Cần khám, tư vấn những gì trước khi mang thai? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Cần khám và tư vấn gì trước khi mang thai?
Tôi nghe nói nhiều đến việc cần chuẩn bị thể lực thật tốt trước khi bắt đầu thai kỳ. Cụ thể là những gì?
Những cặp vợ chồng trẻ ngày nay không sinh nhiều con nhưng đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con sẽ ra đời.
Và giống như người làm ruộng phải chuẩn bị đất khi gieo hạt, người phụ nữ cũng phải chuẩn bị cho chính họ, đó là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc được thầy thuốc khám và tư vấn ngay từ khi chưa mang thai.
Có một đứa con khỏe mạnh cả về thể chất và tâm trí là mong muốn tha thiết của mọi cặp vợ chồng trẻ nhưng muốn biến mong muốn đó thành hiện thực cần có sự hiểu biết và cần có những bước chuẩn bị rất nghiêm túc cho đứa con sẽ ra đời, không chỉ chuẩn bị về mặt tâm lý và tình cảm đối với đứa con mong đợi mà còn cần bảo đảm rằng chính cơ thể của cặp vợ chồng và môi trường sống của họ cũng thích hợp với ý định đó.
Khám và nhận tư vấn toàn diện
Trao đổi với thầy thuốc về ý định mang thai, để được tư vấn thế nào là một thể chất và lối sống thuận lợi cho thai nghén.
Tư vấn trước hôn nhân và tư vấn trước khi mang thai hiện nay không những là một khâu yếu, một địa chỉ khó tìm mà cả việc tuyên truyền, giáo dục để phụ nữ nhận thức được ý nghĩa và sự cần thiết của những chuẩn bị cho mang thai cũng còn trống vắng ở nhiều bệnh viện, vì thế nhiều phụ nữ còn có ý nghĩ sai lầm rằng chỉ khi nào có thai mới cần gặp thầy thuốc.
- Người phụ nữ được khám toàn diện, xem đã có miễn dịch với những bệnh gì, nếu chưa có miễn dịch, cần tiêm chủng phòng bệnh ít nhất 3 tháng trước khi có thai.
- Nếu lại đang có một bệnh nào đó như bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hen… cần kiểm soát những bệnh đó.
- Đang dùng thuốc gì cũng cần báo cho thầy thuốc biết, có khi phải thay đổi hoặc phải điều chỉnh.
- Cần trả lời về lịch sử bệnh của gia đình vì một số bệnh có tính di truyền, nếu nghiêm trọng sẽ được thông báo về nguy cơ tiềm ẩn.
Thực hành lối sống lành mạnh
Chuẩn bị mang thai là động cơ tuyệt vời để người phụ nữ tìm kiếm sức khỏe và xem xét lại mọi thói quen trong lối sống.
- Thuốc lá: Với phụ nữ có thói quen hút thuốc lá thì lúc này là thời điểm thuận lợi nhất để từ bỏ thuốc lá, vì thuốc lá làm giảm cơ may thụ thai ở phụ nữ và làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới.
Phụ nữ có thai mà hút thuốc còn có xu hướng sinh con nhẹ cân hơn so với phụ nữ không hút thuốc lá và những trẻ sinh ra dễ có nhiều vấn đề về phát triển.
Ngoài ra, còn dễ sảy thai và con đẻ ra bị chết. Điều quan trọng cần biết là cả người chồng cũng cần bỏ hút thuốc lá vì hít phải khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non, thai nhẹ cân và hội chứng đột tử ở trẻ em.
- Rượu: Uống rượu khi mang thai có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ, bao gồm chậm phát triển tâm trí, có khuyết tật về học tập và những vấn đề về hành vi.
Rượu cũng làm giảm khả năng thụ thai, giảm 50% cơ may thụ thai so với những phụ nữ không uống rượu.
Người chồng cũng cần giảm hay bỏ rượu vì rượu ảnh hưởng xấu đến cả số lượng và chất lượng của tinh trùng.
-Stress (căng thẳng thần kinh): Có nghiên cứu đã chứng minh rằng những kỹ thuật giảm stress như thư giãn, thiền, yoga làm tăng tỷ lệ thụ thai ở những phụ nữ điều trị hiếm muộn. Thường xuyên vận động cũng là cách tốt nhất để giảm stress.
-Dinh dưỡng: Nếu đã quá cân và muốn giảm cân thì cần thực hành giảm cân ngay từ khi chưa có thai vì thai nghén không phải là lúc để thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân.
Làm được những việc nói trên là chuẩn bị cho cơ thể người phụ nữ nhưng đồng thời tạo ra một môi trường sẵn sàng để có thai cũng như để thai phát triển thuận lợi.
Với phụ nữ đang dùng viên thuốc tránh thai thì thầy thuốc khuyên ngừng dùng thuốc mà thay bằng phương pháp ngăn cản trong vài tháng trước khi thụ thai.
Đôi khi phải mất vài tháng chu kỳ kinh mới trở lại đều đặn cho nên trong thời gian này cũng khó xác định khi nào có rụng trứng để tăng cơ may có thai.
Tiền sử thai nghén và sinh sản
Tiền sử mang thai và kết quả thai nghén có tầm quan trọng, bởi một số biến chứng như sảy thai, cao huyết áp, rau tiền đạo, khuyết tật bẩm sinh hay thai chết lưu có thể xuất hiện lặp lại khi mang thai.
Biết tiền sử này cho phép bác sĩ đưa ra những xét nghiệm cần thiết, các điều trị hỗ trợ, hay đơn giản là những tư vấn cho lần mang thai. Khi được chăm sóc, điều trị đúng đắn theo tư vấn của bác sĩ, khả năng mang thai khỏe mạnh sẽ cao hơn nhiều so với các thai phụ không hiểu biết.
Việc tìm hiểu về nguồn gốc gia đình cũng thực sự cần thiết trước khi bạn mang thai. Bạn và chồng nên cùng tìm hiểu về nguồn gốc cả hai bên gia đình xem các thế hệ trước có mắc bệnh di truyền nguy hiểm nào không.
Theo chuyên gia - BS Đào Xuân Dũng
Chuyên Khoa Sản Phụ II/SKĐS
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00