Buồng trứng - những điều cần biết Thứ Tư, 08/05/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Cơ quan chính của bộ máy sinh sản nữ bao gồm 2 buồng trứng, 2 vòi trứng, tử cung và âm đạo. Trong bài này chúng ta cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về buồng trứng nhé
1. Một số đặc điểm cơ bản của buồng trứng
- Vị trí buồng trứng ở trong cơ thể: Mỗi người phụ nữ có 2 buồng trứng (một bên phải và một bên trái), nằm ở hai bên tử cung. Buồng trứng được giữ cố định bởi một số cơ và dây chằng trong khung xương chậu, kết nối với tử cung thông qua các ống dẫn trứng.
- Kích thước: Buồng trứng là các tuyến nhỏ có hình bầu dục, ở người trưởng thành có kích thước là 2,5-5 x 2 x1 cm và nặng từ 4-8g, trọng lượng thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Kích thước này sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời và sẽ tăng gấp đôi khi phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, kích thước sẽ giảm dần khi phụ nữ bước sang tuổi 30.
- Số lượng nang noãn: Ở tuần thứ 30 của thai nhi, cả hai buồng trứng có khoảng 6.000.000 nang trứng nguyên thủy. Sau đó phần lớn chúng bị thoái hóa để chỉ còn lại khoảng 2.000.000 nang vào lúc mới sinh và đến tuổi dậy thì chỉ còn lại khoảng 300.000 – 400.000 nang. Trong suốt thời kỳ sinh sản của phụ nữ (khoảng 30 năm) chỉ có khoảng 400 nang phát triển tới chín và phóng noãn hàng tháng (hiện tượng rụng trứng). Số còn lại bị thoái hóa.
Buồng trứng là tuyến sinh dục của nữ, vừa có chức năng nội tiết (tiết ra các hormone sinh dục nữ quyết định giới tính phụ như estrogen và progesteron) và một lượng nhỏ testosterone, vừa có chức năng ngoại tiết (sự rụng trứng).
2. Tác dụng của các hormone buồng trứng (chức năng nội tiết)
Buồng trứng là nơi sản xuất hai loại hormone sinh dục rất quan trọng đối với sức khỏe sinh sản ở nữ giới là estrogen và progesterone, nó giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển các đặc điểm giới tính ở nữ giới khi dậy thì như thay đổi sắc vóc, phát triển nang lông trên cơ thể.
2.1. Tác dụng của estrogen:
- Giúp hình thành và duy trì các đặc tính sinh dục nữ khi bước sang tuổi dậy thì như phát triển cơ quan sinh dục, thay đổi sắc vóc, giọng nói trong trẻo, dáng đi mềm mại,…
- Tác động lên tử cung, cổ tử cung, vòi trứng nhằm giúp trứng đã thụ tinh dễ dàng di chuyển vào buồng tử cung. Estrogen cũng tác động lên tuyến vú, âm đạo, hệ thống xương. Do đó, nếu cơ thể thiếu estrogen, phụ nữ dễ gặp tình trạng loãng xương.
2.2. Tác dụng của progesterone:
Progesterone được sản xuất nhiều vào nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, có vai trò kích thích bài tiết ở niêm mạc tử cung vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, giúp chuẩn bị niêm mạc tử cung để sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Ngoài ra, progesterone còn tác động lên vòi trứng, cổ tử cung, tuyến vú và thân nhiệt.
Estrogen làm giảm co bóp cơ tử cung do đó ngăn cản việc đẩy trứng đã thụ tinh ra ngoài và tạo môi trường yên ổn cho thai phát triển.
3. Hiện tượng rụng trứng (chức năng ngoại tiết)
Từ sau tuổi dậy thì, hàng tháng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác dụng điều hòa của hormone tuyến yên, các nang trứng ở một trong hai buồng trứng trưởng thành. Đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, hormone hoàng thể tăng đột ngột làm cho nang trứng chín căng phồng, vỡ ra và giải phóng noãn ra khỏi nang trứng, còn gọi là hiện tượng rụng trứng.
Trường hợp trứng gặp tinh trùng sẽ diễn ra quá trình thụ tinh. Sau đó trứng đã thụ tinh bắt đầu di chuyển qua một cấu trúc rỗng và hẹp, được gọi là ống dẫn trứng để đến tử cung. Khi trứng đã thụ tinh di chuyển qua ống dẫn trứng, nồng độ progesterone trong cơ thể tăng cao để chuẩn bị niêm mạc tử cung sẵn sàng cho quá trình mang thai.
Trường hợp trứng không gặp tinh trùng để thụ tinh, trứng sẽ được phân hủy và đẩy ra bên ngoài cùng với lớp niêm mạc tử cung, hình thành kinh nguyệt.
(Ảnh: dieutri.vn)
4. Sinh lý buồng trứng qua các độ tuổi ở phụ nữ
Tuổi thiếu niên
Buồng trứng hoạt động rất kém về phương diện nội tiết. Các nội tiết tố sinh dục ở mức thấp và ổn định, các đặc tính sinh dục không phát triển.
Tuổi dậy thì - thời kỳ chuyển tiếp
- Là khoảng thời gian noãn bào và những chức năng nội tiết của bộ phận sinh dục phát triển, tiến đến thời điểm có thể đảm bảo khả năng sinh sản và thường được đánh dấu bằng kỳ kinh đầu tiên. Đây là giai đoạn chuyển tiếp để một bé gái trở thành một thiếu nữ và có thể bắt đầu đảm nhiệm chức năng sinh đẻ
- Từ 8 - 9 tuổi đến trước kỳ kinh đầu tiên, hormone androgen của thượng thận và các nội tiết hướng sinh dục của vùng dưới đồi/tuyến yên tăng dần, có vai trò chủ yếu trong sự thay đổi về hình thể và sinh lý của cơ thể bé gái như phát triển mô mỡ, phát triển núm vú và vú, tiếp đến là hệ thống lông mu, lông nách, âm hộ,…
- Tuổi có kinh lần đầu trung bình khoảng 12 - 16 tuổi. Tuổi dậy thì với kỳ kinh đầu tiên phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của hệ thống dưới đồi - tuyên yên - buồng trứng. Buồng trứng tăng dần thể tích gấp 3-4 lần, hoạt động cả về nội tiết (sản xuất các nội tiết tố sinh dục estrogen/progesteron) và ngoại tiết (phóng noãn). Hoạt động nội tiết của buồng trứng được đặc trưng bằng sự hành kinh. Tuy nhiên, nồng độ các nội tiết này đều ở mức tương đối thấp và chỉ đạt đến mức như người trưởng thành vào khoảng 3 - 5 năm sau.
Tuổi trưởng thành và hoạt động sinh dục
- Tiếp theo tuổi dậy thì, hoạt động nội tiết buồng trứng và cả trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng đã được hoàn chỉnh. Thời gian trưởng thành của nang noãn có thể dài ngắn khác nhau tuỳ từng người, tuỳ độ tuổi và ảnh hưởng đến độ dài của chu kỳ kinh. Bình thường với vòng kinh 28 ngày, nang chín khoảng ngày thứ 13 - 14.
- Khi nang trứng vỡ, hiện tượng phóng noãn (rụng trứng) xảy ra, trứng chín ra ngoài kèm theo ít tế bào hạt và được đưa vào loa vòi trứng. Người phụ nữ có thể thụ thai. Tại chỗ vỡ phóng noãn sẽ hình thành hoàng thể. Nếu không thụ thai, thì thời gian tồn tại hoàng thể tương đối ổn định, chỉ khoảng 14 ngày và người phụ nữ sẽ hành kinh.
- Trong tuổi trưởng thành, chỉ có khoảng 300 - 500 bọc noãn phát triển đến phóng noãn. Thời kỳ mang thai hoặc thời gian đầu cho con bú, bọc noãn không phát triển và không phóng noãn.
Nồng độ hormone estrogen theo độ tuổi ở phụ nữ
Tuổi mãn kinh - thời kỳ chuyển tiếp
- Thời kỳ tiền mãn kinh: được đặc trưng bằng kinh nguyệt không đều và thường kéo dài từ 1 - 2 năm trước khi mãn kinh thực sự, nhưng cũng có trường hợp kéo dài tới 5 - 10 năm hoặc rất ngắn chỉ vài tháng. Với phụ nữ, có sự khác biệt lớn ở thời kỳ này. Tiền mãn kinh sẽ ngắn nếu người phụ nữ có tiền sử kinh nguyệt đều đặn. Tiền mãn kinh sẽ kéo dài nếu tiền sử thường có kinh không đều, thất thường, số ngày kinh kéo dài…
- Tuổi mãn kinh trung bình khoảng 45 - 48, người phụ nữ không còn hành kinh và không còn khả năng có thai nữa. Không hành kinh một cách tự nhiên trước tuổi 40 được gọi là “mãn kinh sớm” hoặc “buồng trứng sớm suy tàn”. Nguyên nhân của buồng trứng sớm suy tàn đến nay vẫn chưa rõ.
5. Những bệnh lý thường gặp ở buồng trứng
Buồng trứng là cơ quan sinh sản chính ở nữ giới, vì thế bất kỳ bất thường nào ở buồng trứng đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Một số bệnh lý thường gặp ở buồng trứng mà chị em cần lưu ý, gồm: u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy buồng trứng nguyên phát, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng,…
Các dấu hiệu cho thấy buồng trứng bất thường: Tùy vào bệnh lý mắc phải tại buồng trứng mà có các triệu chứng khác nhau. Một số dấu hiệu nhận biết sớm bất thường ở buồng trứng như: đau vùng bụng dưới, vùng chậu, buồn nôn/tiêu chảy, đau bụng kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều, dịch tiết âm đạo bất thường, không có hiện tượng rụng trứng,…
6. Lời khuyên để bảo vệ buồng trứng khỏe mạnh
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, cần bổ sung nhiều loại rau củ quả, tránh những loại thức ăn nhanh, chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ…
- Uống đủ lượng nước cơ thể cần.
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ, phù hợp với thể trạng và sức khỏe.
- Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng hoặc stress kéo dài.
- Duy trì mức cân nặng cân đối.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh tình trạng viêm nhiễm.
- Quan hệ tình dục chung thủy và lành mạnh, sử dụng biện pháp bảo vệ phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và tránh thai ngoài ý muốn, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai.
- Đi khám khi có các dấu hiệu bất thường để kịp thời chẩn đoán và điều trị
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ hoặc theo chỉ định riêng của bác sĩ.
- Chủ động trang bị cho mình có kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bản thân.
TSBT tổng hợp
Nguồn: Tài liệu Bài giảng sinh lý học (Đại học Y Hà Nội); benh.vn; medichospital.com
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Anti-Mullerian Hormone (AMH) nói lên điều gì về sức khỏe sinh sản ở phụ nữ? Thứ Ba, 21/05/2024, 00:00
Các tin khác
- 8 điều bạn chưa biết về “cậu nhỏ” Thứ Bẩy, 06/04/2024, 00:00
- Làm Sao Để Biết Tinh Trùng Khỏe Hay Yếu? Chẩn Đoán Bằng Phương Pháp Nào? Thứ Tư, 17/01/2024, 12:00
- Các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình sinh tinh trùng Chủ Nhật, 14/01/2024, 15:00
- Quá trình hình thành tinh trùng diễn ra thế nào? Chủ Nhật, 14/01/2024, 14:15
- Màng trinh và trinh tiết của phụ nữ có mối liên kết gì? Sự thật về màng trinh giả Thứ Sáu, 13/10/2023, 15:00
- Làm thế nào để bạn biết màng trinh của bạn đã bị rách? Thứ Sáu, 13/10/2023, 13:00
- Sự thật về phẫu thuật màng trinh không phải ai cũng biết Thứ Sáu, 29/09/2023, 12:00
- Tìm hiểu về dây hãm bao quy đầu Thứ Sáu, 08/08/2014, 00:00
- Khí hư Thứ Hai, 07/07/2014, 00:00
- Chấn thương tinh hoàn ở nam giới Thứ Ba, 24/06/2014, 00:00
- Hiện tượng cương dương Thứ Năm, 05/06/2014, 00:00
- Gãy dương vật Thứ Năm, 29/05/2014, 00:00