Cấp cứu xoắn thừng tinh Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Ảnh: shutterstock
Xoắn thừng tinh là do tinh hoàn không được cố định vững chắc, gây tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn. Đây là một cấp cứu niệu khoa thường gặp.
Biểu hiện
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược (TP.HCM) đã tháo xoắn tinh hoàn thành công cho bệnh nhân nam T.Q.V (24 tuổi). Các bác sĩ nói, việc thành công còn nhờ bệnh nhân đến bệnh viện sớm. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức (phân khoa Niệu thận của bệnh viện): Xoắn thừng tinh hay xoắn tinh hoàn là một trong những cấp cứu niệu khoa thường gặp. Bệnh xảy ra ở bất kể lứa tuổi nào, nhưng hay gặp từ 10 - 30 tuổi (nhiều nhất là từ 13 – 15 tuổi).
Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng, trong quá trình phát triển của bào thai, tinh hoàn di chuyển xuống bìu. Kết thúc quá trình di chuyển này, tinh hoàn sẽ được treo lủng lẳng trong bìu như quả lắc đồng hồ. Càng về sau, tinh hoàn càng được cố định vững chắc hơn và nằm hẳn trong bìu. Tại đây, tinh hoàn được bao bọc bởi màng bao tinh hoàn. Màng bao này dính vào mặt sau phía ngoài của tinh hoàn, khiến tinh hoàn ít có khả năng di chuyển trong bìu. Xoắn thừng tinh là do tinh hoàn không được cố định vững chắc, tự xoay quanh trục của nó làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu đến nuôi tinh hoàn, hậu quả là bị hoại tử.
Biểu hiện của xoắn thừng tinh gồm: đau đột ngột vùng bìu (là triệu chứng gặp nhiều nhất), thường đau một bên, đau có thể lan lên bẹn và hông lưng. Sờ vào tinh hoàn thấy rất đau. Tinh hoàn bên thừng tinh bị xoắn thường nằm cao hơn so với bên đối diện.
Không hồi phục nếu để quá 8 giờ
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức cho rằng: Chẩn đoán xoắn thừng tinh cần phân biệt với nhiều bệnh lý khác gây đau bìu cấp như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, chấn thương tinh hoàn, thoát vị bẹn nghẹt... Vì thế, chẩn đoán xoắn thừng tinh dựa chủ yếu vào các dấu hiệu lâm sàng.
Một khi có chẩn đoán xác định xoắn thừng tinh hoặc nghi ngờ xoắn thừng tinh, cần thực hiện ngay lập tức phẫu thuật thám sát bìu để cứu lấy tinh hoàn (thám sát bìu là phẫu thuật nhẹ nhàng, rạch đường nhỏ ở da bìu). Tinh hoàn bị xoắn có thể tháo xoắn và giữ lại được nếu thời gian thiếu máu dưới 4 giờ. Nếu bệnh nhân đến trễ quá 8 giờ (tính từ khi khởi phát đau) thì tinh hoàn bị tổn thương, không hồi phục. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn được cố định vào thành của bìu để tránh xoắn tái phát. Tinh hoàn phải được cắt bỏ nếu đã hoại tử.
Do đó, nếu có triệu chứng đau cấp tính vùng bẹn bìu thì nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt 100%!
Thanh Tùng
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00