Ước gì được trở về tuổi thơ Thứ Hai, 11/11/2019, 10:14
Tuổi thơ của các bé nhà tôi bây giờ khác với thời chúng tôi nhiều quá, khoảng cách chỉ hơn 20 năm giữa hai thế hệ mà tưởng chừng như xa xôi lắm... Tự dưng lại thấy cay cay sống mũi, ước gì, ai cho tôi một vé trở về tuổi thơ.
Ngày mưa gió, ngồi nhớ lại thuở nhỏ, chị gái đã theo chồng bỏ cuộc chơi, để lại bao công việc nhà cho đứa em gái bé bỏng mới tí tuổi, lại còn bị anh trai suốt ngày dụ dỗ, bắt nạt, bắt rửa bát, nhờ quét nhà để anh đi chơi. Ở quê tôi những đứa trẻ học lớp 2, lớp 3 sáng đến trường, chiều về đã phải đi chăn bò và làm đủ thứ việc nhà rồi. Cứ đầu giờ chiều khi cái nắng đang chang chang oi ả nhất là cả đoàn trẻ con lít nhít từ 6-15 tuổi hò nhau đuổi bò lên chân núi. Dưới chân núi là cánh đồng lúa, nên đứa nào sơ sẩy mải chơi để bò chạy xuống ruộng ăn lúa bị bảo vệ bắt được về sẽ bị bố mẹ đánh no đòn. Khi ấy vì nhỏ quá, mà giữa bãi cỏ mênh mông với hàng trăm con bò mẹ, bò con, cả trâu, cả nghé thì việc đang mãi chơi mà ngó lên tìm thấy đúng mặt con bò nhà mình để yên tâm chơi tiếp cũng là cả một vấn đề không hề nhỏ. Nên chuyện bị đánh đòn đối với bọn trẻ con ở quê như tôi là cơm bữa…
Nhưng tầm chiều đến những con bò của chúng tôi sẽ ăn cỏ dần và leo lên những sườn núi, lũ trẻ bọn tôi bắt đầu cuộc hành trình chinh phục đỉnh cao. Ngày ấy vui lắm, khỏe lắm, leo núi thoăn thoắt, vừa đi vừa hái quả sim, quả mua chín ăn rất ngon lành, mà ăn quả ấy thì cả mồm miệng, răng môi đứa nào đứa nầy đều đen lấp lánh. Thời ấy núi còn chưa ai trồng cây đâu, trên núi chỉ bạt ngàn các cây cỏ dại, không khí thoáng đãng, mát mẻ, trong lành vô cùng. Lớn một chút chúng tôi phải vừa chăn bò vừa cắt rễ về cho mẹ làm chổi, đứa thì hái cây nhân trần cho cả nhà uống nước, đứa thì cắt đầy bì cây về phơi lên làm củi nấu. Bọn tôi cứ thế hăng say, vừa làm vừa bứt quả dại, ngọn cây mâm xôi, lá chua ăn, khi khát thì xuống khe núi tìm vũng nước trong uống…
Giữa cái nắng chói chang của mùa hè nhưng chả đứa nào vì thế mà bị đau bụng hay cảm nắng. Cả lũ gái trai bọn tôi da vẫn không hề rám nắng, vẫn trắng trẻo, hồng hào, dù lúc nào cũng lấm lem đất cát. Cứ thế cả đoàn trẻ con và đàn bò cũng leo dần lên đỉnh núi, khi đó trời cũng đã ngã nắng, trên đỉnh thì mặt trời cũng lâu lặn hơn, thế nên khi ngã nắng chúng tôi bắt đầu đuổi bò men theo đường mòn về nhà, nhiều khi đến lưng chừng là nhá nhem tối, đường đi chỉ nhìn đứa đi trước và lối mòn trăng trắng nhấp nhô phía trước, bước thấp, bước cao. Nhiều khi ngã sấp, ngã ngửa trầy da, tím thịt nhưng vẫn cười giòn tan.
Rồi có những khi tôi để lạc mất bò. Về nhà bố, mẹ, anh, chị sẽ chạy toán loạn khắp nơi đi tìm. Nhớ có lần bố mẹ tôi phải chạy đi hỏi khắp các làng lân cận tận hai ngày vẫn không tìm thấy bò, cuối cùng đc người ta mách phải leo tận hai quả đồi sang tận xã khác để xin được bò vì nó chạy xuống thung lũng phá ngô người ta trồng nên bị họ bắt về. Lần ấy bố giận lắm, quất vào mông hai roi đau điếng, còn phạt không cho ăn cơm, làm mẹ vì thương con nên cũng nhịn không ăn. Nhưng tối đến mẹ lại dọn cơm xuống bếp cho tôi ăn, rồi ngồi cạnh dặn dò, thủ thỉ… Bữa cơm ăn vội, vừa sợ bố, mà vì đói quá nên vẫn rất là ngon…
Ngày ấy tôi còn nhớ mẹ giao cho chị em tôi một đám ruộng nho nhỏ gần nhà, mẹ bảo là của các con, nếu chăm sóc tốt sau mẹ bán lúa đi sẽ cho tiền may bộ quần áo thật đẹp, khi ấy tôi cũng bước vào lớp 6 rồi, em tôi thì mới học lớp 3 thôi, chả biết nó còn nhớ không… Chúng tôi cấy lúa, sau đó mỗi ngày đi chăn bò sẽ tranh thủ cắt cây xanh, về băm ra rồi vãi ra đám ruộng be bé ấy. Thậm chí còn hót cả phân bò rồi nhờ mẹ đem ra bón ruộng. Mỗi ngày cứ nhìn cây lúa xanh tươi, khỏe mạnh hơn đám bên cạnh là chị em tôi vui lắm, chăm sóc rất nhiệt tình mà không biết công mình thì ít, công bố mẹ thì nhiều... Khi ấy tôi cũng không hiểu được là dù mình không chăm sóc đám ruộng thì tết đến bố mẹ vẫn mua sắm quần áo giày dép đều đều cho chị em tôi.
Sợ nhất là mỗi ngày bị mẹ lôi đi tát nước, người thì bé mà phải cùng người lớn kéo gầu nước từ dưới mương lên đám ruộng cao, ngày một lần tát nước như thế, kéo vẹo cả hông, phồng rộp hết cả tay mà ruộng vẫn chưa ngập nước, nên công việc này anh trai tôi vẫn hay đảm nhận cùng mẹ phần nhiều. Ruộng khi đó cá tôm nhiều lắm, mùa nắng tháng 6 nước cạn, chỉ cần ra đồng, ra mương tát cá, hoặc vớt cá bị cạn nước thì nhà nào nhà nấy ăn cá mệt nghỉ luôn. Ruộng khi đó đỉa cũng nhiều, mỗi lần đi cấy lúa các chị các mẹ còn phải cầm theo đùm vôi để bôi quanh chân cho con đỉa đỡ bu lại cắn. Tôi mắc bệnh sợ quá mức, thấy đỉa đến là hét lên, chạy tán loạn lên bờ ngồi, và phải rất lâu, rất lâu, mới dám thò chân trở lại. Hơn nữa, tôi cũng là đứa con hay ốm yếu, hay mè nheo nhất nhà nên thường thì việc làm đồng bố mẹ cũng ít cho tôi tham gia hơn.
Nhớ những ngày tháng 7, tháng 8 mưa bão. Cả nhà ngồi trong nhà nghe gió rít từng cơn. Bố mẹ cũng không đi chợ, nhà nuôi nhiều gà chỉ đợi có khách đến hoặc những ngày mưa gió là bố sẽ thịt. Bố mẹ nấu nướng, chị em trùm chăn nằm chơi trên giường. Đến bữa sẽ là món thịt gà kho lá chanh thơm nức mũi, là món rau muống nấu mẻ, ray muống nộm vừng lạc mẹ đội mưa hái ngay ngoài ruộng gần nhà, là món muối vừng muối lạc. Có hôm thì qua nhà hàng xóm họ đi vợt được mẻ cá, lươn trạch về. Bố mẹ sẽ trổ tài nấu nướng, mẹ rán cá rô đồng giòn rụm, hoặc kho khế thật ngon. Bố sẽ đào một cây chuối non, om món lươn cùng củ chuối, hoặc làm cá chạch rán vàng kho tiêu… Những món ăn dân dã ngày mưa bão mà vào cơm lắm, đánh bay cả nồi cơm năm ống gạo cũng nên.
Ngày ấy chúng tôi rất hiếm được xem ti vi mà có được xem cũng chả có trò gì hay phim gì hay cả, ngoài đợi đến khung giờ 5 giờ chiều xem Tôn Ngộ Không hay phim hoạt hình Thủy Thủ mặt trăng, cả tuổi thơ chắc chỉ có mỗi hai bộ phim ấy. Mà không phải nhà nào cũng có ti vi đâu, khi tôi học lớp 4,5 gì đó làng tôi mới bắt đầu có điện, khoảng một năm sau gì đó bố tôi mua cái tivi đen trắng đầu tiên của xóm. Khi ấy hàng xóm quanh nhà đều đến xem tivi, mỗi buổi tối nhà tôi chật cứng người xem, xem cái gì gì cũng háo hức, bàn luận, tranh cãi rất hăng say.
Đồ chơi vẫn là đất cát, là lá, là cành cây, là mo cau, là cánh bèo trôi dạt… Đồ ăn vặt là sung, là khế, là ổi, là táo, là ngô, khoai, sắn. Ngày ấy học hết lớp 9 có người tán tỉnh rồi vẫn hằng ngày theo sau đít con bò lên núi, vẫn hò hét nhảy ô, vẫn ra đồng cắt cỏ, hái rau dại ăn…
Giờ thì ở quê tôi các ngọn đồi núi đã đc khai thác trồng rừng, cây cối um tùm rồi, chả đứa trẻ con nào còn dám cho bò lên đó nữa, đến người lớn đi còn sợ lạc nữa là. Với cả giờ quê tôi làm nông nghiệp cũng không dùng nhiều sức người, sức kéo mà gần như thay bằng máy móc cả rồi, nên cũng không còn các đám trẻ đi chăn bò như trước, trẻ con giờ chỉ ăn học thôi, thú vui cũng chỉ quanh quẩn bên cái tivi, ipad hoặc điện thoại như người lớn… Tuổi thơ của các bé nhà tôi bây giờ khác với thời chúng tôi nhiều quá, khoảng cách chỉ hơn 20 năm giữa hai thế hệ mà tưởng chừng như xa xôi lắm... Tự dưng lại thấy cay cay sống mũi, ước gì, ai cho tôi một vé trở về tuổi thơ.
Vũ Quyên 299 – blogradio.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
- Sách giáo dục giới tính của Thụy Điển tại Hàn Quốc bị cấm rồi lại được dỡ bỏ Chủ Nhật, 07/07/2024, 00:00
- Nhà từ thiện tỷ phú Melinda French Gates: vượt ra ngoài cuộc hôn nhân trước đây của bà với Bill Gates Thứ Hai, 01/07/2024, 00:00
- Giáo sĩ người Mỹ gốc Hàn gợi ý văn hóa Shabbat giải quyết tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc Thứ Bẩy, 29/06/2024, 00:00
- Ngày gia đình Việt Nam 2024 Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Robot tình dục thế hệ tiếp theo được hỗ trợ bởi AI của Trung Quốc sẽ lên kệ Thứ Sáu, 21/06/2024, 00:00
- Chính phủ Tokyo đang tung ra ứng dụng hẹn hò để cải thiện tỷ lệ sinh Thứ Tư, 19/06/2024, 00:00
- Thái Lan: Hạ viện thông qua luật hôn nhân đồng giới Thứ Ba, 18/06/2024, 23:00
Các tin khác
- Vỏ quế hồi dương, thông huyết mạch Thứ Năm, 07/11/2019, 21:46
- Nghiện ma túy tổng hợp tại Việt Nam ngày càng gia tăng Thứ Ba, 05/11/2019, 20:00
- Tớ chẳng đợi cậu nữa đâu Thứ Ba, 05/11/2019, 16:08
- Học cách đối mặt với nghịch cảnh: Hãy nghe câu chuyện khoai tây, trứng và cà phê Thứ Hai, 04/11/2019, 19:00
- Không vượt qua vùng an toàn thì làm sao biết được giá trị của bản thân Thứ Hai, 04/11/2019, 18:00
- Hoài cẩn thận gấp tờ giấy lại, cất vào hộp rồi đứng lên. Từng giọt nước mắt ấm nồng rơi xuống đám cỏ, nó khẽ thì thào trong tiếng nấc: “Tha thứ cho con, bố nhé!’ Thứ Hai, 04/11/2019, 09:27
- MỜI GỬI TÓM TẮT TRÌNH BÀY - HỘI NGHỊ QUỐC GIA LẦN 4 VỀ TÌNH DỤC, SỨC KHỎE, XÃ HỘI Thứ Sáu, 01/11/2019, 09:00
- 10 điều có thể xảy ra nếu bạn chuyển từ uống cà phê sang uống trà Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:00
- Lời xin lỗi muộn mằn Thứ Năm, 31/10/2019, 20:00
- Xử trí khi bé bị tác dụng phụ sau khi tiêm phòng Thứ Năm, 31/10/2019, 19:00
- 4 thực phẩm nâng cao “sức mạnh đàn ông” Thứ Tư, 30/10/2019, 19:00
- 6 cách tự nhiên giúp nam giới tăng cường testosterone Thứ Tư, 30/10/2019, 15:01