Chị Quỳnh Anh (35 tuổi, Hải Phòng) từng trải qua 2 lần sinh mổ, vết sẹo mổ lấy thai dài khoảng 15 cm, dày trên thành bụng. Mặc dù chị chú ý kiêng khem kết hợp sử dụng các loại thuốc bôi nhưng bụng vẫn hình thành sẹo lồi.
Ở lần sinh thứ 3, chị được PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội theo dõi thai kỳ, trực tiếp mổ lấy thai. Sau mổ, bác sĩ sử dụng keo dán sinh học phủ lên vết rạch thay cho phương pháp đóng vết mổ bằng chỉ khâu.
Lớp keo dán có cơ chế hoạt động như một chất lỏng tự lấp đầy vết thương. Khi phủ lên vết mổ, keo dán từ từ đặc lại, tạo thành lớp màng phủ kín vết thương. Sử dụng keo dán phẫu thuật sẽ có thời gian lành vết thương nhanh, ít để lại sẹo hơn. Lớp keo sinh học có khả năng bám dính tốt, giúp ngăn vi khuẩn, nước xâm nhập vào bên trong vết mổ. Thời gian bám dính của keo dán khoảng 2-4 tuần, sau đó lớp keo sẽ từ từ bong tróc. Đây cũng là khoảng thời gian đủ cho vết thương liền da.
Hai ngày sau sinh, chị Quỳnh Anh có thể tự đi lại, vận động dễ dàng. Vết mổ mới lành đẹp, loại bỏ sẹo mổ cũ. Chị chia sẻ thêm: "Hai lần sinh trước, vết mổ được khâu lại bằng chỉ, phải kiêng nước 2 tuần đầu, tránh nước vào vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ở lần mổ này vết mổ được đóng bằng keo dán sinh học, việc vệ sinh dễ dàng, tôi có thể tắm rửa thoải mái".
Bác sĩ Hinh chia sẻ thêm, sau mổ đẻ, do sự tác động của nhiều nguyên nhân vết mổ hình thành sẹo lồi, sẹo xấu khiến nhiều người cảm thấy mặc cảm với chồng, không tự tin trong cuộc sống. Vì thế, việc chọn phương pháp đóng vết mổ, bác sĩ có kỹ thuật khâu tốt để điều trị sẹo sau sinh mổ được nhiều bà mẹ quan tâm.
Bên cạnh ứng dụng trong mổ lấy thai, keo dán sinh học có thể được sử dụng trong các trường hợp mổ phần phụ, đảm bảo sẹo mổ thẩm mỹ, giúp phụ nữ tự tin sau phẫu thuật. Với nhiều ưu điểm, keo dán vết mổ được ứng dụng trong phẫu thuật ngoại khoa.
Tuy nhiên, không phải 100% các trường hợp sinh mổ đều có thể sử dụng keo dán vết mổ, PGS Hinh cho biết, để đánh giá khả năng đóng vết mổ với keo dán sinh học, bác sĩ phải cân nhắc tới nhiều yếu tố như: phương pháp rạch mổ, lượng mỡ thành bụng, tình trạng da bụng của sản phụ. Hiện nay, đa phần các sản phụ kiểm soát cân nặng trong thai kỳ khá tốt nên cơ hội có thể sử dụng keo dán sinh học khi mổ lấy thai tăng. Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng phương pháp này bao gồm: vết thương hoại tử, có tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng thành phần keo dán, vết thương quá căng.
Với sản phụ sử dụng keo dán sinh học sau sinh mổ cần hạn chế ngâm bồn tắm lâu, tránh để vết thương tiếp xúc nước trong thời gian dài; tránh vận động mạnh, kéo căng vết mổ gây giãn, bục miệng vết mổ; tránh kỳ cọ mạnh quanh khu vực dán keo. Sản phụ vẫn cần tái khám sau sinh khoảng 6-8 tuần để kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe.
Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua, từ 12% năm 2005 lên 36,6% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO (dưới 15%). Trong nhiều thống kê khác, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam chiếm tới 50% tổng số ca sinh.