Ung thư cổ tử cung Thứ Tư, 30/03/2022, 00:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm và có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận trường hợp một bệnh nhân có cổ tử cung bị khối u khi chỉ mới 14 tuổi.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nếu phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, ung thư ở cơ quan cổ tử cung có thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, nữ giới nên chủ động tầm soát định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm, bảo tồn thiên chức làm mẹ.
Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, kéo dài khoảng 10-20 năm, qua nhiều giai đoạn. Một số trường hợp bệnh nhân ung thư cổ tử cung được chẩn đoán mắc bệnh khi 40 tuổi nhưng mầm mống virus HPV đã tồn tại âm thầm bên trong cơ thể từ thời thiếu nữ. Do đó, việc phát hiện càng sớm sẽ góp phần tăng khả năng chữa khỏi bệnh.
Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư, khả năng sinh sản và tính mạng của người bệnh được bảo tồn. Tuy nhiên, trường hợp bệnh đã sang giai đoạn tiến triển, việc người bệnh sống bao lâu sẽ phụ thuộc vào giai đoạn cụ thể và quá trình điều trị.
Giai đoạn I: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính cổ tử cung, chưa khu trú sang cơ quan khác. Do đó, phương pháp điều trị hiệu quả là tiến hành cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung hoặc xạ trị, tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến khoảng 90%, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, tăng nguy cơ dọa sảy thai do hình thành các mô sẹo.
Giai đoạn II: Các tế bào ung thư đã bắt đầu lan đến âm đạo và các mô xung quanh cổ tử cung, do đó cần kết hợp phẫu thuật xạ hóa trị. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 50-65%.
Giai đoạn III: Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này chỉ khoảng 25-35%.
Giai đoạn IV: Khối u đã lan ra vùng chậu, xâm lấn các cơ quan như bàng quang, trực tràng, di căn đến phổi, gan, xương... Việc điều trị ở giai đoạn này rất khó khăn, chủ yếu là kéo dài thêm thời gian sống cho người bệnh. Tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 15%.
U cổ tử cung có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau qua từng giai đoạn. Tùy thuộc vào mức độ tiến triển bệnh, sự xâm lấn và di căn của các tế bào ung thư mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, buồng trứng. Do đó, khả năng mang thai, sinh nở của phụ nữ mắc bệnh ung thư ở vùng cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể cân nhắc phác đồ điều trị bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh.
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Bệnh lý ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển âm thầm nên khó phát hiện và can thiệp kịp thời. Do đó, tầm soát ung thư có ý nghĩa quan trọng, giúp phát hiện sớm những nguy cơ, có biện pháp điều trị kịp thời, đúng cách ngay từ giai đoạn khởi phát. Thời điểm tốt nhất để thực hiện việc tầm soát sẽ khác nhau ở mỗi người tùy theo sức khỏe, môi trường sống và chế độ sinh hoạt... Chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát định kỳ theo yêu cầu của từng phương pháp, theo chỉ định của bác sĩ.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, nếu như trước đây, việc phát hiện các tế bào ung thư đòi hỏi phải thực hiện nhiều quá trình phức tạp thì hiện nay, với sự tiến bộ của công nghệ đã giúp việc tầm soát bệnh trở nên dễ dàng hơn. Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung đang được áp dụng gồm:
Xét nghiệm tế bào Pap smear
Phương pháp này còn gọi là xét nghiệm Pap hoặc phết tế bào cổ tử cung, thực hiện thu thập mẫu tế bào trong tử cung và phân tích để phát hiện ung thư cổ tử cung từ sớm. Bên cạnh đó, Pap smear còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào tử cung, cảnh báo sớm các nguy cơ bệnh lý trong tương lai.
Xét nghiệm Thinprep
Phương pháp này lấy một mẫu mô nhỏ ở cổ tử cung cho vào lọ Thinprep (dạng chất lỏng định hình), chuyển vào phòng thí nghiệm và xử lý bằng máy Thinprep một cách tự động. Đây được xem là bước tiến mới so với các phương pháp truyền thống, giúp nâng cao chất lượng các mẫu tế bào đã thu thập, đảm bảo độ chính xác của việc tầm soát bệnh lý.
Xét nghiệm HPV
Theo thống kê của WHO, khoảng 99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của HPV. Do đó, xét nghiệm HPV giúp phát hiện các virus gây bệnh và có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung trong tương lai, thường áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Khuyến cáo kết hợp cùng xét nghiệm tế bào Pap smear để có kết quả tổng quan chính xác nhất.
Điều trị ung thư cổ tử cung
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê: "Phương pháp điều trị khối u cổ tử cung thường là đa mô thức, tức là gồm nhiều phác đồ điều trị khác nhau, chứ không phải ung thư là mổ như nhiều bệnh nhân vẫn đang lầm tưởng. Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, có thể là phẫu thuật đơn thuần, có thể là xạ trị, cũng có thể là kết hợp giữa phẫu thuật – hóa trị – xạ trị".
Giai đoạn tiền ung thư
Giai đoạn này, các tế bào bất thường chỉ mới xuất hiện ở mô lót cổ tử cung, chưa xâm lấn sâu và di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Tùy theo độ tuổi và mong muốn có con của người bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau như khoét chóp, LEEP, cắt cụt cổ tử cung. Trường hợp người bệnh lớn tuổi hoặc người bệnh không mong muốn có con nữa thì có thể sử dụng phương pháp cắt bỏ tử cung bảo tồn buồng trứng.
Giai đoạn I
Đây là giai đoạn các tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn đến các mô chính của cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung, hoặc sử dụng phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể để lại sẹo ở cổ tử cung sau phẫu thuật, ảnh hưởng đến quá trình gặp nhau và thụ thai của trứng và tinh trùng.
Trường hợp cắt bỏ quá nhiều mô ở cổ tử cung, phụ nữ có nguy cơ sảy thai khi mang thai.
Giai đoạn II – III
Các tế bào ung thư đã xâm lấn sâu đến âm đạo và lan rộng khắp vùng thành chậu, do đó phương pháp điều trị hiệu quả nhất chính là xạ trị kết hợp hóa trị, tuy nhiên nhược điểm là không thể bảo tồn chức năng sinh sản. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng kết hợp thực hiện phương pháp này.
Giai đoạn IV
Ở giai đoạn IV, các tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như trực tràng, bàng quang, thậm chí là gan, phổi... Việc điều trị ở giai đoạn này khá phức tạp và tốn kém nhiều chi phí, nhưng chủ yếu là giảm thiểu các triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Bác sĩ Hiền Lê cho biết, tiêm vaccine phòng HPV được xem là biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hữu hiệu nhất, để giảm nguy cơ mắc bệnh lý ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, vaccine phòng ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép có hiệu lực sử dụng từ năm 2007, có khả năng phòng ngừa tổn thương và lây nhiễm gây ra bởi 2 tuýp HPV nguy cơ cao là 16 và 18. Thêm vào đó, vaccine còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn...
Khuyến cáo chị em phụ nữ xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV - tác nhân dẫn đến u cổ tử cung.
Không nên quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên vì cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện, còn nhạy cảm.
Phụ nữ chú ý quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì nguy cơ cao lây nhiễm HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác.
Phụ nữ nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục...
Bạn đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng bất thường.
Theo VnExpress
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÊN GỌI TEENAGER (TRẺ VỊ THÀNH NIÊN) Ở MỸ Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- Tìm hiểu về Ngày Lễ Độc thân? Thứ Hai, 11/11/2024, 00:00
- Thế hệ Alpha có khiến mọi người lo lắng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
- Sách giáo dục giới tính của Thụy Điển tại Hàn Quốc bị cấm rồi lại được dỡ bỏ Chủ Nhật, 07/07/2024, 00:00
- Nhà từ thiện tỷ phú Melinda French Gates: vượt ra ngoài cuộc hôn nhân trước đây của bà với Bill Gates Thứ Hai, 01/07/2024, 00:00
- Giáo sĩ người Mỹ gốc Hàn gợi ý văn hóa Shabbat giải quyết tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc Thứ Bẩy, 29/06/2024, 00:00
- Ngày gia đình Việt Nam 2024 Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Robot tình dục thế hệ tiếp theo được hỗ trợ bởi AI của Trung Quốc sẽ lên kệ Thứ Sáu, 21/06/2024, 00:00
- Chính phủ Tokyo đang tung ra ứng dụng hẹn hò để cải thiện tỷ lệ sinh Thứ Tư, 19/06/2024, 00:00
- Thái Lan: Hạ viện thông qua luật hôn nhân đồng giới Thứ Ba, 18/06/2024, 23:00
Các tin khác
- Cách chăm sóc, vệ sinh cô bé sau khi quan hệ chuẩn Thứ Tư, 23/03/2022, 00:00
- Hướng dẫn sử dụng cốc nguyệt san đúng cách cho chị em Thứ Tư, 23/03/2022, 00:00
- Cách để cha mẹ kết nối với con tuổi vị thành niên Thứ Tư, 23/03/2022, 00:00
- Để bệnh nhân HIV/ AIDS vui sống, hòa nhập cộng đồng Thứ Tư, 23/03/2022, 00:00
- ỨNG DỤNG MẸ CON VUI KHỎE MCH 247 Thứ Ba, 22/03/2022, 10:00
- Nhiễm độc chì từ khói xe làm giảm IQ của một nửa dân số Mỹ Thứ Ba, 15/03/2022, 16:00
- Những loại thực phẩm "vàng" tốt nhất cho phổi Thứ Sáu, 11/03/2022, 11:00
- 5 tác hại nghiêm trọng khi trẻ xem phim "người lớn" Thứ Năm, 10/03/2022, 16:00
- Khắc phục tình trạng rụng tóc hậu Covid-19 Thứ Tư, 09/03/2022, 00:00
- Thực phẩm tốt cho F0 điều trị tại nhà Thứ Tư, 09/03/2022, 00:00
- 12 cách hiệu quả giúp bạn có giấc ngủ ngon Thứ Tư, 02/03/2022, 00:00
- 9 thói quen giúp duy trì hôn nhân bền vững Thứ Tư, 02/03/2022, 00:00