Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn? Thứ Ba, 01/05/2018, 09:00
Em đang bị trầm cảm và em đã đi khám và bác sĩ đã chuẩn đoán em bị bệnh. Anh chị cho em hỏi bệnh trầm cảm có thể khỏi hoàn toàn như người bình thường không ạ? Em cần làm gì để tốt cho bản thân trong lúc bị bệnh? Em mong nhận được hỗ trợ của Tâm sự bạn trẻ 350. Em xin cảm ơn.
Nữ, 22 tuổi, Huế
Chào bạn!
Tâm sự bạn trẻ 360 nhận thấy bạn tiếp tục có những quan tâm đến bệnh trầm cảm như mức độ khỏi bệnh và những việc nên làm trong quá trình điều trị bệnh của bản thân. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về vấn đề này.
Bạn đã tìm hiểu những kiến thức như thế nào liên quan đến trầm cảm, cách chữa trị cũng như sự nỗ lực của bản thân người bệnh trong quá trình điều trị trầm cảm? Bạn nhận thức như thế nào về bệnh trầm cảm của bản thân sau khi đi khám bác sĩ? Bạn đã làm gì để cải thiện tình trạng bệnh của mình? Bạn tự nhận thấy nỗ lực của bản thân về việc điều trị bệnh ở mức độ ra sao?
Bạn thân mến, những câu hỏi bạn đặt ra cho Tâm sự bạn trẻ 360 cũng là những băn khoăn của rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm là một loại bệnh rất phổ biến. Người bị trầm cảm dạng nhẹ nhất nếu được chữa trị và hỗ trợ đúng thì vẫn có thể sống khỏe mạnh và năng động. Những trường hợp nặng hơn nếu nhận biết được các dấu hiệu và tìm sự giúp đỡ từ sớm như nói chuyện với người khác, gặp bác sĩ đa khoa hỗ trợ, thì bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng bệnh trầm cảm của mình. Bạn chia sẻ rằng đã đi thăm khám, nếu được điều trị theo đúng phác đồ và bạn tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cũng như nghe theo lời khuyên của bác sĩ, bạn có thể làm việc, học tập được bình thường. Điều quan trọng là bạn nhận thức được về tình trạng bệnh của mình và có nỗ lực cao trong chữa trị bệnh, không được mất niềm tin vào bản thân.
Trong quá trình điều trị, bạn không nên cố gắng làm việc bằng bất cứ giá nào mà hãy nhận thức về giới hạn của bản thân để không rơi vào những trạng thái cảm xúc tiêu cực như nghi ngờ, đổ lỗi cho bản thân. Đồng thời, bạn không nên lấy lý do bị trầm cảm để bào chữa cho các vấn đề khó khăn của bản thân trong công việc, cũng như cẩn trọng đưa ra những quyết định có tính chất ảnh hưởng đến tương lai trong thời gian đang điều trị. Bạn cũng nên cân nhắc việc tham gia các hoạt động hữu ích để giữ gìn sức khỏe thể chất, tham gia các hoạt động tích cực (chẳng hạn như chạy bộ, đọc sách) mà bạn có hứng thú theo lời khuyên của chuyên gia, cũng như duy trì các mối quan hệ gia đình, bạn bè, và xã hội. Bạn cũng cần tránh xa các kích thích gây hại như bia, rượu, thuốc lá. Điều quan trọng là bạn không ngưng thuốc đang dùng hoặc tự ý tiếp tục dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.
Bạn có thể nghe hay đọc những câu chuyện truyền cảm hứng. Những chia sẻ về trầm cảm của những người đã và đang trải qua khiến có thể sẽ khiến bạn cảm thấy mình không cô độc, không tệ hại, và giảm bớt phần nào cảm giác tội lỗi. Những kinh nghiệm của họ, cách nhìn của họ biết đâu sẽ khiến bạn phần nào thay đổi suy nghĩ và yêu bản thân mình hơn.
Âm nhạc cũng là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta thay đổi khí sắc, tâm trí và hành vi. Âm nhạc có thể tiến vào tầng nhận thức. Những giai điệu của bài hát có thể gợi những phản ứng không chỉ ở những vùng não có liên quan đến hệ thống thưởng (reward system) mà còn cả những vùng điều chỉnh cảm xúc. Hãy chọn những bài bạn thích, truyền cảm hứng và giải phóng cảm xúc của bạn. Chọn ra những bài hát khiến bạn vui vẻ, yêu đời, hạnh phúc hơn và lập thành một playlist, và nhớ rằng chỉ thi thoảng mới nghe nhé. Việc nghe quá nhiều một bài hát hay một playlist có thể bão hòa đi sự kết nối giữa hệ thống thần kinh với bài hát đó và thay vào đó là những cảm xúc mới.
Bạn có thể viết nhật ký, viết về ngày thường của bạn, những gì bạn làm và những sự kiện đã xảy ra có ảnh hưởng đến bạn. Viết ra những cảm xúc cũng giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về những gì đang xảy ra xung quanh. Đọc lại những gì bạn viết lúc bình tĩnh và hãy tự hỏi mình nếu chuyện này xảy ra lần nữa thì mình sẽ giải quyết nó như thế nào? Những hoàn cảnh nào dẫn đến phản ứng như thế này? Làm sao để cải thiện nó?
Bạn cũng cần chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực đều có vai trò quan trọng trong đời sống. Hãy đơn giản hóa mọi chuyện như việc cảm xúc lo âu sợ hãi khi gặp phải tình huống nguy hiểm đến tính mạng là cần thiết để sinh tồn, là một cảm xúc hết sức bình thường.
Quản lý stress hiệu quả hơn bằng việc xác định những nguyên nhân gây stress, tập trung giải quyết từng vấn đề một, dễ trước khó sau cũng là việc cần thiết đối với bệnh nhân trầm cảm. Bạn hãy tìm ra những yếu tố, khía cạnh của vấn đề mà mình có thể điều khiển được. Chúng ta thường bị stress vì những thứ chúng ta không thể điều khiển được, ví dụ như thầy cô chấm bài khó, hay thi học kỳ, thì đại học. Tìm ra những khía cạnh mà chúng ta có thể thay đổi hoặc cải thiện ví dụ như học bài kỹ hơn, luyện giải nhiều bộ đề có thể giúp giảm tải căng thẳng. Sau đó hãy lên kế hoạch, thời gian hiệu quả hơn. Lập một hộp “công cụ” giải quyết stress và sử dụng nó tùy vào tình huống. (tập thể dục, hoạt động ngoại khóa, luyện tập tỉnh thức…) và chấp nhận khi mình mắc lỗi lầm và đừng làm nó tồi tệ hơn bằng việc tự trách hay tự đổ lỗi bản thân.
Bạn cũng hãy chú ý đến chế độ ăn uống của bản thân. Một số loại thức ăn và vitamin có tác dụng giảm căng thẳng và áp lực. Ví dụ như Vitamin B tổng hợp hỗ trợ giấc ngủ, giảm các triệu chứng lo âu (đậu phộng, rau chân vịt, hạt điều hoặc trứng, sữa, thịt bò, thịt cá, quả bơ). Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch và giảm các ảnh hưởng tâm lý gây ra bởi stress (ổi, mãng cầu, măng cụt, kiwi, cam, chanh). Vitamin D giảm trầm cảm và căng thẳng (ra nắng, sữa, dầu cá…).
Cuối cùng, hãy yêu thương bản thân mình hơn nữa bạn nhé. Nỗ lực của bản thân là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị trầm cảm. Nghịch lý là người bị trầm cảm có thể có những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tin rằng trường hợp của mình là vô vọng và không thể cứu chữa, từ đó chối bỏ sự quan tâm của mọi người, nếu có, và không muốn tới gặp chuyên gia tâm lý. Việc nhận ra rằng mình cần sự giúp đỡ và đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ ấy từ bạn bè, từ những người có cùng trải nghiệm với bạn, từ những chuyên gia như bác sĩ, chuyên viên tư vấn là cần thiết. Đừng vì cái nhìn của người khác mà trốn tránh không đối mặt với vấn đề để rồi tự tổn thương mình. Bạn xứng đáng được những điều tốt đẹp hơn thế.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe và yêu thương bản thân mình!
Tâm sự bạn trẻ 360
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Ra dịch nâu sau khi quan hệ có sao không? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Khả năng lây nhiễm bệnh tình dục Thứ Sáu, 16/02/2024, 00:00
- Ngực phát triển không đều? Thứ Ba, 30/01/2024, 00:00
- Tự ti về bản thân Thứ Hai, 22/01/2024, 00:00
- Liệu mình có thai hay đó là sự thay đổi của cơ thể khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng không hiểu vì sao Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Em có phải đồng tính hay không? Thứ Hai, 01/01/2024, 00:00
- Có bình thường không khi bản thân nghĩ nhiều về sex Thứ Hai, 25/12/2023, 00:00
- Vợ chồng ít gần gũi Thứ Hai, 18/12/2023, 00:00
- Lo sợ chuyện mình thích 1 người sẽ bị bạn cùng lớp tiết lộ ra ngoài Thứ Hai, 04/12/2023, 00:00
Các tin khác
- Khó khăn để điều khiển cảm xúc Thứ Hai, 30/04/2018, 10:00
- Quan hệ tình dục ngoài có thể mang thai? Thứ Bẩy, 28/04/2018, 16:22
- Phải làm gì khi chồng hay có hành vi thiếu tôn trọng vợ? Thứ Năm, 26/04/2018, 11:27
- Tình yêu phải đi liền tình dục? Thứ Hai, 23/04/2018, 10:46
- Cháu buồn quá! Thứ Năm, 15/02/2018, 10:30
- Tình yêu tuổi 17, đúng hay sai? Thứ Ba, 13/02/2018, 10:30
- Đứt dây hãm bao quy đầu Chủ Nhật, 11/02/2018, 10:30
- Tiểu buốt Thứ Sáu, 09/02/2018, 10:30
- Nên tiếp tục hay dừng lại Thứ Tư, 07/02/2018, 10:30
- Kinh nguyệt không đều có phải do uống cafe? Thứ Tư, 07/02/2018, 10:11
- Nguy cơ lây nhiễm HIV do dùng chung dao cạo râu Thứ Hai, 05/02/2018, 10:30
- Dấu hiệu phụ nữ đã từng “yêu” Thứ Bẩy, 03/02/2018, 10:30