Vẻ đẹp của sự khác biệt giới tính Thứ Năm, 07/03/2024, 00:00
Nguồn: shutterstock
Sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ đã được sinh học chứng minh, tâm lý học cũng đã có những khám phá và xã hội học thì khẳng định.
1. Tại sao con trai thích đá bóng, con gái thích chơi búp bê?
Về mặt sinh học, khi mới 6 tháng tuổi, bé gái thường chỉ nhìn trái bóng một cách thoáng qua rồi quay sang nhìn thứ khác, trong khi bé trai như muốn nhào ra khỏi tay mẹ, muốn sờ mó và bắt lấy trái bóng. Khi được 2 tuổi, trẻ đã cảm nhận được giới tính của mình cùng những khác biệt hóa, vì thế chúng có những trò chơi đặc trưng riêng.
Các nhà tâm lý học cho rằng: các bé trai thích hoạt động thành nhóm và có tính tập thể, có thế mới bộc lộ được bản chất hiếu động. Còn các bé gái lại ưa thích kết thành đôi bạn (thậm chí với một búp bê) hoặc chỉ với một nhóm nhỏ. Nếu như con trai muốn đóng vai “bố” thì con gái đã biết sau này sẽ trở thành “mẹ” và thích đóng vai “mẹ”...
Cha mẹ thường ngạc nhiên khi thấy con trai đòi chơi búp bê, trong khi đa số thích trò chơi điện tử, thể thao hay phim hành động, trong khi con gái lại ưa thích phim tình cảm. Con gái cũng thích thể thao nhưng là những môn thể thao cá nhân như bơi lội, trượt băng nghệ thuật hơn là những môn thể thao tập thể, tranh giành nhau quả bóng.
2. Con gái thường dịu dàng, nhạy cảm
Hình như có vai trò của hormon nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy trong năm đầu tiên, nếu như các bé trai và gái có số lần khóc và la hét bằng nhau, thì các bé gái lại hay cười hơn và biết bập bẹ nói trước, hay bắt chước và có mối quan hệ thân thiết hơn với mọi người xung quanh. Nhà tâm thần học Alain Braconiner đã nhận xét rằng “các bé gái có sự phát triển tốt hơn về ngôn ngữ diễn tả những cảm xúc của mình”. Đến tuổi trưởng thành, những nghiên cứu cũng cho thấy kết quả tương tự: phụ nữ vừa bộc lộ dễ dàng hơn những cảm xúc của họ, vừa có sự thông cảm hơn với người khác. Điều đó không có nghĩa phụ nữ yếu đuối hơn nam giới, nhưng họ có khả năng bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng hơn.
Người lớn thường không muốn các bé gái phải tức giận cũng như không muốn các bé trai phải buồn rầu và sợ hãi. Cha mẹ cũng thường coi con gái là yếu ớt, cần được quan tâm chăm sóc hơn, con gái sớm học được điều đó và áp dụng ngay đối với những người xung quanh. Còn đối với con trai, chúng phải tỏ ra can đảm để trở thành người “đàn ông chân chính” sau này. Mẫu hình giáo dục như thế không thay đổi trong suốt tuổi vị thành niên. Nhà tâm lý học Yvonne Castella nhấn mạnh rằng từ 3 – 6 tuổi ít có sự khác biệt giữa hai giới về ý thức chăm sóc. Từ 7 – 11 tuổi, con gái tỏ ra có khả năng chăm sóc người khác hơn, ngay ở tuổi 12, nhiều bé gái đã bộc lộ ý muốn làm một nghề mang tính vị tha.