Các dấu hiệu em bé quay đầu Thứ Sáu, 08/09/2023, 00:00
Đầu của thai nhi sẽ quay và di chuyển dần đến tư thế hướng về phía âm đạo trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba nhằm chuẩn bị cho quá trình chào đời được dễ dàng hơn. Vậy em bé quay đầu khi nào và các dấu hiệu khi em bé quay đầu là gì ?
1. Hiện tượng thai quay đầu là gì ?
Ngôi thai là thuật ngữ chỉ tư thế của em bé so với cổ tử cung của người mẹ. Trong quá trình chuyển dạ, phần ngôi thai sẽ di chuyển theo ống cổ tử cung ra âm đạo và lọt ra ngoài nhờ sức rặn hoặc sự trợ giúp của nhân viên y tế.
Thai nhi quay đầu xảy ra khi đầu thai dần dịch chuyển về vị trí đúng (xuống dưới) để chuẩn bị chào đời, lúc này đầu thai nhi sẽ nằm sát cổ tử cung và thường được gọi là ngôi thai thuận. Cụ thể, đầu của thai nhi sẽ hướng xuống âm đạo, còn mặt và thân trước của cơ thể chạy dọc theo sống lưng người mẹ. Theo ngôi này này thì khi sinh thường, thai nhi có thể chào đời với tư thế đầu ra trước tiên.
Việc thai nhi quay đầu có những ý nghĩa sau:
- Hành động thai nhi quay đầu sẽ gây áp lực lên cổ tử cung của mẹ, từ đó làm cổ tử cung mở rộng, xóa ngắn và kích thích sự sản xuất các hormone cần thiết cho khu vực này để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn.
- Khi sản phụ rặn, đầu trẻ là bộ phận đầu tiên xuất hiện và trình diện trước lỗ ngoài âm đạo. Nếu đầu trẻ quay vào đúng vị trí, sẽ làm giảm biến chứng trong quá trình đầu ra khỏi âm đạo, giúp sản phụ không quá đau đớn và đồng thời rút ngắn thời gian chuyển dạ, đặc biệt hạn chế được nhiều rủi ro nhất.
- Ở tư thế đầu cuối, đầu trẻ sẽ chạm đến đáy của xương chậu, là phần rộng nhất của khung chậu và từ đó trẻ sẽ dễ dàng đi qua, giúp cuộc sinh diễn ra mà không gặp phải quá nhiều khó khăn.
Vậy nhiều sản phụ thắc mắc rằng em bé quay đầu khi nào? Trong những tháng đầu của thai kỳ (khoảng trước tuần 24), ngôi thai thường di động không ngừng, thoải mái xoay, lộn thoải mái trong bụng mẹ do kích thước thai nhi lúc này còn nhỏ. Bắt đầu từ tuần 24 trở đi, cơ thể em bé sẽ phát triển và có sự điều chỉnh phù hợp. Hầu hết các trường hợp thai nhi sẽ quay đầu khi tuổi thai chạm mốc 32 – 36 tuần và đây là quãng thời gian lý tưởng nhất. Cũng có một số thai quay đầu xuống ngay cả sau 37 tuần tuổi và một tỷ lệ rất nhỏ em bắt đầu quay đầu xuống khi bước vào quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp sẽ không thể biết chính xác bé quay đầu ở tuần bao nhiêu.
2. Dấu hiệu em bé đã quay đầu
Ngôi thai quay đầu hay không sẽ quyết định rất lớn đến hình thức sinh của người mẹ. Do đó, các sản phụ đều lo lắng đến việc thai đã quay đầu hay chưa. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết em bé đã quay đầu mà các mẹ bầu có thể tham khảo:
Nhận biết dấu hiệu thai quay đầu qua cử động thai
Các mẹ bầu có thể thông qua vị trí thai máy trên thành bụng, vị trí bé có những cử động chân tay để dự đoán vị trí ngôi thai và nhận biết dấu hiệu thai đã quay đầu hay chưa. Chỉ cần chú ý một chút, xem con mình đạp ở phần bụng trên rốn hay dưới rốn là sẽ biết đầu con đang nằm tại đâu. Ví dụ, nếu bé đạp phía trên bụng, nghĩa là đầu bé đã xoay về đúng vị trí (nằm ở dưới), còn nếu bé đạp phía bụng dưới thì chứng tỏ đầu bé vẫn chưa xoay. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cử động của tay bị nhầm với cử động của chân. Nếu tay của bé nằm gần sát đầu, lúc cử động tại vùng bụng trên có thể bị nhầm lẫn là thai đã quay đầu và ngược lại.
Nhận biết thai quay đầu qua khám bằng tay
Nếu vẫn không chắc trong việc sử dụng cử động thai, khám bụng bằng tay có thể giúp các mẹ bầu nhận biết được thai nhi đã xoay đầu chưa. Để thực hiện, mẹ chỉ cần nằm xuống, nhờ bố giúp làm theo hướng dẫn như sau:
- Đầu tiên, bố nhẹ nhàng đặt bàn tay vào đáy tử cung và xoa nhẹ bụng mẹ theo hướng xuống. Nếu cảm thấy khối cứng cứng thì có thể đó chính là đầu của thai nhi, nếu không bố tiếp tục thực hiện qua bước thứ hai.
- Tiếp theo, bố có thể dùng hai bàn tay sờ trên phần bụng phía trên xương mu của mẹ. Nếu thấy khối cứng cứng thì có thể đó chính là đầu của thai nhi. Nếu không sờ thấy gì thì có thể sờ nắn nhẹ lên cả vùng bụng để tìm đầu của bé.
- Ngoài ra, bố cũng có thể xác định được xem lưng thai nhi ở bên nào bằng cách dùng hai tay lần lượt đặt vào hai bên phải, bên trái của vùng bụng. Lúc này, một tay để nguyên, một sờ nắn nhẹ nhàng, sau đó đổi ngược lại để so sánh. Phần lưng của thai nhi thường có cảm giác sờ phẳng hơn, ngược lại phần chi của thai khi sờ sẽ cảm giác lùng nhùng và không đều.
Lắng nghe nhịp tim
Đây cũng là một cách xác định thai đã xoay đầu hay chưa, nhưng thường khó thực hiện tại nhà vì cần có một số dụng cụ khám thai chuyên dụng. Nếu ở tại nhà, bố có thể thử áp tai vào bụng mẹ, im lặng và lắng nghe nhịp tim của con. Nếu tiếng tim phát ra ở bụng dưới thì khả năng cao thai đã quay đầu hoàn toàn. Nếu sản phụ đi khám tại các phòng khám phụ sản, nhân viên y tế sẽ dùng ống nghe tim thai gỗ hoặc máy đo Doppler tim thai cầm tay để xác định chính xác vị trí và nhịp tim thai.
Nhận biết thai quay đầu qua phương pháp siêu âm
Phương pháp đơn giản mà chính xác nhất trong việc xác định sự quay đầu của thai là siêu âm. Các mẹ bầu nên đi siêu âm định kỳ, đặc biệt là từ tuần 28 trở đi để được bác sĩ thông báo thai đã thuận hay chưa. Các mẹ có thể để ý thông tin trên tờ kết quả siêu âm, nếu bác sĩ cung cấp thông tin là đầu thai nhi tại vị trí hạ vị (bụng dưới), chứng tỏ thai đã quay đầu. Ngoài cho sản phụ biết ngôi thai đang ở tư thế thuận hay ngược, siêu âm thai còn cung cấp cho các mẹ và cả bác sĩ sản khoa rất những thông tin liên quan đến thai như cân nặng, tình trạng nước ối, bánh nhau, dây rốn, hình thái thai nhi, sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể...
3. Nguyên nhân khiến bé không quay đầu
Một số nguyên nhân dưới đây có thể làm thai khó hoặc không quay đầu:
- Mẹ mắc u xơ tử cung, nhau tiền đạo.
- Dây rốn của thai nhi quá dài hoặc quá ngắn.
- Nước ối quá nhiều hoặc quá ít.
- Tình trạng đa thai, thường thì các bé sinh đôi sẽ nằm ở tư thế đối nghịch nhau.
- Tử cung của mẹ có hình dạng, cấu trúc và kích thước không đều
- Nhau tiền đạo
- Một số sản phụ tập Yoga với các tư thế không phù hợp hoặc không đúng cách.
4. Các biện pháp hỗ trợ giúp thai quay đầu
Một số phương pháp dưới đây có thể hỗ trợ các mẹ giúp thai quay đầu hiệu quả hơn, lưu ý nên thực hiện theo hướng dẫn và giám sát của bác sĩ:
- Ngồi trên một quả bóng mềm thay vì dùng ghế.
- Quỳ theo tư thế em bé tập bò (quỳ bằng tứ chi), sau đó tập rướn người lên xuống trong vài phút. Các mẹ có thể thực hiện động tác này một vài lần mỗi ngày để giúp đầu em bé dễ xoay xuống hơn.
- Đi bộ xung quanh nhà ít nhất 20 phút mỗi ngày. Các động tác vận động này tạo ra chuyển động trong xương chậu của mẹ, giúp kích thích thai quay đầu xuống dưới.
- Quỳ trên một chiếc nệm có độ cao thấp. Hai tay chạm xuống sàn, cúi đầu xuống trong khi lưng giữ thẳng và đồng thời nâng mông lên cao. Giữ vị trí này trong một vài giây rồi mới bắt đầu ngồi dậy.
- Khi ngồi trên ghế, các mẹ nhớ không nên để đầu gối cao hơn hông.
- Khi nằm ngửa tránh đặt chân lên cao. Tư thế này sẽ khiến đầu em bé xoay sai vị trí. Sản phụ nên nằm ngủ nghiêng về bên trái thay vì nằm ngửa
- Đối với những công việc phải ngồi nhiều, các mẹ hãy nghỉ giải lao giữ giờ thường xuyên và đi lại nhẹ nhàng xung quanh nơi làm việc.
Việc đầu em bé quay xuống đúng vị trị sẽ tạo ra một ngôi thai thuận lợi cho cuộc sinh, rút ngắn thời gian và giảm thiểu tối đa các biến chứng trong thời gian vượt cạn. Biết được các dấu hiệu em bé quay đầu sẽ giúp cho các mẹ bầu tự phát hiện và an tâm hơn trong thời gian mang thai.
Theo Vinmec
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
Các tin khác
- Thận trọng khi dùng thuốc chống co thắt tử cung Thứ Năm, 07/09/2023, 15:00
- Nhiễm trùng bàng quang và thận ở phụ nữ sau sinh con Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Cơ thể bạn biến đổi thế nào sau khi sinh con? Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Chườm nóng vùng thắt lưng khi mang thai có ảnh hưởng gì không? Thứ Năm, 07/09/2023, 12:00
- Các bước vệ sinh vùng kín đúng cách bạn cần biết Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Vì sao sau IUI bị đau tức bụng dưới ? Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Các dấu hiệu phôi làm tổ an toàn Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Khi gần sanh có dấu hiệu gì? Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Hướng dẫn vệ sinh vùng kín khi đang bị viêm nhiễm vi khuẩn Thứ Tư, 06/09/2023, 00:00
- Các triệu chứng sau bơm IUI 5 - 7 ngày Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00
- Cách làm giảm co bóp tử cung khi mang thai Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00
- Các dấu hiệu sau 9 ngày chuyển phôi có thể gặp Thứ Ba, 05/09/2023, 00:00