Còn các nguyên nhân tổn thương tiền đình trung ương thường gặp là bệnh lý mạch máu não và u não.

Thiếu máu não là nguyên nhân gây chóng mặt được nhiều người quan tâm vì đây là bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm. Thiếu máu não biểu hiện dưới hai hình thức: cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ thiếu máu não. Khi đó, người bệnh có thể có triệu chứng chóng mặt thật sự hoặc chỉ có cảm giác lâng lâng, không vững hoặc ngất.

 Các triệu chứng đó có thể tạm thời hoặc không thoái lui. Nếu triệu chứng chỉ tạm thời, đó là biểu hiện của cơn thoáng thiếu máu não. Nếu triệu chứng kéo dài không thoái lui trên 24 giờ, có thể là đột quỵ thiếu máu não. Khi đó, ngoài triệu chứng chóng mặt, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như nhìn đôi, tê yếu nửa thân, méo miệng, nói đớ...

Cảnh giác với chóng mặt giai đoạn tiền mãn kinh

Triệu chứng chóng mặt ở giai đoạn tiền mãn kinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm. Hơn nữa, sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ tiền mãn kinh gặp nhiều rối loạn do sự mất quân bình của nội tiết tố, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, mạch máu.

image004 (1)

Nếu có cơn chóng mặt nặng không thể đi lại, ngay sau đó các quý cô cần đến bệnh viện kiểm tra ngay (Ảnh minh họa)

Do đó, các chị em không nên chủ quan với triệu chứng chóng mặt ở giai đoạn này, dù có thể nó chỉ thoáng qua và giảm khi nghỉ ngơi. Các quý cô nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, và khám chuyên khoa thần kinh khi triệu chứng chóng mặt có những biểu hiện nguy hiểm sau:

- Chóng mặt nặng không thể đi lại

- Chóng mặt kèm nôn ói dữ dội, nôn ra mật xanh mật vàng không cầm được, không uống thuốc được

- Chóng mặt tái phát thường xuyên và chóng mặt kéo dài (trên 4 tuần)

- Chóng mặt kèm dấu hiệu thần kinh: Nhìn mờ /nhìn đôi; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất định hướng không gian và thời gian

- Chóng mặt kèm cơn ngất kèm theo

- Chóng mặt kèm biểu hiện của tai: Giảm thính lực; Đau tai

- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội

- Sốt

- Tiền sử chấn thương đầu, chấn thương vùng tai với lực mạnh

- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường và kéo dài

Phương pháp phòng ngừa - điều trị

- Uống đủ nước mỗi ngày. Bổ sung thêm nước nếu bị khát, cảm giác đầu nhẹ bồng bềnh, vận động nhiều hay trời nóng.

- Chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất

- Hạn chế các loại thức ăn đồ uống quá ngọt hay mặn, hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ vì sẽ làm tăng cholesterol máu, gây xơ vữa mạch máu

- Tránh uống cà phê hay thức uống có cồn (bia, rượu)

- Có chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ giấc, đặc biệt là giấc ngủ đêm. Khám thần kinh nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ nặng không thể tự điều chỉnh.

- Giảm tối đa căng thẳng thần kinh liên tục kéo dài, suy nghĩ lạc quan; tránh nóng giận, lo âu, phiền muộn

- Không hút thuốc lá và tránh xa tiếp xúc với khói thuốc lá

- Vận động cơ thể, luyện tập thể thao

- Kiểm soát huyết áp, thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm từ 40 tuổi trở lên

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Đặc biệt với những người có cơn chóng mặt tư thế lành tính thường xuyên xuất hiện, khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi, có thể nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.

- Tập các bài tập ổn định tiền đình

  • Một số thuốc đơn giản có thể xử lý cơn chóng mặt mà chúng ta có thể lưu trữ sẵn tại nhà, công sở: thuốc ức chế hoạt động tiền đình, thuốc chống nôn, thuốc thúc đẩy quá trình thăng bằng. Nếu bạn có điều kiện nghỉ ngơi thì nên lựa chọn các nhóm thuốc có tính chất an thần; ngược lại, nếu bạn cần duy trì tốc độ làm việc thì ưu tiên các nhóm thuốc không gây buồn ngủ. Thời gian sử dụng thuốc trung bình là 3-7 ngày.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Lượt xem: 939

Nhận xét(0 Nhận xét)

Chưa có nhận xét nào

Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét  của bạn.

Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *




Các tin mới hơn


Các tin khác


Đăng ký nhận bản tin

Nhận qua email bản tin thông báo về ấn phẩm, chương trình và sự kiện của Tâm sự 360.

Đối tác

IPPF
Logo-Rockefeller
Save-Child
CORDAID

Liên kết website

CCIHP
Lao động xa nhà

Đóng góp - Tài trợ

Thanh niên Việt Nam cần sự chung tay của bạn để có một cuộc sống lành mạnh, an toàn, thỏa mãn và tương lai bền vững.



Thống kê truy cập

Số người đang online: 9
Lượt truy cập: 34671533

bandar togel terbaik slot online gampang maxwin 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Togel Terbaik Dan Terbesar Min Bett 100 Perak 5Daftar Situs Bandar Togel Terpercaya Situs togel Resmi dan Terpercaya Aplikasi bandartogel terbaik dan terbesar di indonesia 5 Rekomendasi Situs Bandar Togel terbaik Rekomendasi Situs Bandar Togel Terbaik SLOT GACOR : Slot Online Gacor Terbaik SLOT DEMO : Slot Demo Gacor Terlengkap 5 Daftar Situs Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbesar Dan Terbaik Daftar Bo Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik 10 Daftar Bandar Togel Terbaik Rekomendasi Slot Demo Anti Lag Slot Demo Gacor Situs Bandar Togel Resmi Rekomendasi Slot Demo Anti Lag TOTO ONLINE Akun Slot Demo Gacor Terlengkap 10 Daftar Bandar Togel Terbaik